Để người tố cáo không phải nặc danh

(PLO) - Dự thảo Luật Tố cáo (sửa đổi) đang được trình ra Quốc hội xem xét. Vấn đề đang được quan tâm là đối với những đơn tố cáo nặc danh thì có được thụ lý giải quyết hay không. Dự thảo là “không” nhưng cái không này không phải tuyệt đối mà vẫn còn cơ hội cho những đơn thư nặc danh có các bằng chứng kèm theo.
Ảnh minh họa nguồn Internet
Ảnh minh họa nguồn Internet

Tuy nhiên, cốt lõi của vấn đề là tố cáo được xác định là một quyền của công dân, sử dụng quyền đó một cách chính đáng để bảo vệ mình, bảo vệ xã hội trước những hành vi sai trái thì cần chính danh và cái chính danh đó được pháp luật bảo hộ, vì thế tố cáo nặc danh không được chấp nhận.

Trên thực tế, do người tố cáo thường bị trù dập, nhiều trường hợp “thân bại, danh liệt”, cho dù tố cáo đúng. Chính vì thế người ta buộc phải nặc danh (loại trừ các trường hợp “ ném đá giấu tay”, “thọc gậy bánh xe”) cho khỏi liên lụy đến bản thân, gia đình. Nếu có cơ chế bảo vệ tốt người tố cáo, kể cả các quy định pháp luật và thực thi pháp luật, dư luận xã hội ủng hộ thì sẽ không còn tình trạng phải nặc danh nữa. Ví dụ, xử lý nghiêm khắc hành vi trù dập người tố cáo cũng là một cách bảo vệ người tố cáo rất tốt, thế nhưng, hầu như việc xử lý này chưa bao giờ xảy ra, người bị tố cáo có khi còn lên chức, người tố cáo “đơn thương, độc mã”, chịu những bất công là phổ biến.

Mới nhất, một trường hợp ở Sóc Trăng tố cáo Giám đốc một sở sàm sỡ với vợ mình là nữ Trưởng phòng dưới quyền, bản thân người tố cáo cũng giữ chức vụ Phó Giám đốc một cơ quan trong tỉnh. Đơn tố cáo được các cơ quan chức năng xác minh, làm rõ, nhận định là “có đúng, có sai”, thống nhất xử lý kỷ luật ông Giám đốc bằng hình thức “kiểm điểm rút kinh nghiệm”. Còn người tố cáo thì đã phải xin thôi chức, ra đi, bà vợ ông ta, nạn nhân trong vụ sàm sỡ cũng phải xin chuyển công tác nhưng chưa được chấp nhận. Một dẫn chứng từ thực tế đủ khái quát nên bức tranh tố cáo hiện nay.

Khác với trước hành vi tội phạm, bắt buộc người biết phải tố giác, còn tố cáo thì không ai bắt cả chỉ đơn giản là việc tự nguyện thực hiện quyền và trách nhiệm công dân. Người tố cáo, ở nhiều trường hợp, cái việc họ tố cáo chẳng liên quan gì đến mình nhưng không chịu được những “trái tai, gai mắt” những sai trái rành rành được bao che, bỏ qua. Chẳng hạn như hai lão nông ở Bắc Ninh tố cáo hành vi làm hồ sơ thương binh giả của cán bộ chính sách rồi cũng chính họ thu thập chứng cứ, phát hiện gần 3.000 trường hợp “thương binh giả”.

Ngoài việc mất thời gian, sức lực, bị dọa, đánh đập ra, họ chẳng được hưởng một “ân huệ” nào từ Nhà nước, kể cả chỉ là một lời động viên. Việc làm của họ đã giúp Nhà nước không bị thiệt hại hàng tỷ đồng và góp công rất lớn vào công bằng xã hội, đạo lý làm người.

Khi xây dựng Luật Tố cáo nên biết đến các trường hợp tương tự như thế này!

Đọc thêm