Doanh nhân xách cả va li sổ đỏ ra Hà Nội minh oan trước những thông tin thất thiệt

(PLVN) - Trước thông tin việc chậm giao giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho khách hàng ở các dự án là do đã “thế chấp” để vay tiền, bà Đặng Thị Kim Oanh đã mang cả một va li sổ đỏ và sự uất ức cùng cực ra Hà Nội để “kêu oan” vào đúng ngày Quốc tế lao động, khi mà cả nước đang nghỉ ngơi.
Bà Đặng Thị Kim Oanh và các giấy tờ chứng minh dự án của doanh nghiệp không bị thế chấp như tin đồn
Bà Đặng Thị Kim Oanh và các giấy tờ chứng minh dự án của doanh nghiệp không bị thế chấp như tin đồn

Lặn lội gần 2.000km ra Hà Nội để “kêu oan” vào đúng ngày mà lẽ ra bà đã được nghỉ ngơi cùng gia đình, bà Đặng Thị Kim Oanh mở chiếc vali chất đầy sổ đỏ vừa nói vừa trào nước mắt nghẹn ngào cho biết, đây là sổ đỏ các khối nhà của dự án Cầu Đò và Mỹ Phước 4 khu B (thị xã Bến Cát, tỉnh Bình Dương) do Công ty cổ phần Đầu tư phát triển Thuận Lợi của gia đình bà làm chủ đầu tư.

Số tài liệu này đủ để chứng minh sự thật là dự án khu dân cư Cầu Đò không phải đã bị “thế chấp cho ngân hàng để vay tiền” như rất nhiều trang tin đã thông tin cho rằng Công ty Thuận Lợi chậm giao sổ đỏ cho khách là do đem thế chấp ngân hàng 1.700 lô đất của dự án này để vay vốn.

Doanh nghiệp vốn đã lao đao về thông tin sai sự thật của nhiều trang báo mạng trong thời gian qua nay một lần nữa phải bật khóc vì bị vu khống.

Theo bà Oanh, dự án Cầu Đò được phê duyệt 1/500 từ năm 2017, hiện hạ tầng đã hoàn thành. Tuy nhiên, vì lý do khách quan là việc trong dự án có tuyến đường hiện tại phải đi qua chợ. Với mong muốn địa phương thông thoáng giao thông, Công ty của bà làm việc với địa phương thống nhất tuyến đường đi qua khu dự án. Công ty cũng hiến đất làm đường và bỏ toàn bộ chi phí mà không tính vào chi phí khấu trừ, còn đầu tư thêm bờ kè mặt sông sát dự án.

Tất cả quy hoạch đã được phê duyệt thì địa phương sau đó lại thay đổi tuyến đấu nối vào vòng xoay An Điền, để đấu nối qua ngã ba Lò Bò. Ngoài ra dự án kè bị lấn chồng ranh giới sử dụng đất nên Công ty lại phải xin điều chỉnh lại từ đầu dẫn đến việc kéo dài hơn 2 năm. Đến nay chính quyền địa phương nay đã đồng ý và đang đẩy nhanh thực hiện.

Theo bà Đặng Thị Kim Oanh, dự án khu dân cư Cầu Đò đã được các cơ quan chức năng cho phép triển khai sau thay đổi quy hoạch, hiện đang hoàn thiện thủ tục pháp lý, còn toàn bộ hạ tầng đã xong nên chắc chắn sớm hoàn thành.

Còn tại dự án Mỹ Phước 4 (gồm khu A và khu B) thì khu A đã được cấp sổ. Riêng khu B đã được duyệt quy hoạch tỷ lệ 1/500 và làm hạ tầng cây xanh đầy đủ nhưng còn vướng mắc do có 2 khách hàng khiếu kiện.

Bà Oanh cho biết, trong diện tích dự án từ lúc cấp cho Công ty Thiên Phú đã có 7.551m2 đất công thuộc diện đất ruộng, không có lối vào nằm lọt thỏm giữa đất dự án. Từ năm 2002 đến năm 2007 đã phê duyệt cho Công ty Thiên Phú. Sau khi Công ty Thuận Lợi mua lại dự án cũng biết rõ thực trạng diện tích đất công trên và đã gửi  kiến nghị đến các cơ quan chức năng để hoán đổi đất của dự án và diện tích đất công này. Gần 4 năm sau, các chính quyền địa phương đồng ý thu hồi phần diện tích đất công giao Công ty Thuận Lợi.

