Dấu hiệu 'lừa đảo kép' trong một vụ nhận tiền bồi thường đất

(PLVN) - Dù đã bán đất cho bà Nguyễn Thị Tuyết (SN 1961) và bà Dương Thị Nhi (SN 1960, đều trú quận Hai Bà Trưng, Hà Nội), nhưng gần 10 năm sau, bà Đầu Thị Tâm (SN 1961, trú quận Hoàng Mai) vẫn nhận hơn 1,6 tỷ tiền bồi thường đền bù đất, tài sản và tiền hỗ trợ giải phóng mặt bằng khi Nhà nước thu hồi đất.
Khu tái định cư X2 Đại Kim đã được giải phóng mặt bằng nhưng vẫn chưa giải quyết xong tố cáo liên quan đến bồi thường, đền bù.
Khu tái định cư X2 Đại Kim đã được giải phóng mặt bằng nhưng vẫn chưa giải quyết xong tố cáo liên quan đến bồi thường, đền bù.

Sau khi đòi tiền nhưng không được trả lại, bà Tuyết, bà Nhi đã có đơn tố cáo, đề nghị khởi tố vụ án do cho rằng có dấu hiệu gian dối chiếm đoạt tài sản và đề nghị xem xét trách nhiệm liên đới một số cán bộ và Ngân hàng Thương mại CP An Bình (ABBank).

Cả chủ đất mới và Nhà nước cùng bị lừa

Năm 2003 và 2004, vợ chồng bà Tâm lần lượt chuyển nhượng 200m2 và 246m2 đất nông nghiệp cho bà Tuyết và bà Nhi. Vợ chồng bà Tâm đã ký giấy nhận tiền, giao đất cùng sổ đỏ (UBND huyện Thanh Trì cấp ngày 20/02/2001) cho bên mua. 

Thế nhưng năm 2012, khi Nhà nước thu hồi đất để thực hiện Dự án xây dựng hạ tầng khu di dân tái định cư X2 Đại Kim (Dự án X2), bà Tâm vẫn nhận thửa đất trên và tài sản trên đất là của mình để ký lấy hơn 1,6 tỷ đồng đền bù đất, bồi thường tài sản và hỗ trợ ổn định đời sống.

Sau khi phát hiện sự việc, bà Tuyết, bà Nhi đồng loạt có đơn gửi UBND quận Hoàng Mai đề nghị giải quyết chi trả tiền bồi thường cho người sử dụng đất và chủ tài sản theo đúng quy định.

Ban Quản lý (BQL) dự án thoát nước Hà Nội thuộc Sở Xây dựng đã làm việc với bà Tâm để truy thu toàn bộ số tiền đã chi trả. Tuy nhiên, bà Tâm không đồng ý trả tiền mà chỉ chấp nhận giao sổ tiết kiệm của ABBank cho BQL.

Trong khi cơ quan chức năng vẫn đang giải quyết vụ việc thì bà Tâm đã đến ABBank khai báo “mất sổ tiết kiệm” để làm thủ tục rút toàn bộ số tiền hơn 1,6 tỷ tại đây.

Cho rằng hành vi của bà Tâm là cố tình gian dối để nhận tiền không phải của mình, bà Tuyết, bà Nhi đã có đơn tố cáo, đề nghị Công an quận Hoàng Mai khởi tố, truy cứu trách nhiệm của bà Tâm có dấu hiệu lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Sau khi xác minh, Công an Hoàng Mai cho rằng vụ việc là tranh chấp dân sự nên ra quyết định không khởi tố vụ án hình sự. Không đồng ý quan điểm này, từ năm 2017 đến nay, bà Tuyết, bà Nhi liên tục có đơn khiếu nại quyết định, đề nghị hủy bỏ quyết định không khởi tố nêu trên.

Cán bộ làm công tác giải phóng mặt bằng và ABBank có vô can?    

Theo trình bày của bà Tuyết, bà Nhi, ngay từ tháng 8/2012 họ đã gửi đơn đề nghị địa phương thực hiện đúng quy định trong việc xác nhận chủ sử dụng đất và dừng trả tiền đền bù cho bà Tâm. Nhưng không hiểu sao, đến cuối năm 2012, bà Tâm vẫn được nhận đầy đủ hơn 1,6 tỷ đồng từ BQL. 

Tại buổi làm việc do UBND phường Đại Kim tổ chức vào năm 2016, đại diện BQL thừa nhận: “Khi chi trả tiền đền bù và khi bà Tâm gửi tiền vào ABBank, BQL đã biết được việc chi trả đang có tranh chấp. Khi bà Tâm gửi tiền vào ngân hàng có sự giám sát của BQL”.

Luật sư Nguyễn Quý Long (Giám đốc Công ty Luật Thiên Hồng Đức, Đoàn Luật sư Hà Nội) cho rằng, theo quy định tại khoản 4 Điều 37 Quyết định 10/2017/QĐ-UBND của UBND Hà Nội: “Khi có tranh chấp thì phải chuyển toàn bộ tiền bồi thường, hỗ trợ vào Kho bạc Nhà nước tạm giữ”. Như vậy, việc BQL chi trả tiền và cho phép bà Tâm gửi tiền tiết kiệm đứng tên cá nhân là không đúng quy định, tạo điều kiện cho bà Tâm hoàn thành hành vi chiếm đoạt tiền.

Theo Luật sư Long, trong vụ này phải kể đến việc làm sai quy định và thiếu trách nhiệm ngay từ đầu của Tổ công tác bồi thường giải phóng mặt bằng (GPMB) và BQL, khi xác minh sai chủ sử dụng đất, chủ sở hữu tài sản và trả tiền cho bà Tâm khi bà Tâm không hề giao nộp bản chính sổ đỏ.

Khi phát hiện bà Tâm khai báo “mất sổ tiết kiệm” để làm thủ tục rút tiền tại ABBank, UBND quận Hoàng Mai, BQL, UBND phường và Công an phường Đại Kim đã có nhiều văn bản đề nghị ABBank Chi nhánh Đại Kim “tạm ngừng giao dịch” với số tiền trên vì đang có tranh chấp (bà Tâm báo mất sổ tiết kiệm là không đúng thực tế). Tuy nhiên, ABBank đã không đồng ý mà vẫn làm thủ tục cho cho bà Tâm rút 1,6 tỷ vào tháng 5/2014.

Luật sư Long cho rằng việc ABBank cho bà Tâm rút tiền như trên là sai quy định. Vì vậy, ngoài xem xét hành vi bà Tâm và các cán bộ làm công tác  GPMB, cán bộ chi trả tiền thì Cơ quan điều tra cần làm rõ trách nhiệm của ABBank khi cố tình không phối hợp với cơ quan chức năng trong giải quyết vụ việc, gây thiệt hại cho Nhà nước và quyền lợi hợp pháp của công dân. 

Đọc thêm