Chung cư cao cấp 15-17 Ngọc Khánh: Chủ đầu tư bất hợp tác với báo chí?

(PLO) - “Chúng tôi đã làm việc với bên Phòng cháy chữa cháy (PCCC) rồi, lãnh đạo không có chỉ đạo để tiếp báo chí” – là câu trả lời mà phóng viên nhận được từ cán bộ văn thư của Công ty cổ phần Thăng Long GTC.

Sau khi nhận được thông tin phản ảnh của các hộ dân chung cư cao cấp 15-17 Ngọc Khánh, PV đã đặt lịch làm việc đối với chủ đầu tư là Công ty Cổ phần Thăng Long GTC. 

Công ty Cổ phần Thăng Long GTC - chủ đầu tư dự án chung cư 15-17 Ngọc Khánh
Công ty Cổ phần Thăng Long GTC - chủ đầu tư dự án chung cư 15-17 Ngọc Khánh

“Chủ đầu tư có dấu hiệu né tránh báo chí”

Ngày 25/10/2017, PV báo PLVN đã đến trụ sở văn phòng Công ty CP Thăng Long GTC để đặt lịch làm việc. Mặc dù PV đến đúng giờ hành chính nhưng không gặp được văn thư của công ty với lý do “cán bộ văn thư đi vắng, không có ai để tiếp nhận văn bản...”.

Để không mất thời gian cho việc đặt lịch làm việc, PV đã nhờ lễ tân công ty chuyển giúp lên văn thư nhưng lễ tân cũng từ chối nhận văn bản. Nhận thấy sự việc bất hợp lý, PV đã trao đổi lại với lễ tân và cuối cùng cũng “được” lễ tân nhận hộ văn bản.

Tuy nhiên, khi PV đến làm việc, bà Liên - lễ tân công ty từ chối chuyển Giấy giới thiệu
Tuy nhiên, khi PV đến làm việc, bà Liên - lễ tân công ty từ chối chuyển Giấy giới thiệu

Ngay sau khi đặt lịch làm việc, PV tiếp tục gọi điện cho bà Lan – PGD của công ty để trình bày sự việc và nhận được câu trả lời “tôi sẽ lưu ý và sẽ báo cáo sếp..”

Tuy nhiên, 7 ngày kể từ ngày đặt lịch làm việc, PV vẫn không nhận được bất kỳ phản hồi nào từ phía Công ty CP Thăng Long GTC, gọi điện cho bà Lan thì “có dấu hiệu” chặn số điện thoại của phóng viên.

Để vấn đề được đa chiều, PV đã đến làm việc với đại điện Ban quản lý chung cư 15-17 Ngọc Khánh. Tại đây, PV được anh Đồng – Đại diện BQL đón tiếp. Khi được hỏi về vấn đề số lượng xe của dân cư trong toà nhà, anh Đồng “ấp úng” không trả lời được và yêu cầu PV phải có công văn dấu đỏ về những câu hỏi đặt ra thì mới trả lời.

"Chung cư 15-17 Ngọc Khánh vẫn là “điểm nóng” trên địa bàn…"

Tiếp tục, ngày 30/10/2017, PV làm việc với Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy đội 2 (CSPCCC) và nhận được câu trả lời: “Chung cư 15-17 Ngọc Khánh vẫn đang là điểm nóng trên địa bàn về vấn đề PCCC, tuy nhiên cho đến thời điểm này chúng tôi vẫn chưa xử lý dứt điểm do trước khi tiến hành kiểm tra theo kế hoạch thì chúng tôi phải có thông báo trước mấy ngày, lúc kiểm tra thì họ làm rất tốt nhưng khi kiểm tra xong rồi thì vấn đề đó chúng tôi lại không kiểm soát được. Nếu thực hiện kiểm tra đột xuất thì bắt buộc phải có đơn thư khiếu nại của các hộ dân hoặc trường hợp đặc biệt nào đó...” – Anh Khanh, cán bộ PCCC đội 2 chia sẻ.

Một tòa nhà chung cư cao cấp đã đi vào hoạt động hơn 10 năm nhưng vẫn chưa được nghiệm thu hết về việc đảm bảo PCCC. Dân kêu thì cứ kêu, chủ đầu tư thì “đem con bỏ chợ".

