“Cuộc chiến” đòi đất kéo 3 thế hệ gia đình tham gia

(PLO) -Được gia đình chồng cho một phần diện tích ao đầm, vợ chồng bà Xuân bỏ tiền của san lấp mặt bằng làm nhà. Mấy năm gần đây, bố chồng muốn đòi lại một phần đất đã cho, vợ chồng người con không đồng ý nên xảy ra mâu thuẫn.
Bà Xuân cho rằng các cơ quan tố tụng chưa khách quan khi điều tra vụ việc.
Bà Xuân cho rằng các cơ quan tố tụng chưa khách quan khi điều tra vụ việc.

Một lần đi chợ bán cá về thấy cổng nhà bị bố chồng đập phá, bà Xuân bực tức to tiếng. Bị bố chồng, em chồng và người cháu vây đánh hội đồng, bà Xuân quờ quạng nhặt được thanh củi vung trúng đầu em chồng. Sau đó bố và em chồng làm đơn tố cáo, bà Xuân bị truy tố tội “cố ý gây thương tích”.

Gia đình bất hòa vì đất đai

Bị cáo trong vụ án nói trên là bà Đỗ Thị Xuân (SN 1969, ngụ thôn Trung, xã Dương Hà, huyện Gia Lâm, TP Hà Nội). Bà Xuân lập gia đình từ năm 1988, chồng là thương binh hạng 4/4, còn bà bán cá ngoài chợ quê.

Hoàn cảnh khó khăn, vợ chồng bà Xuân được gia đình chồng cho phần diện tích góc ao đầm. Theo bà, vợ chồng tự bỏ tiền, công sức san lấp mặt bằng để xây dựng nhà cửa, vườn tược với tổng diện tích khoảng 400m2. Gia đình bà ở cạnh nhà bố mẹ chồng, các bên chung sống hòa thuận không xảy ra tranh chấp gì.

Nhưng từ đầu năm 2014, bố chồng bà là cụ Nguyễn Đức Lộc (SN 1935) xây dựng nhà thờ họ, muốn lấy lại một phần đất đã cho con trai nhưng vợ chồng bà Xuân không đồng ý. Cụ Lộc viết đơn khiếu nại gửi ra xã, lên huyện nhưng vẫn không đòi được đất. Các cấp chính quyền cũng hòa giải bất thành. Từ đó mâu thuẫn giữa bố chồng với con dâu âm ỉ kéo dài.

Theo lời bà Xuân, trong lúc tranh chấp đất đai đang chờ cơ quan chức năng giải quyết thì vào ngày 14/9/2014, bố chồng kéo theo con cháu đến tháo dỡ mái công trình của nhà bà, đập phá cổng. Khi con trai bà về ngăn cản còn bị nhóm người do cụ Lộc dẫn tới khống chế trói trên mái nhà, sau đó ném xuống đất gây thương tích. Đến khi công an tới làm việc, những người nhà chồng mới thả con trai bà Xuân ra.

Về việc này, mẹ con bà Xuân có làm đơn gửi các cơ quan chức năng xem xét, xử lý những người liên quan về hành vi phá hoại tài sản nhưng công an huyện trả lời thiệt hại cũng như động cơ chưa tới mức truy cứu trách nhiệm hình sự, thiếu căn cứ.

Sáng 29/6/2015, bà Xuân như thường lệ đi chợ buôn cá trở về nhìn thấy trụ cổng tiếp tục bị đập phá, cổng sắt hư hỏng. Bà nhìn sang thấy bố chồng ngồi gần đó đã đoán biết chuyện gì xảy ra, bà hỏi “nhà còn cái cổng phòng trộm cắp, cớ sao ông lại đập” thì xảy ra cãi nhau với cụ Lộc. Sau này tại CQĐT, cụ Lộc thừa nhận hành vi đập phá cổng nhà con dâu.

Tiếp tục diễn biến, khi nghe tiếng chửi mắng ở nhà chị dâu, bà Nguyễn Thị Huyền (SN 1971, con gái ông Lộc) chạy ra bênh bố, cãi nhau với bà Xuân. 

Theo lời bà Xuân, em chồng sau một hồi thách thức liền mở cổng chạy sang nhà bà đòi đánh nhau. Người em nhặt viên gach dọa đánh chị dâu nhưng bà này giằng lấy được rồi vứt đi. Sau đó chị chồng, em dâu lao vào túm tóc giằng đánh nhau.

Lúc này cụ Lộc và con trai bà Huyền vào can ngăn nhưng không được. Cả hai lùi vào phía trong thì bà Xuân ngã xuống. Bà Xuân trình bày đứa cháu trai chạy ra bênh mẹ vào hùa vào đánh hội đồng bà. Một lúc sau bố chồng bà chạy sang không nói không rằng cũng cầm gậy vụt con dâu. Tại hiện trường có cả vợ ông Lộc cũng bị chồng đánh trúng tay.

Kết luận điều tra nói rằng do bà Huyền bị bà Xuân túm tóc, ấn đầu ngã xuống đất nên lấy túm vào cạp quần chị dâu làm rách. Tuy nhiên bà Xuân khẳng định bị bố chồng, em chồng và cháu đánh hội đồng ghì xuống đất nên đã quờ quạng chụp được thanh củi dài khoảng 10cm chống đỡ.

