Cuộc “đấu tranh” vì văn hóa đô thị

(PLO) - Vừa qua ông Đoàn Ngọc Hải - Phó Chủ tịch UBND quận 1 (TP HCM) dẫn đầu đoàn công tác xử lý vi phạm trật tự đô thị tại địa bàn 2 phường Phạm Ngũ Lão và Nguyễn Cư Trinh. Vị Phó Chủ tịch quận 1 cùng đoàn đã rảo quanh nhiều tuyến phố để thực hiện việc kiểm tra, xử lý các vi phạm liên quan đến trật tự lòng, lề đường. Ông đã chỉ đạo các lực lượng giành lại vỉa hè cho người đi bộ với một quyết tâm và hành động kiên quyết.
Cuộc “đấu tranh” vì văn hóa đô thị

Một số năm qua, năm nào TP HCM cũng phát đi thông báo sẽ tập trung các giải pháp để đảm bảo trật tự lòng lề đường vào dịp Tết. Tuy nhiên, việc này chỉ duy trì trong thời gian ngắn, sau đó “lại trở lại như trước Tết”. Năm nay, nhờ quyết tâm cao nên đã có những chuyển biến rõ rệt, các quận, huyện vào cuộc quyết liệt, tạo ra hiệu ứng xã hội, được người dân ủng hộ. Theo thông tin từ UBND TP HCM, tới đây TP sẽ triển khai các giải pháp đồng bộ để mang lại hiệu quả cao hơn. 

Bản thân ông Hải cho biết, nếu không làm được việc, ông sẽ “cởi áo về vườn”. Không có chuyện làm theo kiểu “bắt cóc, bỏ đĩa để nổi tiếng”. Nhiều ý kiến hoan nghênh UBND quận 1 và vị Phó Chủ tịch Đoàn Ngọc Hải. Đánh giá về việc làm của UBND quận 1 trong những ngày qua trước “cơn bão” nhiều chiều, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Phong nhấn mạnh: “Phải chỉ đạo như vậy mới được”. “Phải làm thiệt như thế mới được! Giờ này mà còn ngồi bàn để chỉ đạo là không “ăn”. Tôi rất hoan nghênh quận 1”.

Việc làm của UBND quận 1 không chỉ tạo ra hiệu ứng tốt ở TP HCM mà còn lan tỏa khắp các đô thị trong cả nước. Nhiều người dân Hà Nội mong muốn Thủ đô cũng làm được như quận 1, TP HCM.

Điều 8 Luật Giao thông đường bộ quy định: “Sử dụng lòng đường, lề đường, hè phố trái phép”, Điều 32 quy định: “Người đi bộ phải đi trên hè phố…” Đáng tiếc, nhiều vỉa hè, nhất ở là Hà Nội và TP HCM đều bị các hộ kinh doanh mặt phố ngang nhiên “xí phần”, thậm chí bị “xẻ thịt” làm các điểm trông giữ xe máy, tập kết hàng hóa… Những năm gần đây ngay chính lòng đường ở Hà Nội còn bị “chia chác” làm điểm trông giữ xe ô tô. Người đi bộ chỉ còn một chọn lựa duy nhất là đi xuống lòng đường rất nguy hiểm về an toàn giao thông.

Tóm lại, chúng ta có Luật nhưng thực tế đang hoàn toàn khác. Đây cũng là một thực tế tạo ra việc “nhờn luật”, gây hệ lụy rất nguy hiểm cho công tác quản lý nhà nước, quản lý đô thị.

Cần có một cuộc “cách mạng vỉa hè”, giành lại vỉa hè cho người đi bộ. Đây là việc làm cần thiết vì an toàn tính mạng cho người dân tham gia giao thông, vì bộ mặt đô thị, suy cho cùng là cuộc “đấu tranh” vì văn hóa đô thị.

Đọc thêm