Dự án KĐT mới Đông Sơn (Thanh Hóa): Huy động vốn trái luật từ hàng trăm khách hàng

(PLVN) - Như Báo PLVN đã phản ánh, Dự án Khu đô thị mới Đông Sơn (Dự án KĐT Đông Sơn) tại phường An Hoạch (nay là phường An Hưng, tp.Thanh Hóa, tỉnh Thanh Hóa) mặc dù chưa đủ điều kiện để mở bán, nhưng chủ đầu tư  đã tiến hành bán hàng loạt lô đất nhằm chiếm dụng vốn của khách hàng. Đến nay cơ quan chức năng tỉnh Thanh Hoá vẫn chưa có thông tin phản hồi.
Dự án KĐT mới Đông Sơn chưa đủ điều kiện mở bán.
Dự án KĐT mới Đông Sơn chưa đủ điều kiện mở bán.

“Chiêu trò” của chủ đầu tư

Dự án KĐT Đông Sơn được quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 theo Quyết định số 3830/QĐ-UBND do UBND tỉnh Thanh Hoá ban hành ngày 9/10/2017.  Đến ngày 03/12/2019, UBND tỉnh Thanh Hoá ban hành Quyết định số 5118/QĐ-UBND về việc công nhận kết quả trúng đấu giá quyền sử dụng đất đợt 1 Khu dân cư thuộc Dự án KĐT Đông Sơn (QĐ 5118).

Theo đó, diện tích đấu giá đợt này là 26.533m2; đơn vị trúng đấu giá là Công ty cổ phần kiến trúc SPT (công ty SPT); số tiền trúng đấu giá là trên 123 tỷ đồng. Theo quy hoạch của dự án, KĐT Đông Sơn được phân làm 162 lô biệt thự liền kề và 02 lô biệt thự nhà vườn.

Theo thông tin tìm hiểu, ngay sau khi trúng đấu giá, mặc dù công ty SPT chưa nộp bất kì một khoản nghĩa vụ tài chính nào, chưa tiến hành xây dựng cơ sở hạ tầng của dự án, chưa được nghiệm thu, phê duyệt các hạng mục này, thế nhưng ngay trong ngày 3/12/2019, công ty này đã ký kết hợp đồng với Công ty cổ phần tập đoàn đầu tư địa ốc Gia Phát (Công ty Gia Phát) để phân phối các sản phẩm là các lô đất của dự án. 

Cùng với đó, ngày 4/12/2019, Công ty Gia Phát ngay lập tức có các hoạt động cho việc bán các sản phẩm này. Cụ thể, theo thông tin có được, Công ty Gia Phát đã lập Hợp đồng vay vốn và đăng ký nguyện vọng mua nhà đối với người mua đất.

Bằng chiêu trò này, Công ty Gia Phát đã “vô tư” ký hợp đồng vay vốn và đăng ký nguyện vọng mua nhà với khách hàng. Theo thông tin có được, kể từ ngày 4/12/2019 đến nay, Công ty Gia Phát đã lập hợp đồng với hàng chục khách hàng, thu về cả trăm tỷ đồng. Việc làm này của đơn vị phân phối và chủ đầu tư đã thể hiện rõ dấu hiệu huy động vốn trái phép của khách hàng để thực hiện dự án. 

Chính quyền vẫn im lặng

Với tình trạng pháp lý của dự án như đã nêu trên và có hàng chục, hàng trăm giao dịch được ký hợp đồng bằng hình thức vay tiền như vậy liệu có tác động xấu đến quyền lợi của khách hàng, những nhà đầu tư tại dự án?

Nói về điều này, ông Phí Kim Cương – cử nhân luật, chuyên gia trong lĩnh vực bất động sản (BĐS) - cho rằng: Đây là một hình thức huy động vốn trá hình của chủ đầu tư và đã vi phạm nghiêm trọng Luật kinh doanh BĐS được ban hành năm 2014, đã được điều chỉnh sửa đổi những vấn đề phát sinh trong mua bán, chuyển nhượng, kinh doanh dịch vụ BĐS… Trong đó, quy định việc chuyển nhượng hợp đồng mua bán, thuê mua nhà ở hình thành trong tương lai phải đáp ứng các điều kiện quy định tại Điều 55, Điều 56 Luật Kinh doanh BĐS.

Sự việc đã rõ, chính quyền địa phương, các cơ quan chức năng, quản lý đã nắm được thông tin, báo chí đã phản ánh và làm việc, cung cấp thông tin tới chính quyền, thế nhưng đến nay cơ quan chức năng địa phương vẫn chưa có bất kỳ động thái nào để xử lý sự việc, dù chỉ đơn giản nhất như phản hồi thông tin, xác minh, kiểm tra xử lý...

Thậm chí, rất nhiều lần phóng viên nhắn tin, gọi điện đặt lịch làm với Giám đốc Trung tâm phát triển quỹ đất tỉnh Thanh Hoá thì ông này đều không bắt máy và trả lời. 

Phải chăng, chính quyền nơi đây đang tạo điều kiện cho doanh nghiệp “vô tư” vi phạm pháp luật?

Đọc thêm