Công ty Hải Hà cố tình chây ì thi hành án?

(PLO) - Một bản án dân sự sau khi có hiệu lực pháp luật và không có kháng cáo tưởng chừng được thi hành án trong “êm đẹp” lại trở thành câu chuyện “to tát”: Địa điểm được thi hành án trở thành điểm nóng về an ninh trật tự, hàng chục công nhân không có lương, doanh nghiệp tiếp quản bị đe dọa…
Thượng tá Vũ Văn Sơn, Phó trưởng Công an huyện Yên Dũng
Thượng tá Vũ Văn Sơn, Phó trưởng Công an huyện Yên Dũng

Mất trật tự trị an

Đã nhiều năm nay, tại Nhà máy gạch tuynel Công ty Cổ phần Hải Hà (Công ty Hải Hà) đóng trên địa bàn thôn Liên Sơn, xã Lão Hộ, huyện Yên Dũng, tỉnh Bắc Giang luôn là tâm điểm về an ninh trật tự. Theo ông Trần Tân Hợi, Chủ tịch UBND xã Lão Hộ thì nguyên nhân là do Công ty Hải Hà nợ tiền của một số người nhiều năm và chây ì không chịu trả.

Theo những tài liệu mà chúng tôi thu thập được, trong quá trình triển khai nhà máy gạch, Công ty Hải Hà đã ký một số hợp đồng tín dụng để vay vốn của Ngân hàng thương mại cổ phần ngoại thương Việt Nam chi nhánh Bắc Giang (Vietcombank).

Chủ tịch UBND xã Lão Hội, Trần Tân Hợi
Chủ tịch UBND xã Lão Hội, Trần Tân Hợi

Tài sản công ty này thế chấp bao gồm: Tài sản đảm bảo toàn bộ giá trị hạ tầng kỹ thuật, các công trình xây dựng và các tài sản khác gắn liền với diện tích 102.747,4m2 thuê tại xã Lão Hộ. Tài sản trên hình thành từ nguồn vốn vay của Bên nhận thế chấp và vốn tự có của Bên thế chấp thuộc dự án “Xây dựng nhà máy sản xuất vật liệu xây dựng công suất 40 triệu viên (QTC)/năm”.

Ngoài ra tài sản thế chấp của công ty Hải Hà còn bao gồm tài sản do Bên thế chấp đầu tư trên đất, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác; Các khoản tiền bảo hiểm đối với tài sản; Tiền bồi thường thiệt hại cho việc tài sản bị mất, mất giá trị, giảm sút (nếu có) và các tài sản khác theo quy định của pháp luật.

Nhưng do sau một thời gian làm ăn không có khả năng trả nợ, Công ty Hải Hà bị Vietcombank khởi kiện ra TAND huyện Yên Dũng.

Đến ngày 12/2/2014, TAND huyện Yên Dũng đã tiến hành xét xử vụ án Kiện tranh chấp hợp đồng tín dụng và ra Bản án số 01/2014/TCTM-ST buộc Công ty Hải Hà phải trả cho Vietcombank chi nhánh Bắc Giang số tiền hơn 23,6 tỷ đồng. Tòa án tuyên rõ, ngay sau khi bản án có hiệu lực pháp luật nếu Công ty Hải Hà không trả đủ nợ cho ngân hàng thì ngân hàng có quyền yêu cầu Chi cục THADS huyện Yên Dũng xem xét xử lý theo quy định của pháp luật để đảm bảo thu hồi nợ.

Tuy nhiên, hết thời hạn mà Công ty Hải Hà không thực thi pháp luật nên Vietcombank chi nhánh Bắc Giang đã có đơn gửi Chi cục THADS huyện Yên Dũng yêu cầu thi hánh án Bản án số 01/2014/TCTM-ST. Sau đó, Chi cục THADS Yên Dũng đã ban hành Quyết định THA số 45/QĐ-CCTHA để thi hành khoản nghĩa vụ nêu trên của Công ty Hải Hà và giao chấp hành viên tổ chức thi hành án. Và bắt đầu từ đây, nhiều vấn đề phát sinh, tranh chấp xảy ra.

Xã hội đen giả mác công nhân?

Theo ông Nguyễn Văn Giới, Phó chi cục trưởng Chi cục THADS huyện Yên Dũng, khi bản án được tuyên mà đương sự không kháng cáo hoặc bị kháng nghị thì đương nhiên sẽ có hiệu lực pháp luật. Và khi có đơn yêu cầu thi hành án của Vietcombank, trong quá trình giải quyết vụ việc, Chấp hành viên đã tiến hành đầy đủ các trình tự thủ tục về theo quy định của pháp luật. “Do Công ty Hải Hà có điều kiện thi hành án nhưng không tự nguyện nên ngày 5/6/2014, Chi cục THADS huyện đã tổ chức cưỡng chế kê biên tài sản gắn liền với đất, dây chuyền sản xuất và các tài sản khác để đảm bảo thi hành án. Việc kê biên tài sản có sự chứng kiến, tham dự của Chủ tịch HĐQT và Tổng giám đốc, là người đại diện theo pháp luật”, ông Giới cho biết.

