Con gà trong ca dao tục ngữ Việt Nam

(PLO) - Theo người Phương Đông cứ 12 năm là một giáp, lấy 12 con gia súc, động vật làm biểu tượng cho mỗi năm. Trong đó, có con gà đứng thứ 10, sau con khỉ, trước con chó và con lợn. 

Con gà được nuôi khắp thế gian vì đa năng, đa ích, cho trứng, cho thịt và cả bộ lông, là tiếng đồng hồ báo thức lúc canh khuya cho chủ nhà. 

Ở nước ta, con gà đã đi vào thơ ca dân gian, tục ngữ, ca dao, mượn con gà để nói chuyện đời, chuyện người, thể hiện tính cách con người, kinh nghiệm sống và quan hệ xã hội từ thành thị đến nông thôn, truyền từ đời này sang đời khác:

- Gà tồ: Chỉ người vô tâm, vô tính, không giận ai lâu, không để ý sâu xa một chuyện gì đó có quan hệ với mình hay mình có biết.

- Gà mượn lông công: Chỉ người mượn oai thế của người khác đề lòe bịp, trục lợi người thiên hạ nhẹ dạ, cả tin.

- Mèo mả gà đồng: Chỉ một người vô lại ham chơi, lăng nhăng trong tình cảm, lợi dụng kiếm ăn từ người khác, đáng khinh miệt cần tránh thật xa.

- Gà trống tốt mã: Hàm ý nói người chỉ có vẻ đẹp bề ngoài, thực tế thì chẳng giỏi, tài bằng người khác. 

 - Gà trống đứng cửa chuồng: Chỉ bọn có chức có quyền mà tham quyền cố vị, chèn ép chặn lối tiến thân của người đủ đức, đủ tài.

 - Gà què ăn quẩn cối xay: Chỉ số người nghèo túng không có lối thoát, chỉ kiếm ăn qua ngày quanh quẩn quê hương. 

 - Gà trống nuôi con: Chỉ người đàn ông bất hạnh, góa vợ (hay bỏ vợ) phải nuôi đàn con thơ dại vốn là thiên chức của người phụ nữ.

 - Trông gà hóa cuốc: Sự nhầm lẫn giữa người và con vật, sự kiện này với sự kiện kia.

 - Gà chung một mẹ chớ hoài đá nhau: Chê lũ người trong nhà tranh giành quyền lợi, xung đột, kiện cáo lẫn nhau, thậm chí gây ra cảnh huynh đệ tương tàn.

 - Đầu gà hơn má lợn: Đứng đầu một nơi còn hơn làm đầy tớ cho người cao quý, giàu sang.

 - Chó cậy gần nhà, gà cậy gần chuồng: Chỉ kẻ cậy thần, cậy thế bắt nạt, chèn ép người khác. 

 - Một tiền gà ba tiền thóc: Đó là người không biết làm ăn, món lợi thu về không bằng công sức, tiền bạc đã đầu tư.

 - Bút sa gà chết: Ý nói pháp luật đã có mọi người phải tuân theo “Quân lệnh như sơn” không hề có chuyện trên bảo dưới không nghe, làm sai vẫn nói là đúng quy trình. 

 - Đá gà đá vịt: Chỉ người không chủ tâm vào công việc, chỉ láng cháng, lớt phớt, qua loa để kiếm ăn.

 - Phù thủy đền gà: Ý nói làm không được việc, phải trả lại phí tổn cho người ta.

 - Ráng mỡ gà, có nhà thì chống: Kinh nghiệm trong dân gian, thấy trên trời có màu vàng tựa mỡ gà là sắp có bão, phải chằng chống lại nhà, phòng bão làm đổ.

 - Chập chập rồi lại cheng cheng, con gà trống để riêng cho thầy, đơm xôi thì đơm cho đầy, đơm mà vơi đĩa thì thầy không ưa: Chê mấy ông thầy cúng tham lam, hành nghề mê tín dị đoan.

 Từ thực tế cuộc sống, người Việt Nam ta cũng có những câu đồng dao dí dỏm về gà: 

“Con gà cục tác lá chanh,

Con lợn ủn ỉn mua hành cho tôi,

Con chó khóc đứng khóc ngồi,

Mẹ ơi đi chợ mua tôi đồng giềng…”.

Có lẽ, vì hữu dụng, vì thân thương như vậy nên con gà luôn gắn bó với mỗi người, mỗi gia đình. 

Đọc thêm