Chuyện khó tin nhưng có thật tại Thanh Hóa: Trạm bơm bị siết nợ, 200 ha ruộng chết khô

(PLVN) - Xã Quảng Phong (huyện Quảng Xương, Thanh Hóa) có hơn 200 ha đất nông nghiệp lấy nước phụ thuộc vào trạm bơm Cầu Trào. Những năm trước đây, trạm bơm này đã chủ động lượng nước tưới, đảm bảo cho nông dân gieo cấy đúng thời vụ, đảm bảo năng suất cao nhất của cây trồng. 
Trạm bơm bị siết nợ
Trạm bơm bị siết nợ

Đầu năm 2018, UBND huyện phê duyệt dự án Nâng cấp trạm bơm và hệ thống kênh cấp, kênh tưới chính trạm bơm Cầu Trào. Những tưởng việc này phục vụ việc trồng trọt thuận lợi hơn. Ai ngờ dự án thực hiện được khoảng 80% khối lượng thì dừng thi công, khiến 200 ha đất ruộng chết khô. Đồng lúa tại các thôn Đồng Thanh, Tri Hòa, Bái Vàng… khô hạn phải bỏ hoang, nhiều diện tích lúa còn lại được nông dân gieo sạ đang chết dần vì thiếu nước. Quan sát thực tế, hầu hết các mương nước ở đây đều đã khô cạn, mặt ruộng nứt toác, cây lúa đã gieo cấy cũng khô rụi thiếu nước. Nhiều diện tích đất được cày bừa xong nhưng không thể gieo cấy. Nhiều ruộng mạ đành cho đi hoặc để bò ăn. 

Ông Bùi Sỹ Tâm (thôn Đồng Thanh), nói: “Trước đây khi trạm bơm Cầu Trào hoạt động bình thường thì vào dịp này nông dân đã cấy xong. Từ khi trạm bơm đầu tư nâng cấp cũng là lúc những cánh đồng bị thiếu nước, cây lúa sinh trưởng kém dẫn đến mất mùa. Gia đình tôi có 9 sào ruộng nhưng chỉ cấy được 6 sào ở vùng trũng sâu, còn 3 sào đành bỏ hoang”. 

Tình trạng tương tự diễn ra tại một số cánh đồng lúa ở các thôn Tri Hòa, Bái Vàng, Khang Thịnh, Chính Trung, Đông Đa… của xã Quảng Phong. Nhìn cánh đồng khô khốc, bỏ hoang vì thiếu nước, bà Nguyễn Thị Thanh, thôn Tri Hòa tiếc ngẩn ngơ, xen lẫn uất nghẹn: “Chúng tôi phải dậy từ 3-4h sáng để ra đồng đào hố, vét nước nhưng vẫn không cứu được lúa, sống hay chết thì bây giờ đành phó mặc cho ông trời. Bao nhiêu tiền bạc thuê máy cày bừa, tiền mua giống đành bỏ đi, tiếc lắm nhưng không thể làm gì được. Người dân chúng tôi thấp cổ bé họng, nhiều lần phản ánh lên địa phương nhưng đến nay trạm bơm vẫn bị một cá nhân đóng cửa để siết nợ nhà thầu”.

Ông Cao Tiến Lương, Chủ tịch UBND xã Quảng Phong, Quảng Xương, xác nhận: “Tính đến tháng 6/2019 toàn xã có hơn 200 hecta ở các thôn Đồng Thanh, Tri Hòa, Bái Vàng, Khang Thịnh, Chính Trung, Đông Đa,… trên tổng số 358 ha đất nông nghiệp của 7 thôn bị bỏ hoang vì thiếu nước.

Trước đây khi trạm bơm Cầu Trào còn hoạt động thì nhu cầu nước tưới cho hơn 200 hecta lúa ở các thôn được đáp ứng đầy đủ, cho năng suất cao. Tuy nhiên đến tháng 6/2018, huyện cho xây mới trạm bơm Cầu Trào và hệ thống kênh dẫn, nay dự án dở dang, trạm bơm bị hộ gia đình ông Nguyễn Hữu Nhương (xã Quảng Hòa) đóng cửa để siết nợ nhà thầu phụ là ông Bùi Văn Đảng (ngụ huyện Quảng Xương). Nhiều nông dân phụ thuộc vào nguồn nước từ kênh Cầu Trào bức xúc, nhiều lần tập trung đông người để phản ánh lên địa phương”.  

Vì sao có nghịch lý trên, theo tìm hiểu, năm 2018, UBND huyện phê duyệt dự án với tổng mức đầu tư hơn 4,9 tỷ gồm công trình trạm bơm đầu mối và tuyến kênh tưới dài 1,6km, mục đích cung cấp nước tưới cho hơn 200 ha đất nông nghiệp của xã Quảng Phong và một phần xã Quảng Hòa. 

Đơn vị trúng thầu dự án là Công ty Cổ phần Phan Anh. Phan Anh ký hợp đồng nhân công và thiết bị với ông Đảng để thi công. Khi dự án thi công được 40% khối lượng công trình, ông Đảng đã dùng danh nghĩa cán bộ kỹ thuật của Phan Anh để vay mượn tiền một số hộ dân ở xã Quảng Phong và ông Nhương với số tiền hơn 200 triệu, dùng trạm bơm để thế chấp cho khoản nợ này với lý do “dùng cho việc mua vật liệu xây dựng, trả nhân công và trang thiết bị của trạm bơm”. Bên cạnh đó ông Đảng cũng bị cho là chiếm đoạt của Phan Anh 1,7 tỷ đồng tiền tạm ứng rồi bỏ đi. Trạm bơm phục vụ hơn 200 ha trở thành “vật thế chấp”, nông nghiệp chịu thiệt.

Từ ngày 7/1/2019 đến ngày 16/5/2019 UBND xã Quảng Phong gửi nhiều văn bản kiến nghị lên UBND huyện Quảng Xương sớm có biện pháp xử lý, tuy nhiên huyện Quảng Xương đến nay vẫn chưa có động thái thực tế gì. 

PLVN sẽ tiếp tục thông tin. 

Đọc thêm