Theo ông Giới, trong quá trình kê biên, do các bên đương sự không thỏa thuận được về giá của tài sản nên đã thuê một công ty khác tổ chức thẩm định giá là 25.816.100.000 đồng. Sau đó, Công ty Hải Hà tiếp tục có đơn đề nghị Chi cục THADS huyện Yên Dũng xem xét bổ sung thêm phần tài sản mà trong Chứng thư thẩm định chưa có, bao gồm: phần chi phí đền bù giải phóng mặt bằng san lấp đường, bồi thường hỗ trợ di dời…

Công ty Bắc Hải Hưng liên tục bị các đối tượng lạ quấy rối
Công ty Bắc Hải Hưng liên tục bị các đối tượng lạ quấy rối

Tuy nhiên, khi Chi cục THADS yêu cầu Công ty Hải Hà cung cấp chứng từ các khoản nêu trên thì Công ty Hải Hà không xuất trình được. Ngoài ra, Cục thuế, Sở TNMT, Sở Tài chính tỉnh Bắc Giang khi nhận được đề nghị của Chi cục THADS huyện Yên Dũng cũng cho biết, ở các cơ quan này không hề có hồ sơ đền bù, bồi thường, hỗ trợ về đất của Công ty Hải Hà.

Do Công ty Hải Hà không có khả năng chứng minh số tiền trên theo đúng quy định nên ngày 15/6/2015, Chi cục THADS huyện Yên Dũng đã ký hợp đồng bán đấu giá tài sản với Công ty Cổ phần bán đấu giá tài sản Miền Bắc. Tuy nhiên, do giá khởi điểm là 25.816.100.000 quá cao, không có đơn vị nào mua nên đơn vị bán đấu giá phải hạ giá xuống. Ngày 27/11/2015, tài sản đã được Công ty Bắc Hải Hưng mua với giá 20.915.000.000 đồng.

Mặc dù Công ty Bắc Hải Hưng đã nộp tiền đấu giá vào tài khoản của Chi cục THADS huyện Yên Dũng và chấp hành viên của Chi cục THADS đã thông báo cho Công ty Hải Hà biết và yêu cầu tự nguyển chuyển dịch tài sản không thuộc trong danh mục kê biên ra khỏi địa phận Công ty nhưng đều không được hợp tác. Theo ông Nguyễn Văn Giới, ngoài việc không thực hiện theo quy định của pháp luật, Công ty Hải Hà còn cố tình tiếp tục khai thác tài nguyên đất, sử dụng dây chuyền, máy móc sản xuất đã bán đấu giá để sản xuất, làm ảnh hưởng rất lớn đến giá trị tài sản đã bán đấu giá. Trước tình hình này, Chi cục THADS huyện Yên Dũng đã ra quyết định cưỡng chế để chuyển giao tài sản của Công ty Hải Hà để chuyển giao cho công ty Bắc Hải Hưng.

Và sáng ngày 3/3 vừa qua, toàn bộ quy trình cưỡng chế đã thực hiện đúng pháp luật. Tuy nhiên, trong quá trình cưỡng chế, các cơ quan, tổ chức đã gặp sự phản đối quyết liệt từ phía Công ty Hải Hà. Theo xác nhận của Thượng tá Vũ Văn Sơn – Phó trưởng Công an huyện Yên Dũng, trong mấy chục công nhân của Công ty Hải Hà, có nhiều thành phần “tóc xanh, tóc đỏ” và nhiều thành phần “đặc biệt” được Công an theo dõi nhiều năm qua.

Trao đổi với PV về vụ việc này, luật sư Trần Đại Dương (Đoàn luật sư Hà Nội cho biết: “Đây là vụ việc kéo dài, người phải thi hành án có điều kiện nhưng không tự nguyện thi hành, khi bị cưỡng chế thì tỏ ra chống đối quyết liệt. Đây là dấu hiệu vi phạm pháp luật rất rõ. Theo quy định của pháp luật, trong trường hợp này chính quyền tỉnh Bắc Giang cần khẩn trương ra quyết định thu hồi 102.747,4m2 bàn giao cho bên trúng đấu giá để đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp đồng thời đảm bảo an ninh trật tự tại địa bàn”.

Đọc thêm