'Doanh nghiệp kêu cứu vì bị ngâm hồ sơ ĐTM': Quy định pháp luật bị cơ quan cấp phép diễn giải sai?

(PLVN) - Hồ sơ Đánh giá tác động môi trường (ĐTM) của Dự án Nhà máy sản xuất vải áo sơ mi cao cấp Việt Nam từng được Tổng cục Môi trường (TCMT) thông qua tại Vĩnh Phúc, nhưng lại bị từ chối ở Thái Nguyên phải chăng do mối quan hệ giữa Tổng cục này và Ban Quản lý các Khu Công nghiệp (BQLCKCN) tỉnh Thái Nguyên “cơm không lành, canh chẳng ngọt” từ lần xử phạt “hụt” trước đó?
Quyết định xử phạt sai đối với Ban Quản lý các Khu Công nghiệp tỉnh Thái Nguyên khiến hai bên “bằng mặt mà không bằng lòng”?
Quyết định xử phạt sai đối với Ban Quản lý các Khu Công nghiệp tỉnh Thái Nguyên khiến hai bên “bằng mặt mà không bằng lòng”?

Luật bị diễn giải “méo mó”?

Ngoài việc nhận định dự án không phù hợp với Quy hoạch ngành dệt may, một lý do quan trọng khác mà TCMT đưa ra để từ chối thông qua báo cáo ĐTM cho dự án Nhà máy sản xuất vải sợi sơ mi cao cấp Việt Nam là cơ quan này dựa vào Quyết định (QĐ) số 2559 ngày 16/8/2018 của Bộ trưởng Bộ TN&MT phê duyệt báo cáo ĐTM dự án KCN Sông Công II, rồi cho rằng các ngành nghề ưu tiên thu hút đầu tư vào KCN Sông Công II chỉ có ngành dệt may, không có công đoạn nhuộm. Từ đó cơ quan này cho rằng do dự án Nhà máy nêu trên có yếu tố nhuộm nên không phù hợp ngành nghề để Bộ TN&MT duyệt báo cáo ĐTM để triển khai. 

Tuy nhiên, cách giải thích mà TCMT đưa ra bị doanh nghiệp cho là “có vấn đề” khi các quy định của pháp luật đang được cơ quan này diễn giải theo cách của mình và theo chiều hướng “méo mó”. Theo báo cáo ĐTM của Dự án xây dựng hạ tầng KCN Sông Công II đã được Bộ trưởng TN&MT phê duyệt bằng QĐ số 2559 nói trên, trong các ngành nghề ưu tiên thu hút đầu tư vào KCN này báo cáo ghi rất cụ thể:  “Ngành dệt may: Sản xuất sợi, vải dệt thoi và hoàn thiện sản phẩm dệt; sản xuất hàng dệt khác, sản xuất trang phục”. 

Đối chiếu với QĐ số 27 ban hành hệ thống ngành kinh tế Việt Nam ngày 6/7/2018 của Thủ tướng Chính phủ, thì “hoàn thiện sản phẩm dệt được quy định mã ngành 1313-13130. Theo đó, nhóm hoàn thiện sản phẩm dệt gồm có “Tẩy hoặc nhuộm vải dệt, sợi, sản phẩm dệt bao gồm cả quần áo”. 

Còn về vấn đề quy hoạch, theo QĐ số 7157 ngày 26/11/2012 phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển công nghiệp Vùng Trung du miền núi Bắc Bộ đến năm 2020, tầm nhìn năm 2030, tại mục 4.7.1, Bộ Công Thương quy định: Kêu gọi đầu tư dự án sản xuất sợi, dệt, nhuộm hoàn tất và trung tâm thiết kế, phát triển mẫu mốt tại Thái Nguyên. 

Từ các quy định trên cho thấy, chủ đầu tư Dự án Nhà máy sản xuất vải áo sơ mi cao cấp Việt Nam cho rằng lý do TCMT đưa ra để từ chối thông qua báo cáo ĐTM đối với dự án của Cty TNHH Interweave Holdings là không bám vào các quy định của pháp luật, hoặc quy định của pháp luật có dấu hiệu bị cơ quan này diễn giải sai. “Vì vậy, KCN Sông Công II hoàn toàn có đủ điều kiện để thu hút dự án Nhà máy sản xuất sợi sơ mi cao cấp Việt Nam vào hoạt động”, một luật gia cho biết.     

Trao đổi với phóng viên Báo PLVN, đại diện BQLCKCN tỉnh Thái Nguyên cho biết: Không riêng gì sông Công mà bất kỳ con sông nào cũng có nhà máy cấp nước hoạt động đấu nối vào. Do đó, việc đáp ứng yêu cầu theo quy chuẩn để xả thải ra môi trường là vấn đề then chốt. Ở dự án này, doanh nghiệp đã cam kết đầu tư hệ thống xử lý nước thải đáp ứng quy chuẩn cột A theo quy định của pháp luật, của Bộ TN&MT. Mà nước thải quy chuẩn cột A, các thông số đã đạt chuẩn và có thể dùng cho mục đích cấp nước sinh hoạt. 

