Dự án cao tốc Hòa Bình - Mộc Châu: Phương án điều chỉnh của Sơn La có nhiều điểm bất hợp lý

(PLVN) - Mới đây, tỉnh Sơn La đề xuất Chính phủ cho phép điều chỉnh vị trí điểm đầu dự án đầu tư xây dựng tuyến cao tốc Hòa Bình-Mộc Châu (Dự án) tại Km66+700 QL6 sang Km29 đường Hòa Lạc-Hòa Bình…

Trong văn bản thẩm định, Bộ KH&ĐT cho biết, tháng 9/2017, Dự án đã được Thủ tướng chấp thuận bổ sung vào Quy hoạch phát triển mạng đường bộ cao tốc Việt Nam đến 2020, tầm nhìn 2030. Vì thế đề xuất điều chỉnh của Sơn La là không phù hợp quy hoạch đã được Thủ tướng phê duyệt. 

Ngoài ra, do điều chỉnh quy mô, hướng tuyến của Dự án nên tổng mức đầu tư đề nghị điều chỉnh là 22.033 tỷ đồng (giảm 261 tỷ đồng so với quyết định được phê duyệt). Tuy nhiên, việc điều chỉnh giảm bề rộng nền đường còn 13,5m; giảm chiều dài tuyến 1km; nhưng tổng mức đầu tư chỉ giảm được 261 tỷ là chưa tương ứng. 

“UBND tỉnh Sơn La rà soát toàn bộ quy mô Dự án điều chỉnh, tính toán tổng mức đầu tư dự án điều chỉnh hợp lý bảo đảm hiệu quả, tiết kiệm chi phí”, Bộ KH&ĐT kiến nghị. 

Cùng quan điểm, Bộ GTVT cho rằng trường hợp điều chỉnh điểm đầu như đề xuất của Sơn La, dự án sẽ dẫn đến thay đổi khác với quy hoạch quy hoạch đã được Thủ tướng phê duyệt. 

Bộ này đề nghị UBND Sơn La chỉ đạo các cơ quan chuyên môn làm việc với các cơ quan đơn vị liên quan của Bộ GTVT, cập nhật các thay đổi vào quy hoạch mạng lưới đường bộ quốc gia đang triển khai thực hiện và báo cáo Thủ tướng xem xét, quyết định, làm cơ sở phê duyệt điều chỉnh chủ trương  đầu tư theo quy định. 

Về điều chỉnh quy mô giai đoạn 1 từ 17m xuống 13,5m, có ưu điểm là giảm chi phí đầu tư, nhưng phương án phân kỳ này chỉ nên áp dụng khi lưu lượng giao thông trung bình ngày đêm trên đường cao tốc cả 2 chiều <= 6.000 xe/ngày đêm (với địa hình đồng bằng) và dưới <=5.000 xe/ngày đêm (với địa hình vùng vùng đồi núi có độ dốc đường thiết kế không quá 4%). 

“Nếu không đáp ứng được các điều kiện trên thì năng lực thông hành của đường cao tốc sẽ hạn chế do mỗi chiều xe chạy chỉ có 1 làn xe, đặc biệt là trong điều kiện địa hình khó khăn, độ dốc dọc lớn sẽ phải bố trí nhiều điểm vượt xe; đồng thời, việc mở rộng theo quy mô hoàn chỉnh sẽ gặp nhiều khó khăn do địa hình, địa chất khu vực dự án rất phức tạp”, Bộ GTVT nêu ý kiến. 

Về phía Bộ TN&MT, đặt dấu hỏi về tính hiệu quả của dự án xin điều chỉnh. Bộ này cho rằng, trong tờ trình và các báo cáo thẩm định của địa phương đều đề cập tới lý do điều chỉnh có liên quan tới “tăng tính hiệu quả của dự án”. Tuy nhiên, trong hồ sơ không có nội dung so sánh, đánh giá hiệu quả của phương án 1 với phương án đề nghị điều chỉnh. 

Bộ TN&MT phân tích, theo phương án 1, giai đoạn 1, Dự án có tổng mức đầu tư 22.294 tỷ đồng với quy mô nền đường  rộng 17m với 4 làn, tổng chiều dài 85km. Còn phương án điều chỉnh, giai đoạn 1 có tổng mức đầu tư 22.033 tỷ đồng với quy mô nền đường rộng 13,5m với 2 làn, tổng chiều dài là 84km. 

“Phương án điều chỉnh có tổng mức đầu tư giảm không nhiều (261 tỷ đồng) nhưng chỉ có 2 làn đường so với 4 làn đường, đã giảm gần một nửa năng lực giao thông và giảm chiều dài 1km đường, cần phải xem xét cẩn trọng hơn. Vì vậy cần phải làm rõ tính hiệu quả việc đầu tư của dự án điều chỉnh”, Bộ TN&MT nêu rõ.  

Bộ KH&ĐT nhấn mạnh, UBND tỉnh Sơn La phải chịu trách nhiệm về sự cần thiết và lý do điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án. Cơ quan chủ trì đề nghị Sơn La tiếp thu ý kiến của các bộ và hoàn thiện hồ sơ điều chỉnh chủ trương đầu tư Dự án trình Thủ tướng xem xét, quyết định.

Đọc thêm