Dân mất sinh kế, phản đối dự án khu đô thị Vịnh An Hòa

(PLVN) - Những ngày vừa qua, tại đường 129 được thi công đi trên sông Trường Giang cách bờ gần 1km và dự án khu đô thị sinh thái cao cấp Vịnh An Hòa (thuộc huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam) luôn có hàng chục hộ dân xã Tam Hiệp và thị trấn Núi Thành tập trung mang băng rôn phản đối thi công công trình lấp sông.
Dự án khu đô thị Vịnh An Hòa bị cho là lấy mất sinh kế nhiều ngư dân
Dự án khu đô thị Vịnh An Hòa bị cho là lấy mất sinh kế nhiều ngư dân

Theo quy hoạch, đường 129 sẽ lấp mặt nước giữa sông Bến Ván (nhánh của sông Trường Giang) theo chiều dọc. Từ đó tạo một vùng nước chết ở bờ sông phía tây. Vùng nước chết này có một phần diện tích sẽ được san lấp để thi công dự án khu đô thị (KĐT) Vịnh An Hòa. 

Ban đầu, dự án đường 129 do Ban Quản lý Khu kinh tế (BQL KKT) mở Chu Lai làm chủ đầu tư, sau đó chuyển cho BQL dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông tỉnh Quảng Nam.

Cùng với đường 129, dự án khu đô thị sinh thái cao cấp Vịnh An Hòa do Cty CP Đầu tư Chu Lai Hội An (công ty con của Tập đoàn FVG) làm chủ đầu tư, gồm hai KĐT Vịnh An Hòa 1 và 2 tọa lạc tại xã Tam Hiệp và thị trấn Núi Thành, phía đông bắc giáp đường 129 (đang thi công) chạy dọc giữa sông Bến Ván, tổng diện tích 99,6ha. 

Trước đó, ngày 24/3/2017, ông Huỳnh Khánh Toàn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam ký quyết định cho chủ trương đầu tư với dự án Vịnh An Hòa 2. Quyết định được ký sau khi chủ đầu tư dự án có tờ trình nửa tháng. Ngày 7/4/2017, Công ty này tiếp tục có tờ trình đề nghị chấp thuận chủ trương đầu tư với dự án Vịnh An Hòa 1. Đến ngày 26/5/2017, UBND tỉnh có quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư xây dựng.

Cũng trong năm 2017, BQL KKT mở Chu Lai đề xuất điều chỉnh hướng tuyến đường 129 để tuyến đường 129 đoạn qua KĐT Vịnh An Hòa được thi công song song với quy hoạch cũ về hướng đông. Việc thi công này ngăn sông Bến Ván thành hai phần theo trục dọc, tạo thành vùng nước chết phía tây đường 129 và lấy một phần làm KĐT Vịnh An Hòa như nêu trên.

Ông Trần Thanh Tuấn, Trưởng phòng Quản lý Quy hoạch và Xây dựng (BQL KKT mở Chu Lai) lý giải, việc đề xuất điều chỉnh trên để phù hợp quy hoạch tuyến đường sắt đô thị sân bay Chu Lai - Hội An kết nối Đà Nẵng. Ông Tuấn cho rằng tuyến đường sắt đô thị sẽ chạy song song tuyến đường 129 bây giờ về phía đông. Nếu không điều chỉnh hướng tuyến, khu vực đoạn qua KĐT Vịnh An Hòa sẽ tạo một đường cong không đảm bảo thiết kế tàu chạy. 

Hoạch định là vậy, nhưng khi dự án tiến hành, những bất cập bắt đầu lộ diện và liên tục gặp phản đối của người địa phương.

Ông Trần Quốc (51 tuổi, ngụ thị trấn Núi Thành, nhà nằm gần sông Trường Giang) cầm trên tay băng rôn “hãy vì cuộc sống của người dân, công trình không nên san lấp”, cho biết, nơi đây có bãi cạn rộng hơn 100ha nhiều cá, cua, ốc... đã nuôi sống người dân bao thế hệ. Từ năm 2018, đường 129 được thi công trên sông Trường Giang, cùng dự án KĐT Vịnh An Hòa san lấp lòng sông, nhiều ha mặt sông đã bị lấp và phân lô bán sạch.

Ông Huỳnh Ngọc Phúc (khối 2, thị trấn Núi Thành) cho biết thêm, bao đời nay dân sinh sống bằng nghề sông nước, dự án lấp sông ảnh hưởng đến môi trường sinh kế của dân. “Chúng tôi làm đơn lên thị trấn Núi Thành hơn 4 lần mới họp dân, sau đó tổ chức đối thoại. Ngư dân không đồng ý bởi phải đem thuyền ghe nơi khác neo đậu, rất lo ngại mưa bão, sóng gió và việc bảo quản. Nếu việc san lấp hoàn tất, ngư dân sẽ không còn chỗ để trú tránh bão. Việc san lấp mặt sông khiến nơi sinh sống của các loại hải sản không còn nữa”, ông Phúc nói. 

Ông Trà Minh Thể, Bí thư Chi bộ thôn Vân Thạch (xã Tam Hiệp, huyện Núi Thành) chia sẻ, đường 129 là một công trình lớn của tỉnh nhưng khi đi vào thi công vẫn còn nhiều vướng mắc. Hiện Tam Hiệp có 14 hộ dân và thị trấn Núi Thành có 36 hộ sinh sống trên sông nước, đi ghe thuyền nhỏ và đục hàu, nguy cơ mất sinh kế vì dự án. 

“Theo truyền thống xưa nay, ghe thuyền thường đậu sát phía trong như một cái âu, có thể tránh trú sóng lớn cũng như mưa bão. Ngoài ra còn đảm bảo việc bảo quản tài sản. Giờ mang ghe ra ngoài đường 129 không đảm bảo các yêu cầu trên. Dự án sẽ làm một bến tạm bằng cách đóng trụ bê tông cho ghe neo đậu dọc theo bờ sông, nhưng bà con sợ sóng đánh bể ghe. Người dân mong muốn chỉ cần có chỗ đậu ghe đảm bảo an toàn, để làm ăn, sinh sống, còn vài triệu hỗ trợ không cần. Địa phương mong các cấp lãnh đạo quan tâm đến người dân, làm sao giải quyết cho bà con ổn định cuộc sống lâu dài”, ông Thể nói. 

Trao đổi với PV, ông Nguyễn Văn Mau, Chủ tịch UBND huyện Núi Thành cho biết, muốn tìm hiểu dự án, phải gặp chủ đầu tư: “Huyện chưa có ý kiến gì về vấn đề người dân phản đối thi công cũng như những yêu cầu của họ, trước mắt huyện đang chỉ đạo công an nắm tình hình”.  

Đọc thêm