Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể: Không thể quá vội?

(PLO) - Trước thềm năm học mới, nhiều ý kiến từ các địa phương đã đề xuất Bộ GD-ĐT lùi thời hạn triển khai chương trình giáo dục phổ thông tổng thể thay vì áp dụng ngay từ năm học 2018-2019 theo kế hoạch. Dù Bộ GD-ĐT cho biết sẽ đẩy nhanh việc quy hoạch lại mạng lưới các trường sư phạm, triển khai chương trình GDPT mới nhưng các địa phương đều chưa sẵn sàng bởi quá cập rập…
Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể: Không thể quá vội?

Vừa viết sách vừa thực nghiệm?

Trước những băn khoăn của dư luận về Chương trình và sách giáo khoa hiện hành (chương trình 2000) được dạy thí điểm 3 đến 4 năm trước khi áp dụng đại trà. Đến nay, chương trình tổng thể mới vừa được thông qua, trong khi chương trình môn học chưa có. Thế nhưng, theo kế hoạch năm học 2018-2019 đã có sách mới (lớp 1, lớp 6, lớp 10).

GS Nguyễn Minh Thuyết - Tổng chủ biên Chương trìnhsách giáo khoa mới cho biết, chương trình hiện hành trước khi triển khai áp dụng đại trà có từ hai đến ba năm thí điểm, sau đó có một năm chỉnh sửa rồi mới triển khai đại trà. Theo cách làm này, phải thí điểm cả những nội dung không khó, không mới, mất nhiều thời gian, công sức mà không tập trung được vào những vấn đề mới, vấn đề khó của chương trình mới

Nhằm khắc phục hạn chế này, chương trình giáo dục phổ thông mới sẽ được tiến hành thực nghiệm ngay trong quá trình xây dựng chương trình. Nội dung thực nghiệm tập trung vào những vấn đề mới so với chương trình hiện hành, trong đó đặc biệt chú trọng thực nghiệm những hình thức hoạt động giáo dục/dạy học mới, những yêu cầu cần đạt của mỗi chương trình môn học và hoạt động giáo dục; xác định mức độ phù hợp của yêu cầu cần đạt của chương trình với trình độ nhận thức và điều kiện học tập của học sinh.

GS Nguyễn Minh Thuyết cho rằng: Điều này cũng phù hợp với vị trí của chương trình giáo dục phổ thông. Bởi vì chương trình giáo dục phổ thông là một văn bản quy phạm pháp luật do Bộ trưởng Bộ GD-ĐT ban hành, phải được xây dựng theo quy trình ban hành văn bản quy phạm pháp luật, trong đó có bước đánh giá tác động của chính sách.

Phạm vi thực nghiệm là một số tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương đại diện 6 vùng kinh tế - xã hội trên phạm vi cả nước (vùng trung du và miền núi phía Bắc; vùng Đồng bằng sông Hồng; vùng Bắc Trung bộ và duyên hải miền Trung; vùng Tây Nguyên; vùng Đông Nam bộ; vùng Đồng bằng sông Cửu Long). 

Mỗi vùng chọn một tỉnh/thành phố tham gia thực nghiệm; mỗi tỉnh/thành phố tham gia thực nghiệm chọn một số trường tiểu học, trường trung học cơ sở và trường trung học phổ thông đại diện các vùng thành thị, nông thôn, vùng sâu, vùng xa; mỗi trường phổ thông tham gia thực nghiệm chọn ở mỗi khối một số lớp. 

Trong quá trình xây dựng chương trình tổng thể, Ban soạn thảo đã tiến hành điều tra khảo sát trực tuyến đối với gần 2.500 học sinh ở 5 trường trung học phổ thông thuộc Hà Nội, Nam Định, Hưng Yên, nội dung khảo sát chủ yếu về tình hình học sinh lựa chọn môn học nhằm kiểm tra tính khả thi của phương án phân hóa theo định hướng nghề nghiệp ở trung học phổ thông.

Sắp tới, trong quá trình xây dựng các chương trình môn học, Ban Phát triển chương trình môn học sẽ tiếp tục thực nghiệm để đánh giá tính khả thi và tính hiệu quả của các chương trình môn học và hoạt động giáo dục. Việc thực nghiệm sách giáo khoa mới sẽ được tiến hành tương tự như đối với chương trình mới và có sự tham gia của các tổ chức, cá nhân đăng ký biên soạn sách giáo khoa. Điều này cũng phù hợp với thực tế là chúng ta sẽ thực hiện “một chương trình, nhiều sách giáo khoa”.

Nóng vội… không kịp

Nhận định về chương trình GDPT mới, ông Phạm Văn Hùng - Giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Thừa Thiên - Huế khẳng định, chương trình đã được Bộ GD-ĐT thông qua là khá hoàn chỉnh; đáp ứng dạy học theo hướng phát huy năng lực, phẩm chất của học sinh. Các môn học, dung lượng kiến thức, phân bổ thời gian từng môn học và trong tổng thể chương trình được tính toán cân đối, phù hợp. 

