Chủ tịch UBND huyện Ba Vì: Có việc người dân “chán” nuôi bò

(PLO) - “Việc ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào chăn nuôi còn hạn chế.  Giá cả vật tư đầu vào tăng cao, trong khi giá thu mua sữa nguyên liệu giảm, người chăn nuôi không có lãi hoặc lãi không cao, dẫn đến tâm lý chán nản không phát triển đàn bò sữa hoặc chuyển đổi vật nuôi....”, Chủ tịch UBND huyện Ba Vì Bạch Công Tiến nhận xét.
Phó Bí thư Thành ủy TP.Hà Nội Đào Đức Toàn thăm trang trại bò sữa ở Ba Vì
Phó Bí thư Thành ủy TP.Hà Nội Đào Đức Toàn thăm trang trại bò sữa ở Ba Vì

Tổng đàn bò sữa sụt giảm 18%.

Theo Chủ tịch UBND huyện Ba Vì Bạch Công Tiến, huyện này có nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển chăn nuôi gia súc, gia cầm, đặc biệt là đàn bò sữa. Tính đến tháng 11/2016, tổng đàn bò sữa của huyện là 7.630 con (chiếm 65% tổng đàn bò sữa toàn thành phố), sản lượng sữa đạt 24,5 nghìn tấn.

Toàn huyện có 20 xã chăn nuôi bò sữa, trong đó, tập trung chủ yếu ở 3 xã Vân Hòa, Yên Bài, Tản Lĩnh. Chất lượng đàn bò sữa Ba Vì từng bước được cải tiến, giống bò chủ yếu là bò lai HF, bò trưởng thành chiếm 75% tổng đàn, trong đó đang cho sữa chiếm 64% và năng suất bình quân 14-15kg sữa/ngày.

Việc chăn nuôi bò sữa trên địa bàn huyện chủ yếu theo hình thức nông hộ gia đình, với khoảng 1.600 hộ chăn nuôi bò sữa, bình quân mỗi hộ nuôi 5-6 con, một số hộ có quy mô từ 20-30 con. Chăn nuôi bò sữa những năm qua đã trở thành nghề cho thu nhập khá, nhiều hộ có thu nhập từ 300 -500 triệu đồng/năm, giúp nhiều hộ xóa đói, giảm nghèo và làm giàu trên chính quê hương mình.

Trên địa bàn huyện có 2 đơn vị thu mua, tiêu thụ sữa chính là Công ty CP sữa Quốc tế IDP (thu mua 80% lượng sữa của nhân dân) và Công ty CP sữa Ba Vì (thu mua từ 10-12% sản lượng), số còn lại người chăn nuôi bán nhỏ lẻ, phục vụ khách du lịch. Giá sữa thu mua đạt bình quân 9.500 - 10.000 đồng/kg.

Việc áp dụng cơ giới hóa trong chăn nuôi bò sữa những năm qua được quan tâm đầu tư, đến nay, 85% số hộ sử dụng máy thái cỏ, 65% số hộ sử dụng máy vắt sữa và máng ăn tự động; 70% số hộ sử dụng hệ thống làm mát cho bò sữa. Hiện tổng diện tích trồng cỏ và thức ăn chăn nuôi cho bò đạt 310ha (tăng 50% so với thời điểm năm 2010).

Tuy nhiên, việc chăn nuôi mang tính nhỏ lẻ, thủ công và theo quy mô hộ gia đình dẫn đến năng suất, chất lượng vật nuôi còn hạn chế. Các trang trại bò sữa, bò thịt đã được hình thành nhưng chưa được nhân rộng, chưa hình thành các vùng chăn nuôi tập trung quy mô lớn; tình trạng ô nhiễm môi trường trong chăn nuôi vẫn tồn tại và chưa xử lý triệt để.