Câu hỏi đặt ra ở đây là tại sao một tòa chung cư được cho là cao cấp, được đặt tại vì trí “vàng” của Thủ đô và tồn tại hơn 10 năm nay nhưng vẫn chưa đảm bảo được những quy định tối thiểu về việc PCCC? Vướng mắc ở đâu mà chính quyền, ban ngành có liên quan lại không xử lý dứt điểm được?

Để tránh những hậu quả đáng tiếc xảy ra đối với tài sản, tính mạng của người dân sống tại chung cư, Báo PLVN kính đề nghị UBND Thành phố, UBND Quận Ba Đình, Cảnh sát PCCC khu vực cùng chính quyền địa phương sớm vào cuộc, xác minh và làm rõ những sai phạm của chủ đầu tư chung cư cao cấp 15-17 Ngọc Khánh. 

Trước đó, như Báo PLVN đã thông tin, "Chung cư 15 – 17 Ngọc Khánh (phường Giảng Võ, quận Ba Đình, Hà Nội), do Công ty TNHH Nhà nước một thành viên Thăng Long GTC làm chủ đầu tư, có 04 tầng thương mại và hơn 200 hộ dân cư. Năm 2007, chủ đầu tư bàn giao nhà cho khách hàng nhưng đến nay, dù đã hơn 10 năm đi vào hoạt động, hàng trăm hộ dân sinh sống nơi đây vẫn phải đánh cược mạng sống của mình cho “bà hoả". 

Theo điều 11  thông tư 66/2014/TT-BCA ngày 16 tháng 12 năm 2014 của Bộ Công An:

Điều 11. Thủ tục tạm đình chỉ, đình chỉ hoạt động và phục hồi hoạt động đối với cơ sở, phương tiện giao thông cơ giới, hộ gia đình, cá nhân

1. Thủ tục tạm đình chỉ hoạt động

a) Khi phát hiện trường hợp bị tạm đình chỉ hoạt động theo quy định tại Khoản 1 Điều 19 Nghị định số 79/2014/NĐ-CP thì người có thẩm quyền tạm đình chỉ hoạt động theo quy định tại Khoản 6 Điều 19 Nghị định số 79/2014/NĐ-CP có quyền yêu cầu tổ chức, cá nhân ngừng hoạt động hoặc chấm dứt hành vi vi phạm và thực hiện theo các quy định sau đây:

- Lập biên bản xác định phạm vi nguy cơ trực tiếp phát sinh cháy, nổ hoặc hành vi vi phạm quy định về phòng cháy và chữa cháy;

- Ra quyết định hoặc báo cáo người có thẩm quyền ra quyết định tạm đình chỉ hoạt động.

b) Việc ra quyết định tạm đình chỉ hoạt động phải bằng văn bản (mẫu số PC07). Trường hợp cấp thiết có thể ra quyết định, tạm đình chỉ bằng lời nói và ngay sau đó phải thể hiện quyết định bằng văn bản. Khi ra quyết định tạm đình chỉ bằng lời nói phải xưng rõ họ tên, chức vụ, đơn vị công tác, phạm vi và những hoạt động bị tạm đình chỉ.

Người ra quyết định tạm đình chỉ hoạt động có trách nhiệm tổ chức theo dõi việc khắc phục, loại trừ nguy cơ trực tiếp phát sinh cháy, nổ.

2. Thủ tục đình chỉ hoạt động

a) Khi hết thời hạn tạm đình chỉ hoạt động, người có thẩm quyền đã ra quyết định tạm đình chỉ hoạt động trước đó có trách nhiệm tổ chức kiểm tra cơ sở, phương tiện giao thông cơ giới, hộ gia đình và hoạt động của cá nhân bị tạm đình chỉ để xem xét khả năng loại trừ nguy cơ trực tiếp phát sinh cháy, nổ hoặc khắc phục vi phạm quy định về phòng cháy và chữa cháy. Việc kiểm tra phải được lập biên bản (mẫu số PC05);

b) Kết thúc kiểm tra, nếu xét thấy nguy cơ trực tiếp phát sinh cháy, nổ chưa được loại trừ hoặc vi phạm không được khắc phục hoặc không thể khắc phục được và có nguy cơ cháy, nổ gây hậu quả nghiêm trọng thì người có thẩm quyền đã ra quyết định tạm đình chỉ hoạt động trước đó xem xét, ra quyết định đình chỉ hoạt động của cơ sở, hộ gia đình, phương tiện giao thông cơ giới, hoạt động của cá nhân (mẫu số PC08).

Đọc thêm