Theo vị lãnh đạo này, các cơ quan quản lý nhà nước không nên đưa ra các nhận định chủ quan, áp đặt ý chí thiếu cơ sở của mình lên hoạt động đầu tư của các doanh nghiệp. “Việc TCMT phỏng đoán chủ quan để nói dự án gây ô nhiễm môi trường là trái quy định pháp luật và không có cơ sở khoa học, làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường đầu tư và khiến cho nhà đầu tư hoang mang khi đầu tư vào Việt Nam”, vị này nói.    

Liệu có liên quan tới “lùm xùm” xử phạt “hụt”?

Tiếp tục tìm hiểu sâu được biết, mối quan hệ giữa TCMT và BQLCKCN tỉnh Thái Nguyên trở nên “xấu” đi từ cuối năm 2017, khi TCMT thanh tra chấp hành pháp luật về môi trường trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên, trong đó có KCN Điềm Thụy thuộc BQLCKCN tỉnh Thái Nguyên. 

Sự việc được đẩy lên khá căng thẳng khi ngày 18/12/2017, Tổng cục trưởng TCMT Nguyễn Văn Tài ký QĐ số 256 xử phạt vi phạm hành chính đối với BQLCKCN tỉnh Thái Nguyên, vì cho rằng: BQLCKCN tỉnh Thái Nguyên đã vi phạm hành chính khi xả nước thải vượt quy chuẩn kỹ thuật về chất thải từ 5 lần trở lên, thông số Ni tơ vượt 1,6 lần quy chuẩn về chất thải tương ứng nên bị xử phạt với tổng mức tiền phạt 732 triệu đồng.

Trong đơn khiếu nại gửi Tổng cục trưởng TCMT sau đó, BQLCKCN tỉnh Thái Nguyên bức xúc nói rằng, trong quá trình thanh tra, mặc dù Ban đã phối hợp và tạo mọi điều kiện thuận lợi để Đoàn thanh tra tiến hành thanh tra theo đúng kế hoạch, nhưng TCMT vẫn QĐ xử phạt vi phạm hành chính đối với Ban một cách trái quy định của pháp luật hiện hành.

Theo đơn khiếu nại, BQLCKCN tỉnh Thái Nguyên là cơ quan nhà nước có chức năng quản lý nhà nước trực tiếp đối với các KCN trên địa bàn, trong đó có chức năng quản lý nhà nước về môi trường, không phải là đối tượng bị xử phạt hành chính nhưng vẫn bị TCMT cố tình đưa ra QĐ xử phạt. 

Ngoài ra, khi thanh tra công tác bảo vệ môi trường đối với Ban tại KCN Điềm Thụy ngày 28/9/2017, BQLCKCN tỉnh Thái Nguyên đã phối hợp tốt với Đoàn thanh tra để lấy mẫu nước xả thải sau xử lý của Trạm xử lý nước thải KCN để phân tích. Kết quả các chỉ tiêu phân tích mẫu ban đầu, Đoàn thanh tra đã khẳng định không có thông số nào vượt quy chuẩn cho phép. Nhưng đến ngày 6/1/2017, Đoàn thanh tra lấy mẫu đột xuất để phân tích (không gửi thông báo trước cho Ban và quá trình lấy mẫu không có sự chứng kiến của Ban theo quy định của pháp luật) và thông báo có một số chỉ tiêu vượt quy chuẩn cho phép so với cột A-QCVN 40: 2011/BTMMT rồi quy chụp trách nhiệm cho Ban để ra QĐ xử phạt.

Cho rằng QĐ xử phạt hành chính xác định không đúng đối tượng xử phạt vi phạm hành chính, xác định sai về hành vi vi phạm hành chính trong quá trình lấy mẫu nước thải; tạo dư luận xấu trong quần chúng nhân dân, gây bức xúc cho cán bộ công chức, ảnh hưởng đến uy tín, danh dự của cơ quan nhà nước, ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường đầu tư của tỉnh, BQLCKCN tỉnh Thái Nguyên đã phản đối lên TCMT yêu cầu hủy bỏ QĐ xử phạt vi phạm hành chính trái pháp luật này. Sau nhiều lần khiếu nại, đến ngày 4/6/2018, TCMT ban hành QĐ số 02 hủy bỏ QĐ số 256 xử phạt vi phạm hành chính đối với BQLCKCN tỉnh Thái Nguyên.

Theo nhiều ý kiến, phải chăng do thái độ quyết liệt của BQLCKCN tỉnh Thái Nguyên ở sự việc xử phạt nêu trên đã khiến TCMT “mất mặt” và việc từ chối thông qua ĐTM dự án Nhà máy sản xuất sợi sơ mi cao cấp Việt Nam liệu có liên quan đến câu chuyện này?

Đọc thêm