“Việc ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào chăn nuôi còn hạn chế.  Giá cả vật tư đầu vào tăng cao, trong khi giá thu mua sữa nguyên liệu giảm, người chăn nuôi không có lãi hoặc lãi không cao, dẫn đến tâm lý chán nản không phát triển đàn bò sữa hoặc chuyển đổi vật nuôi. Vì vậy, tổng đàn bò sữa của huyện sụt giảm 18%. Việc tiếp cận nguồn vốn vay hỗ trợ người chăn nuôi còn gặp khó khăn…” Chủ tịch UBND huyện Ba Vì Bạch Công Tiến nói.

Sang năm, giá thu mua có thể tăng?

Đại diện Công ty CP sữa Quốc tế IDP và Công ty CP sữa Ba Vì cho biết, trong bối cảnh áp lực cạnh tranh của thị trường và khó khăn chung của giá sữa tươi trong nước và quốc tế những năm qua đã chạm đáy, dẫn đến giá thành sản phẩm đầu ra cũng giảm theo. Song 2 đơn vị này vẫn duy trì mức giá mua sữa nguyên liệu của bà con ổn định ở mức bình quân trên 10 nghìn đồng/kg. 

Đại diện 2 đơn vị cho biết, trong thời gian tới, sẽ nâng quy mô sản xuất, tăng giá mua sữa bình quân cho người chăn nuôi lên 4-5%, lên khoảng trên 11 nghìn đồng/kg và cho biết trước những tín hiệu tích cực của thị trường sữa, dự kiến, vào đầu năm sau, giá thu mua có thể tăng cao hơn, giúp người chăn nuôi có lãi và phát triển sản xuất. Cả 2 đơn vị cũng mong muốn được tham gia chương trình “Sữa học đường” của thành phố, để các em học sinh tiểu học được sử dụng sản phẩm sữa Ba Vì với chất lượng cao và giá thành cạnh tranh nhất.

Kiểm tra tình hình chăn nuôi, phát triển đàn bò sữa tại địa phương này mới đây, Phó Bí thư Thành ủy TP. Hà Nội Đào Đức Toàn đề nghị lãnh đạo huyện Ba Vì và các xã tiếp tục kiên trì, làm tốt công tác tuyên truyền, vận động để tổ chức tốt việc chăn nuôi bò sữa, bò thịt và gia súc, gia cầm theo đúng quy hoạch; định hướng, sản xuất hàng hóa, đáp ứng yêu cầu thị trường. Kịp thời khắc phục một số bất cập như khâu chọn giống chưa kỹ, quy mô sản xuất không có sự định hướng, môi trường chưa đảm bảo. Cùng với đó, chính quyền huyện và xã cần quan tâm, tìm giải pháp, thực sự là cầu nối kết hợp 4 nhà, trong đó vai trò của Nhà nước hết sức quan trọng. 

Trong quá trình phát triển, cần coi trọng chất lượng, không quá chú trọng mở rộng số lượng đàn bò. “Xã, huyện, doanh nghiệp phải bàn, nghiên cứu để xây dựng một bộ tiêu chí, mô hình quy mô hộ chăn nuôi bò sữa hợp lý để áp dụng. Bên cạnh đó, chú ý sự liên kết giữa các hộ, hình thành hợp tác xã, có sự phân công, chuyên môn hóa trong các khâu sản xuất để giảm giá thành sản phẩm sữa”, ông Toàn lưu ý.

Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội cũng đề nghị các ngành chức năng của thành phố và huyện Ba Vì tạo điều kiện để các doanh nghiệp sản xuất thức ăn chăn nuôi cung ứng cho huyện, cùng với đó là kiểm soát thị trường thức ăn chăn nuôi, khuyến cáo nhân dân sử dụng các loại thức ăn chăn nuôi đảm bảo chất lượng; tăng cường hỗ trợ các doanh nghiệp trong tiêu thụ, xúc tiến đầu tư, xây dựng thương hiệu sữa Ba Vì.

Đọc thêm