Điều gì khiến thầy cô băn khoăn về chương trình giáo dục phổ thông tổng thể?

(PLO) - Theo các chuyên gia giáo dục, dự thảo chương trình giáo dục phổ thông mới vừa được Bộ GD-ĐT công bố là mô hình hay, đột phá khi cho phép học sinh được tự chọn và phân hóa hướng nghiệp sớm. Tuy nhiên, vấn đề lâu nay ở bậc phổ thông đó là chương trình quá nặng và ôm đồm, thì ở dự thảo lần này, dù chưa có môn học cụ thể, nhưng hầu hết “người trong cuộc” đều thấy ôm đồm… 
Chương trình mới có giảm tải?. Ảnh minh họa
Chương trình mới có giảm tải?. Ảnh minh họa

Có giảm tải hay không?

GS Nguyễn Minh Thuyết - Tổng Chủ biên Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể cho biết, dự thảo chương trình mới chủ trương thực hiện giáo dục toàn diện, tích hợp ở các cấp tiểu học và THCS, thực hiện giáo dục phân hóa và tự chọn ở cấp THPT. Ở cấp THPT, dự thảo chương trình mới xác định lớp 10 là lớp dự hướng nghề nghiệp với các môn học phân hóa (môn Khoa học tự nhiên ở THCS tách thành các môn Vật lý, Hóa học, Sinh học; môn Lịch sử và Địa lý ở THCS tách thành các môn Lịch sử, Địa lý,…).

Nội dung các môn học này giúp học sinh có cái nhìn tổng quát về lĩnh vực khoa học tương ứng với mỗi môn học, vai trò và ứng dụng của mỗi ngành khoa học trong đời sống thực tế, những ngành nghề có liên quan nhằm củng cố vững chắc học vấn phổ thông cốt lõi, hoàn thiện thêm một bước các phẩm chất, năng lực đã được định hình trong giai đoạn giáo dục cơ bản, tạo điều kiện để học sinh nhận thức rõ hơn năng lực, sở trường của bản thân, từ đó giúp học sinh lựa chọn các môn học ở lớp 11 và lớp 12 một cách phù hợp.

Ở các lớp 11, 12, ngoài một số môn học và hoạt động giáo dục bắt buộc (Ngữ văn, Toán, Ngoại ngữ 1, Giáo dục thể chất, Giáo dục quốc phòng và an ninh, Hoạt động trải nghiệm sáng tạo), học sinh chỉ cần chọn 3/12 môn còn lại phù hợp với định hướng nghề nghiệp.

Tuy nhiên, GS.TS Nguyễn Thiện Tống, nguyên giảng viên Trường ĐH Bách khoa TP HCM cho rằng, dự thảo chương trình giáo dục phổ thông tổng thể Bộ GD-ĐT vừa công bố quá nặng nề, không thể giảm tải. Vấn đề nhức nhối nhất hiện nay của giáo dục đúng là quá tải. Vì quá tải mới khiến tình trạng dạy thêm, học thêm tràn lan. Việc bố trí thời lượng các môn học, phương pháp học ở từng cấp học cũng bất hợp lý. Việc giảm tải cho học sinh không nằm ở chỗ giảm số lượng môn học hay giảm thời lượng học mà ở chỗ giảm việc nhồi nhét kiến thức phải học thuộc và giảm bài tập trùng lắp không cần thiết về nội dung và phương pháp. Bộ GD-ĐT nên công bố đề cương chi tiết các môn học mới biết chương trình mới có giảm tải thực sự hay không?, GS bày tỏ.

Không dễ thực hiện

Cụ thể hơn, TS. Phan Thị Luyến - Hiệu trưởng Trường THPT Thực nghiệm nhận xét,  dự thảo Chương trình (CT) giáo dục phổ thông tổng thể vừa được Bộ GD-ĐT công bố có nhiều điểm mới nhưng với các trường rất khó thực hiện. Đó là, nhìn vào bảng kế hoạch giảng dạy, kế hoạch giáo dục các cấp thì chương trình này, lớp 8, 9, 10 là 30 tiết, tức 5 tiết/ngày. Ở các trường có giờ chào cờ, giờ sinh hoạt lớp thì sẽ nằm ở đâu? 

Mặc dù theo bà Luyến, điểm cộng của CT đó là định hướng nghề nghiệp thể hiện khá rõ trên văn bản. Nhưng trong CT, lớp 10 là 15 môn, nhiều hơn hiện nay. Lớp 11, 12 có 6 môn bắt buộc, rồi 3 môn tự chọn, chuyên đề tự chọn. Khi nhìn vào chúng tôi thấy Mỹ thuật 3 tiết/tuần, âm nhạc 3 tiết/tuần. Từ trước tới nay ở CT THPT không hề có hai môn này. Vì thế về giáo viên các trường hoàn toàn từ số 0. 

Và TS. Phan Thị Luyến cũng băn khoăn về môn học tự chọn và bắt buộc, các trường sẽ thực hiện điều này như thế nào.Ví dụ môn âm nhạc có 2 học sinh, mỹ thuật có 3 học sinh, vậy các nhà 

trường khi đó có đáp ứng được điều kiện của học sinh không? Hay sẽ là trường nào có điều kiện như thế nào học sinh sẽ phải chọn như thế? Hay học sinh chỉ có thể chọn theo hai thiên hướng: hoặc khoa học xã hội, hoặc khoa học tự nhiên như trước đây? Không những thế, với mỗi năm học, học sinh đăng ký tỷ lệ khác nhau thì đội ngũ giáo viên các trường sẽ xử lý ra sao? Năm nay học sinh chọn môn Sử nhiều chẳng hạn, chúng tôi phải tuyển thêm giáo viên. Nhưng năm sau, các em không chọn Sử mà chọn Vật lý đội ngũ giáo viên thừa sẽ làm thế nào? Chưa kể môn âm nhạc, mỹ thuật theo yêu cầu 3 tiết/tuần, đến giờ, chưa có giáo viên nào cả. Nếu cấp tập tuyển một lứa nào đó không có kỹ năng sư phạm vào trường cũng rất khó” - bà Luyến bày tỏ…

Cùng quan điểm này, ông Đào Tuấn Đạt, người phụ trách chuyên môn Trường THPT Anhxtanh, Hà Nội cũng nhận định, điểm nổi trội nhất của chương trình là cho phép học sinh lựa chọn một số môn học. Ngoài ra, việc công nhận tốt nghiệp THPT sẽ giao cho cơ sở giáo dục. Tuy nhiên, về bản chất, ông thấy không thay đổi. Các khái niệm về môn học như tự chọn, bắt buộc, tự chọn bắt buộc, bắt buộc có phân hóa… rất rắc rối và khó hiểu.

Đọc thêm