Mặc dù ở địa phương, tâm thế của cán bộ quản lý và giáo viên đã sẵn sàng cho việc đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông. Tuy nhiên, ông vẫn đề nghị Bộ GD-ĐT đề xuất với Chính phủ cho lùi thời gian triển khai chương trình mới 1 năm. Dù Thừa Thiên - Huế có khoảng 17.000 giáo viên, nhưng thầy cô cần có thời gian để thực sự hiểu, thấm nhuần về chương trình GDPT mới cũng như có thời gian để chuẩn bị đầy đủ cơ sở vật chất để triển khai chương trình.

Cùng chung quan điểm, ông Cao Xuân Hùng - Giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Nam Định cho rằng, nên lùi thời gian triển khai chương trình, sách giáo khoa mới để địa phương có thời gian chuẩn bị. Theo ông, việc áp dụng chương trình mới cần phải được chuẩn bị đầy đủ cơ sở vật chất, đội ngũ, tâm lí xã hội. 

Ông Hùng đánh giá, chất lượng giáo dục phổ thông vẫn chấp nhận được, chưa đến mức cấp bách để đổi mới ngay, và đề nghị Bộ công bố điều kiện tối thiểu của các địa phương, nếu còn khó khăn thì nên lùi thời điểm thực hiện.

Còn theo bà Nguyễn Thị Kim Chi - Giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Nghệ An, với chương trình GDPT mới, Bộ GD-ĐT đã rất cẩn trọng, nghiêm túc, có lộ trình bài bản. Thế nhưng, dù địa phương đã rất quan tâm song cơ sở vật chất tại các địa phương vùng miền núi còn nhiều khó khăn; đội ngũ giáo viên cũng còn có những bất cập. Do đó, Bộ nên giãn tiến độ, lùi thời gian thực hiện để địa phương có thể chuẩn bị đầy đủ hơn.

Trong khi đó, theo bà Nguyễn Thị Minh Giang - Giám đốc Sở GD-ĐT Kiên Giang, việc lùi một năm không quan trọng. Bởi đổi mới toàn diện từ chương trình cho tới sách giáo khoa cần có điều kiện đồng bộ. Trong một năm liệu có đảm bảo được những điều kiện này không? Theo bà Giang, Bộ GD- ĐT nên triển khai từng nội dung chứ không nên đồng loạt cùng một lúc, bởi làm như vậy sẽ không thể kham nổi.

Giám đốc Sở GD-ĐT Vĩnh Long cũng cho rằng, một trong những rào cản thực hiện chương trình GDPT mới là điều kiện cơ sở vật chất, đặc biệt ở vùng sâu, vùng xa khó thực hiện xã hội hóa. Giám đốc Sở GD-ĐT Vĩnh Long mong muốn Bộ GD-ĐT có kế hoạch tăng cường đề án về cơ sở vật chất, ban hành chuẩn cơ bản để địa phương thực hiện. Chuẩn này cần phải đi vào thực tế, phù hợp với từng vùng, từng địa phương. Sĩ số học sinh trên lớp cũng cần có lộ trình để ngang bằng các nước trong khu vực. Lãnh đạo Sở này cũng nhấn mạnh, chủ trương, mô hình mới cần được nghiên cứu cẩn trọng, đảm bảo yếu tố khoa học và thực tiễn...

Trước ý kiến của một số địa phương về việc xin lùi thời gian thực hiện chương trình GDPT mới, ông Đoàn Văn Ninh - Giám đốc Dự án Hỗ trợ đổi mới GDPT, Bộ GD-ĐT cho biết, Bộ vừa thông qua chương trình GDPT mới và đang rà soát lại các điều kiện về cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên để thực hiện chương trình theo đúng lộ trình như Nghị quyết 88 đã đề ra. Trong đó, ưu tiên đến việc đảm bảo và nâng cao chất lượng giáo dục.

Tuy nhiên, Bộ GD-ĐT sẽ lắng nghe các kiến nghị và có thể đề xuất lên Chính phủ và trình lên Quốc hội xem xét kéo dài thêm thời gian để chuẩn bị kỹ lưỡng hơn cho việc xây dựng và biên soạn chương trình sách giáo khoa mới cũng như các điều kiện cần thiết khác khi thực hiện chương trình GDPT mới.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cũng cho rằng, Nghị quyết của Quốc hội đã ban hành từ lâu, các địa phương đều đã có thời gian chuẩn bị, vì thế cần khẩn trương, tích cực hơn nữa.

“Đổi mới là làm một lần để áp dụng cho nhiều năm, vì vậy chất lượng là trên hết. Trong quá trình chuẩn bị nếu thấy chưa đảm bảo về chất lượng, Bộ GD- ĐT có thể đề nghị với Chính phủ, Quốc hội để xin lùi thời điểm thực hiện nhưng quan trọng nhất là phải đưa được tinh thần đổi mới vào ngay từ bây giờ. Khi tinh thần đổi mới thấm đến từng giáo viên, họ sẽ có ý thức để tự đổi mới. Một thầy giáo có biết bao thế hệ học trò, vì vậy, nếu thầy giáo tốt sẽ có những thế hệ học sinh tốt và ngược lại” - Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

Đọc thêm