Khi được đồng ý về đổi đất để khu đất xen kẹt giữa dự án được hợp thửa với dự án, Công ty đã điều chỉnh bổ sung quy hoạch khu đô thị này. Thế nhưng, ngay sau đó chính quyền địa phương lại thu hồi quyết định đổi đất nên mới dẫn tới việc 2 khách hàng liên quan đến phần diện tích mà chính quyền “vừa giao đã thu hồi” khiếu kiện. Liên quan đến nội dung 2 khách hàng tố cáo, hiện C01, Bộ Công an đã có thông báo tạm đình chỉ giải quyết.  

 “Cũng vì lợi ích chung nên Công ty đề nghị đổi phần diện tích đất công xen kẹt trong dự án nhưng chính điều này đã khiến Công ty bị chậm tiến độ với khách hàng và vướng vào kiện tụng. Vì thế, nếu các cơ quan chức năng không xử lý dứt điểm phần diện tích đất công trên thì Công ty sẽ tách riêng phần đất công ra riêng và tiếp tục hoàn thành phần còn lại của dự án theo quy định của pháp luật thì cũng trong vòng 12 tháng nữa là hoàn thành. Chúng tôi không thể vì hơn 7.000m2 trên tổng số 40ha mà chậm quyền lợi của những khách hàng còn lại”, bà Đặng Thị Kim Oanh khẳng định.

Trong lần ra Bắc này, bà Đặng Thị Kim Oanh chỉ muốn chứng minh những tin tức lan truyền trên mạng Internet, đặc biệt là thông tin được phát đi bởi nhiều trang báo mạng là sai sự thật.

“Tôi biết đằng sau những thông tin sai sự thật về các dự án của doanh nghiệp chúng tôi có bàn tay của đối thủ cạnh tranh. Tôi cũng biết rằng, sự thật thì không thể thay đổi được nhưng những thông tin sai sự thật kia vẫn khiến việc bỏ vốn đầu tư của chúng tôi gặp nguy hiểm. Họ muốn gây áp lực với chính quyền địa phương và gây hoang mang cho khách hàng của chúng tôi để phá hoại hoạt động đầu tư, kinh doanh của chúng tôi khi đưa tin về việc công ty thế chấp sổ đỏ cho ngân hàng để vay tiền”, bà Oanh không giấu được sự bức xúc.

Quả thật, chỉ cần tìm kiếm hai từ Kim Oanh trên Google thì có có thể thấy xuất hiện hàng trăm bài báo nói xấu doanh nghiệp của bà Đặng Thị Kim Oanh. Thậm chí, chỉ cần một sự kiện liên quan, những tin tức xấu đồng loạt được nhắc lại. Nếu không phải là một việc làm có tổ chức thì có lẽ, thông tin về doanh nghiệp của bà Đặng Thị Kim Oanh sẽ có một bộ mặt hoàn toàn khác.

Đơn cử, sự việc Cơ quan điều tra Công an tỉnh Bình Dương ra quyết định tạm giữ đồ vật tài liệu là 2 cuốn sổ đỏ của khu đất 43ha, dự án khu đô thị thương mại dịch vụ Tân Phú đã ngay lập tức bị biến thành vụ “thu giữ” sổ đỏ trên báo mạng. Việc gửi giữ sổ đỏ tại Ngân hàng OCB lập tức bị biến thành “thế chấp”. Những thông tin sai sự thật này nhằm mục đích gì, chắc hẳn người trong cuộc đã rõ.

Trong lúc Công ty đang nỗ lực phát triển kinh tế, xã hội của địa phương lẽ ra cần được khuyến khích và hỗ trợ. Thế nhưng, người ta đã dùng những ngôn từ xấu xa như “xẻ thịt đất công”, “mua bán lúa non”, “trục lợi”, “thâu tóm”, “huy động vốn trái phép” để vùi dập doanh nghiệp. Những việc này cần sớm chấm dứt và cần có sự can thiệp của cơ quan quản lý thông tin.

Đọc thêm