Có nên “trả” kì thi tốt nghiệp về địa phương?

(PLO) - Kì thi tốt nghiệp THPT năm nay được đánh giá là an toàn, nghiêm túc ở cả hai cụm thi địa phương và đại học. Tuy nhiên, vẫn có nhiều ý kiến chuyên gia giáo dục cho rằng, nếu thí sinh chỉ thi tốt nghiệp mà phải thi chung cùng kì thi xét tuyển đại học (ĐH) là không công bằng. Do đó, đã đến lúc nên trả thí sinh thi tốt nghiệp về cụm thi địa phương... 
Có nên “trả” kì thi tốt nghiệp  về địa phương?

Không gây áp lực cho thí sinh

Liên quan đến việc tổ chức kỳ thi THPT quốc gia trong thời gian tới, mặc dù có nhiều ý kiến lo ngại, nếu để kì thi THPT về địa phương sẽ không thể nghiêm túc, khách quan như kì thi ĐH. Tuy nhiên, PGS. TS Nguyễn Xuân Trạch - Phó Giám đốc Học viện Nông nghiệp Việt Nam cho rằng, vấn đề đánh giá tốt nghiệp nên trả về cho các địa phương là hợp lý hơn cả. Theo lý giải của ông Trạch, tổ chức theo cách nào cũng chỉ để xác định một vài phần trăm học sinh trượt tốt nghiệp thì việc phải tổ chức hẳn một kỳ thi cấp quốc gia khá phức tạp. 

Đơn cử như tại tỉnh Hải Dương, nơi Học viện Nông nghiệp Việt Nam được giao chủ trì cụm thi vừa xét tốt nghiệp vừa xét tuyển ĐH, có tới 45% thí sinh chỉ thi để xét tốt nghiệp. Chưa kể ở những khu vực vùng sâu, vùng xa nơi học sinh không có điều kiện học tập đầy đủ, trong khi đề thi lại được ra chung cho toàn quốc. Rõ ràng, dùng một thước đo chung cho toàn quốc thì không công bằng với những nơi học sinh có điều kiện học hành thiệt thòi. Chính vì thế, để đánh giá tốt nghiệp thì giao cho địa phương sẽ hợp lý hơn và các địa phương cũng tự có trách nhiệm. Còn thi và xét tuyển vào các trường ĐH, nên giao cho các trường ĐH. Các trường có thể tự xét tuyển độc lập, có thể phối hợp thành một nhóm trường xét tuyển chung. PGS TS Nguyễn Xuân Trạch chia sẻ.

GS. Đặng Kim Vui - Giám đốc ĐH Thái Nguyên cũng cho rằng:  “Xét về bản chất vấn đề, những năm trước, tỷ lệ đỗ tốt nghiệp của học sinh THPT đều đạt 98%, 99%. Năm 2015, lần đầu tiên tổ chức một kỳ thi THPT quốc gia, học sinh  cũng tốt nghiệp 97%. Vì vậy, tôi nghĩ mục tiêu xét tốt nghiệp THPT nên  trao trả lại cho các tỉnh để họ làm hết sức nhẹ nhàng, không tốn thời gian của các cấp khác”, ông Vui bày tỏ. Còn các trường ĐH, trong Luật Giáo dục ĐH đã cho phép các trường tự chủ tuyển sinh. Bộ GD-ĐT có thể ban hành một phương thức nào đó cho các trường để các trường có thể tự chủ. Thực tế, chỉ một số trường ĐH top trên  tuyển sinh có tính cạnh tranh nhưng số lượng trường đó không nhiều.

Đồng quan điểm này, PGS.TS Lê Hữu Lập - Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông đánh giá: “Thi tốt nghiệp THPT không mang tính chất phân loại, không có tính cạnh tranh, không phải để ai đỗ, ai trượt mà chỉ đơn giản là để đánh giá mặt bằng kiến thức của học sinh nên giao cho địa phương để không gây áp lực và căng thẳng cho thí sinh. Qua hai năm tổ chức kỳ thi THPT quốc gia, các Sở GD-ĐT chịu trách nhiệm chủ trì cụm thi địa phương và họ đã làm rất tốt. Nên tôi nghĩ, không có gì băn khoăn nếu kỳ thi tốt nghiệp THPT được giao về các Sở GD-ĐT”, vị chuyên gia bày tỏ quan điểm.