Trong lúc quơ thanh củi vô tình đánh trúng đầu em dâu mới vùng thoát ra được. Sau đó bà và em chồng tiếp tục chửi nhau rồi ai về nhà nấy. Bà Xuân đã đến công an xã trình báo.

Sau sự việc, bà Xuân cũng bị thương nhưng không đi giám định thương tật vì nghĩ đều là người nhà, mọi chuyện dừng lại ở đó. Còn cụ Lộc và con gái đã đi giám định tổn thương sức khỏe, bà Huyền được xác định tỉ lệ thương tích 3%. Cụ Lộc cũng tố bị con dâu đánh thương tích ở bàn chân nhưng giám định không thấy thương tích.

Ngày 9/7/2015, cụ Lộc và bà Huyền đến công an huyện Gia Lâm trình báo và cùng đề nghị khởi tố đối với Đỗ Thị Xuân về hành vi Cố ý gây thương tích cho hai bố con. Sau đó CQĐT vào cuộc làm rõ sự việc.

Về phía bà Xuân lúc này cũng làm đơn “phản tố” em dâu đánh đập, làm nhục mình, còn bố chồng và cháu tham gia hủy hoại tài sản của gia đình bà. 

Sau đó CQĐT có văn bản trả lời bà Xuân không đủ căn cứ để xem xét vi phạm hình sự đối với những nội dung bà tố cáo. Đến ngày 6/11/2015 CQĐT tống đạt quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với Đỗ Thị Xuân về tội “cố ý gây thương tích”.

Phần công trình tranh chấp giữa gia đình bà Xuân với nhà chồng.
Phần công trình tranh chấp giữa gia đình bà Xuân với nhà chồng.

Bị cáo kêu oan

Tháng 1/2017, Tòa án huyện Gia Lâm mở phiên tòa xét xử vụ án. HĐXX nhận định vụ việc xảy có một phần lỗi của bị hại, phía bị cáo được hưởng nhiều tình tiết giảm nhẹ như sau khi gây án đã đến công an trình báo, nhân thân tốt nên tuyên phạt bị cáo Xuân 6 tháng tù cho hưởng án treo, thời gian thử thách 12 tháng. 

Trước đó tòa án đã một lần trả hồ sơ điều tra bổ sung vì những mâu thuẫn trong lời khai của bị hại, nhân chứng.

Về trách nhiện dân sự, HĐXX bác yêu cầu đòi bồi thường 1,4 triệu đồng của bố chồng bị cáo vì không có căn cứ kết luận bị cáo gây thương tích cho ông này. Đối với bị hại Huyền, tòa chỉ chấp nhận số tiền đề nghị bồi thường 5,2 triệu đồng trong tổng số tiền 30 triệu đồng người này đòi bồi thường.

Về phía bị cáo Xuân, từ khi có kết luận điều tra cho tới khi diễn ra phiên tòa đều không thừa nhận hành vi “cố ý gây thương tích”. Bị cáo biện hộ rằng bản thân chỉ phòng vệ khi bị bố, em chồng và cháu đánh hội đồng.

Thanh củi là vô tình bà chụp được trong lúc giằng co và vô tình đánh trúng đầu bị hại Huyền chứ không cố ý: “Nếu cố ý thì lúc giằng được viên gạch của em chồng tôi đã dùng nó để gây thương tích chứ đợi gì đến lúc bị đánh. Thử hỏi bị vây đánh như thế tôi không kháng cự thì cứ chịu đòn à?”, bị cáo bức xúc.

Nữ bị cáo cho rằng bố và em chồng đã cố tình vu khống, “dàn bẫy” để đưa chị vào tù. Chẳng hạn như việc người bố chồng khai bị con dâu dùng gạch đập vào chân gây thương tích. Nhưng thực tế giám định không có thương tích. Mặt khác mẹ chồng bị cáo có mặt tại hiện trường cũng khẳng định bà chứng kiến toàn bộ sự việc và không có chuyện bị cáo dùng gạch đập vào chân chồng mình.

Hay như lời khai của bố con bị hại đều nói bà Xuân cầm dao trong lúc gây án. Về chi tiết này CQĐT đã kết luận, HĐXX cũng đưa ra nhận định cuối cùng là hai con dao trên xe của bà Xuân lúc xảy ra vụ án không liên quan đến vụ án nên giao trả lại cho bà (bà Xuân làm nghề buôn bán cá ở chợ nên có dao trong dụng cụ buôn bán-PV).

Ngoài ra bà Xuân cho rằng CQĐT đã không khách quan khi xử lý vụ án. Bởi trước đó bà có đơn đề nghị xem xét, xử lý hành vi làm nhục của em dâu (xé rách quần) nhưng không được xem xét. Tương tự, hành vi hủy hoại tài sản của bố chồng và những người liên quan, bà Xuân cũng có đơn tố cáo cũng không được trả lời thỏa đáng:

“Người ta đến nhà tôi phá hoại nhiều lần, chửi bởi rồi đánh đập tôi. Vậy mà tôi chống cự thì bị xử tội, còn những người khác đều không bị xử lý là quá bất công. Tôi sẽ tiếp tục kháng án lên tòa cấp trên để tìm công lý”, bà Xuân bức xúc.

Đọc thêm