Cỗ đau buồn - nên bỏ hay giữ?

(PLO) - “Nếu như việc tổ chức cưới hỏi người ta còn vin vào cớ “ngày vui trăm năm” để làm tiệc cỗ linh đình đãi đằng quan khách, họ hàng, bè bạn, bà con lối xóm thì đã đành, đằng này với những đám tang, trong lúc gia chủ đang đau buồn u uất, vậy mà không ít gia đình cũng vẫn cắt cử người tổ chức nấu cỗ để đãi quan khách, mọi người tới dự tang lễ. Theo tôi thì đám cưới người ta làm cỗ thì còn có thể thông cảm, chứ với đám tang thì tốt nhất là tuyệt đối không nên làm cỗ bàn, như vậy sẽ “nhẹ gánh” cho gia chủ...”. 
Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Đó là lời giãi bày của một cụ bà tên H., năm nay 72 tuổi, sống tại một xã ngoại thành thuộc huyện Gia Lâm, Hà Nội. Cũng theo như bà H., cho biết thì không riêng gì xã của bà H., mà rất nhiều xã khác trong huyện, thậm chí các huyện khác ở ngoại thành khi nhà có đám tang người ta cũng vẫn làm cỗ bàn. Có nhà thì làm tiệc để đãi bà con chòm xóm, anh em họ hàng, những quan khách ở xa tới dự tang. Cũng có nhà nhân tiện làm cơm để cúng tục “3 ngày” của người quá cố, tính từ lúc mất, nên nhân tiện mở mang tiệc cỗ để mời mọi người để “thay lời cảm ơn”!

Chẳng riêng gì mấy huyện ngoại thành của Hà Nội, mà đã từ lâu tại rất nhiều tỉnh, thành khác của miền Bắc mà phóng viên đã có dịp đi dự tang lễ của người nhà họ hàng, của người thân bạn bè, đồng nghiệp..., thì thấy việc các gia đình có tang làm tiệc cỗ là khá phổ biến. Những gia đình kinh tế eo hẹp, họ hàng, bè bạn ít thì gọi là “qua quýt” họ cũng làm tới cả cả vài chục bàn tiệc. Đối với những nhà họ to, rộng, nhiều quan khách bè bạn thì việc gia đình họ nấu tới cả gần trăm mâm cỗ không phải là hiếm. 

Nhà có cỗ kéo theo nợ nần đó là điều không hiếm gặp ở nhiều gia đình. Chia sẻ của một phụ nữ vừa bù lỗ tới gần 50 triệu đồng khi làm đám tang cho bố chồng cho thấy: “tiền phúng viếng tất tật chỉ được có hơn 30 triệu đồng, với mỗi phong bì chỉ có trung bình 50-100 ngàn đồng, trong khi chi phí cho mua áo quan, thuê đội nhạc hiếu... cùng vài thứ khác đã mất cả chục triệu đồng. Riêng tiệc cỗ bàn làm 50 mâm, cùng với tiền mua đồ uống... cũng mất tới xấp xỉ 60 triệu đồng. Tổng kết sau đám tang gia đình khốn khổ vì khoản tiền vay nợ làm cỗ...”.

Chính sách của Đảng, Nhà nước từ lâu luôn hướng nhân dân trong việc thực hiện cưới hỏi, tang ma thật giản đơn, tiết kiệm. Thiết nghĩ, việc vận động xóa bỏ việc làm tiệc cỗ trong đám tang sẽ là một khía cạnh của nếp sống văn hóa cũng như cũng phần nào làm nhẹ gánh nỗi lo cho gia chủ về tiền bạc, đỡ cho nhiều gia đình có hoàn cảnh kinh tế khó khăn khỏi phải rơi vào cảnh vay mượn, rồi nợ nần chồng chất...

Đọc thêm