Chuyện 'phép nước thua lệnh làng' ở Cà Mau

(PLVN) - Suốt 15 năm, trải qua 12 bản án (bao gồm cả quyết định giám đốc thẩm), ông Ẻm thắng kiện nhưng đến khi thi hành án thì luôn bị một số người can thiệp, bất chấp chỉ đạo của cấp trên. Một vụ án “cỏn con” tranh chấp 2,8 m2 không gian nhưng kéo dài, mất thời gian với các cơ quan chức năng, tạo dư luận không tốt tại địa phương, vì chuyện “phép vua thua lệnh làng” ở Cà Mau. 

Xây lấn phía trên rồi đòi đất phía dưới

15 năm qua, ông Vương Chấn Ẻm (SN 1926, ngụ số nhà 58, đường Lê Lợi, khóm 3, phường 2, TP Cà Mau, tỉnh Cà Mau) vướng vụ kiện với người hàng xóm là ông Tạ Lâm (đã qua đời, ngụ nhà số 54, đường Lê Lợi), gặp nỗi bực bội đã bị xây lấn khoảng không gian phía trên rồi lại bị hàng xóm kiện đòi đất phía dưới, 15 năm 12 lần hầu kiện.

Theo các bản án, căn nhà số 58 có diện tích 168,1 m2 hiện ông Ẻm quản lý, sử dụng là gộp từ căn nhà số 58 đường Lê Lợi (cũ) có diện tích 144,3 m2 và nhà số 20 đường Trần Hưng Đạo (nay là đường Lê Lai) có diện tích 23,8 m2. Nhà số 20 và 54 (nhà ông Lâm – NV) đều được xây dựng tồn tại trước năm 1975. Nhà số 20 nằm phía sau nhà số 54.

Năm 1990, ông Ẻm mua 168,1 m2 nói trên từ Sở Xây dựng với giá 46 lượng vàng 24K. Cùng năm 1990, ông Tạ Lâm cũng mua lại căn nhà số 54 từ Sở Xây dựng. Sau khi mua ông Lâm sửa chữa lại căn nhà, tranh chấp bắt đầu từ đây..

Trong các hồ sơ giấy tờ mà Sở Xây dựng tỉnh Cà Mau xác minh vào năm 2006, nhà số 54 không hề có ban công ở phía sau. Ông Ẻm cho biết: “Phần không gian tranh chấp có diện tích 2,8 m2 (ngang 3,5 m, dài 0,8 m) trước đây không có cửa, không có ban công. Năm 1990, khi sửa nhà, ông Lâm có mở cửa và đặt một tấm bê tông, xây vài hàng gạch. Tôi hỏi tại sao lại làm vậy, ông Lâm nói xin mở như vậy để lấy chỗ phơi quần áo”. Phía dưới ban công lấn chiếm không gian là tấm đan bê tông nhà vệ sinh tồn tại từ trước năm 1975 bên phía nhà ông Ẻm.

Năm 2004, ông Ẻm phát hiện ông Lâm kêu thợ đến xây thêm gạch ở phần ban công lấn chiếm không gian. Ông Ẻm trình báo chính quyền địa phương. Chính quyền yêu cầu ông Lâm dừng ngay việc xây dựng. “Nhưng lợi dụng buổi trưa, ông Lâm tiếp tục xây dựng hoàn thành. Ngay buổi chiều cùng ngày, tôi báo chính quyền đến lập biên bản”, ông Ẻm kể.

Biên bản lập lúc 14h30 ngày 20/12/2004 thể hiện, ông Lâm xây dựng ban công mới phía sau chiều ngang 3,5m, dài 0,8m và cao 2m. Sau đó ông Lâm bị xử phạt hành chính vì xây dựng phần ban công không xin phép.

Trước việc bị lấn không gian, ông Ẻm yêu cầu ông Lâm tháo dỡ ban công nhưng không được chấp nhận. Năm 2004, ông Ẻm khởi kiện ông Lâm, buộc ông Lâm tháo dỡ trả lại khoảng không gian lẫn chiếm. Ông Lâm phản tố, đòi ông Ẻm phải… trả lại phần diện tích phía dưới ban công.

12 lần thắng kiện

Trong quá trình hai bên kiện tụng, ông Lâm bất ngờ qua đời, người con trai ông Lâm là ông Tạ Thanh Vân tiếp tục theo kiện ông Ẻm.