 Ở góc độ địa phương, ông Nguyễn Hữu Độ - Giám đốc Sở GD-ĐT Hà Nội nêu đề xuất Bộ GD-ĐT nên xem xét giao quyền chủ động trong kỳ thi tốt nghiệp cho các địa phương ở các khâu: tổ chức thi, chấm thi và xét công nhận tốt nghiệp; quy chế thi và đề thi sẽ do Bộ ban hành để đảm bảo thống nhất về giá trị Bằng tốt nghiệp. 

Chỉ cần Bộ... “buông”?

Về tự chủ và xét tuyển ĐH, theo PGS Lê Hữu Lập, tự chủ không có nghĩa là các trường làm hết. Bởi cả 500 trường ĐH,  mỗi trường tổ chức một kỳ thi thì xã hội sẽ loạn. Còn để các trường tự lập nhóm sẽ lung tung ngay. Bao nhiêu nhóm cho đủ? Do đó, PGS Lê Hữu Lập đưa ra giải pháp là nên thành lập một trung tâm khảo thí độc lập. Trung tâm này sẽ giúp các trường ĐH tổ chức thi cho thí sinh.Trường nào thích thì lấy kết quả từ trung tâm, còn không thích thì xét học bạ. 

Về việc tiếp tục đổi mới kỳ thi tốt nghiệp và thi ĐH, Thứ trưởng Bùi Văn Ga cho biết, kết quả năm nay là phép thử đánh giá năng lực tổ chức kỳ thi của các địa phương. Sự thành công của kỳ thi vừa qua cho thấy có thể tổ chức được kỳ thi ở địa phương. Tới đây, Bộ sẽ tổ chức các hội thảo lấy ý kiến rộng rãi để quyết định phương thức tổ chức kỳ thi trong các năm tiếp theo. Ông Ga cũng khẳng định, các thông tin xã hội và báo chí phản ánh đều được Bộ ghi nhận và đưa ra phương án sớm nhất vào đầu năm học tới. Nguyên tắc của việc này là tuân theo Luật Giáo dục với tinh thần tổ chức kỳ thi là việc của các trường. Khi các trường sẵn sàng thì Bộ GD-ĐT sẽ giao cho các trường tổ chức. Chẳng hạn như cách làm của ĐH Quốc gia Hà Nội trong 2 năm vừa qua, Thứ trưởng Ga lưu ý.

PGS. Trần Xuân Nhĩ, Phó Chủ tịch Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam: 

Giao cho địa phương, học gì thi nấy

“Chủ trương giao kỳ thi tốt nghiệp THPT về cho địa phương là chủ trương đúng đắn. Bởi hai kỳ thi với hai tính chất khác nhau: kỳ thi tốt nghiệp THPT là để đánh giá trình độ học sinh phổ thông, còn kỳ tuyển sinh vào trường ĐH, CĐ là tuyển vào nguồn nhân lực. Đối với kỳ thi tốt nghiệp THPT sẽ là tất cả những kiến thức chung nhất mà mỗi người học sinh đều phải biết, sau khi tuyển vào thì tùy vào yêu cầu các ngành nghề để tuyển vào ĐH. 

 Việc thi hay xét tốt nghiệp là do Sở GD-ĐT và chính quyền địa phương quản lí. Bộ chỉ làm chức năng quản lí nhà nước. Rõ ràng Bộ sẽ đỡ vất vả hơn rất nhiều. Chứ trong thời gian vừa qua tôi thấy Bộ vất vả nhiều vì đã làm thay công việc của địa phương”, ông Nhĩ cho hay. Đề thi hiện nay đang tạo ra sự học lệch của học sinh, Bộ cần giao cho các địa phương và trên tinh thần học gì thi nấy. Số bài thi có thể 4-5 hoặc làm như bài thi đánh giá năng lực của ĐH Quốc gia Hà Nội.

Đọc thêm