Trong vụ kiện này, năm 2006, Sở Xây dựng (cơ quan bán nhà cho cả hai người) đã có văn bản gửi tòa án về diện tích, căn cứ pháp lý với phần ban công. Sở Xây dựng khẳng định các chứng từ cho thấy phần diện tích tranh chấp không thuộc quyền sử dụng của ông Lâm. Việc ông Lâm xây dựng lấn chiếm phần không gian rồi đòi công nhận quyền sử dụng đất phía dưới là trái Luật Đất đai. Luật Đất đai quy định người nào có quyền sử dụng đất thì có quyền được sử dụng phần không gian bên trên theo chiều thẳng đứng. Toàn bộ phần ban công ông Lâm xây lấn không gian nằm trọn trong diện tích đất ông Ẻm mua và được công nhận từ năm 1990.

Như vậy, việc đòi hỏi của ông Lâm không hề có căn cứ pháp lý, không hề tồn tại trong bất cứ văn bản chứng từ nào. Đồng thời, việc xây dựng trên không được xin phép, đã bị xử phạt thì phải bị cưỡng chế tháo dỡ.  

Bản án sơ và phúc thẩm lần 1 tại tỉnh Cà Mau năm 2005 tuyên bố ông Ẻm thắng kiện, buộc ông Lâm tháo dỡ toàn bộ phần ban công xây lấn chiếm không gian. Tuy nhiên bản án bị TAND Tối cao kháng nghị hủy để làm rõ thêm một số vấn đề liên quan.

Năm 2007, phiên sơ và phúc thẩm lần 2 tại tỉnh Cà Mau tuyên chấp nhận yêu cầu khởi kiện của ông Ẻm, nhưng “giữ nguyên phần ban công xây lấn không gian và ông Lâm phải trả cho ông Ẻm khi ông Lâm không sử dụng hoặc khi ông Lâm xây nhà mới”. Hai bản án tiếp tục bị TAND Tối cao hủy án vì phán quyết kiểu “nước đôi” vừa chấp nhận yêu cầu khởi kiện của ông Ẻm lại vừa để cho công trình lấn chiếm tồn tại.

Tiếp đó, năm 2011 và năm 2012, tỉnh Cà Mau mở phiên xử sơ thẩm và phúc thẩm lần 3. Lần này, ông Ẻm tiếp tục thắng kiện. Tòa buộc ông Lâm tháo dỡ toàn bộ phần ban công lấn chiếm không gian, trả lại cho ông Ẻm. Hai bản án một lần nữa bị hủy vì vi phạm thủ tục tố tụng.

Năm 2016, hai cấp tòa tỉnh Cà Mau đưa vụ án ra xét xử lần thứ 4. Ông Ẻm vẫn được tuyên thắng kiện. Lần này, ông Vân (con trai ông Lâm) vẫn không chịu thua nên có đơn đề nghị giám đốc thẩm.

Bản án thứ 12, tức là quyết định của TAND Cấp cao tại TP HCM, về việc bác đơn đề nghị giám đốc thẩm của ông Vân. Tại quyết định bác đơn này, TAND Cấp cao đã nêu rõ, bản án sơ thẩm và phúc thẩm buộc ông Lâm tháo dỡ phần lan can chiếm khoảng không gian trên đất ông Ẻm theo chiều thẳng đứng là đúng luật.

Sau hàng chục năm kiện tụng, bản án thứ 12 của TAND Cấp cao theo thủ tục giám đốc thẩm đã là phán quyết cuối cùng. Công lý đứng về phía người ngay thẳng. Ông Ẻm tưởng từ nay cởi bỏ được cái “ách giữa đàng” phải mang vào thân từ người hàng xóm lấn không gian. Bản án có hiệu lực pháp luật, Tổng Cục Thi hành án chỉ đạo thi hành bản án, Chấp hành viên ra văn bản cưỡng chế thi hành án, nhưng bất ngờ một quan chức tại TP Cà Mau chỉ đạo “dừng thi hành án”, bất chấp việc chỉ đạo dừng cưỡng chế thi hành án này là trái thẩm quyền, là vi phạm pháp luật.

PLVN tiếp tục phản ánh sự việc trong số báo sau.

Đọc thêm