Dự án Lacasa gây hại hàng loạt công trình liền kề?

(PLVN) - Quá trình triển khai xây dựng công trình Khu dân cư Lacasa tại số 89 Hoàng Quốc Việt, quận 7, TP HCM bị cho là đã gây ra dư chấn dẫn đến một loạt công trình, nhà xưởng liền kề dự án bị ảnh hưởng. 
Nền nhà xưởng bị sụt, lún, gãy nứt nhiều chỗ
Nền nhà xưởng bị sụt, lún, gãy nứt nhiều chỗ

Theo phản ánh của Cty Sản xuất Thương mại Dịch vụ An Đại Hưng, hoạt động sản xuất kinh doanh của DN này bị đình trệ do toàn bộ hạ tầng nhà xưởng tại số 19 Đào Trí, Quận 7, bị sụt lún, hư hỏng, đổ, gẫy, ngập úng nặng.  

Theo ông Hồng Khánh Nghi, GĐ An Đại Hưng, từ 2017, Cty CP An Gia Phú Thịnh và Cty CP Bất động sản Quốc Trung triển khai xây dựng công trình Khu dân cư Lacasa tại 89 Hoàng Quốc Việt;  Cty CP Đầu tư xây dựng Ricons là đơn vị thi công dự án, trong đó có hạng mục Chung cư khối 6 và hầm mở rộng. Việc thi công công trình trên đã gây ra dư chấn; dẫn đến công trình, nhà xưởng, nhà dân liền kề dự án bị ảnh hưởng nghiêm trọng, trong đó nhà xưởng sản xuất kính của An Đại Hưng. 

Ông Nghi cho biết: Trong thời gian thi công hạng mục chung cư khối 6, nước thải, xi măng, vôi vữa từ công trình xây dựng liên tục rơi, văng vào mái nhà xưởng Cty dẫn đến mái lợp nhà xưởng bị vỡ, thủng nhiều chỗ. Trên sàn nhà và các bức tường sát công trình xây dựng xuất hiện 41 vết nứt dài, ngắn khác nhau, nhiều bức tường bị đổ sập. Nền nhà bị sụt lún trên diện rộng. Do hư hỏng nên ngày 10/3/2020, khu vực nhà xưởng của An Đại Hưng bị chập điện và cháy lan sang 3 hộ dân gần đó. 

Đại diện chủ đầu tư và đơn vị thi công đã thừa nhận việc ảnh hưởng từ quá trình xây dựng mới và cam kết sẽ sửa chữa, đền bù, hỗ trợ thoả đáng. Tuy nhiên, việc hỗ trợ thuê kho chỉ được thực hiện trong 3 tháng, sau đó thì bỏ mặc cho phía nạn nhân hàng ngày phải loay hoay với hậu quả càng ngày càng nguy hiểm, có thể ảnh hưởng đến tính mạng của hàng chục nhân viên công nhân đang làm việc tại nhà xưởng. 

Sau nhiều lần hoà giải bất thành tại UBND phường Phú Thuận, cực chẳng đã, An Đại Hưng đã khởi kiện ra TAND quận 3 yêu cầu chủ đầu tư phải đền bù thiệt hại cho mình. 

Đơn khởi kiện chỉ ra 4 thiệt hại nghiêm trọng mà trong quá trình xây dựng đã dẫn đến như: Nứt, sụt lún nền nhà máy, gây dư chấn làm vỡ kính (sản phẩm hàng hoá của công ty sản xuất); gây tắc nghẽn hệ thống thoát nước dẫn đến tình trạng ngập nước trong khuôn viên nhà xưởng. Và nguy cơ gẫy, đổ, sập tường nhà xưởng, ảnh hưởng đến tính mạng công nhân.

Trong khi đó, nhóm chủ đầu tư và đơn vị thi công bị cho là không thiện chí trong khắc phục hậu quả, vẫn thi công công trình cả ngày lẫn đêm. Nguyên đơn cho rằng TAND quận 3 cũng có những động thái “tiền hậu bất nhất” trong ban hành quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời, ban đầu thì cấm thi công công trình, nhưng mới đây lại ra quyết định cho các đơn vị liên quan tiếp tục thi công xây dựng.

LS Trần Thanh (GĐ Cty luật Bảo vệ công lý) cho rằng, việc TAND quận 3 thay đổi biện pháp khẩn cấp tạm thời là chưa phù hợp với tính chất diễn tiến của vụ việc. Nghị định số 139/2017/NĐ-CP và Thông tư số 03/2018/TT-BXD của Bộ Xây dựng đã nêu rất rõ, với các công trình xây dựng gây sụp đổ hoặc có nguy cơ sụp đổ công trình lân cận thì chủ đầu tư phải dừng thi công xây dựng công trình và có biện pháp di dời ngay người và tài sản của công trình lân cận. Chủ đầu tư có trách nhiệm thuê và trả phí thuê nhà ở cho bên bị thiệt hại. Bên vi phạm chỉ được tiếp tục thi công xây dựng khi các bên đạt được thoả thuận và hoàn thành việc bồi thường thiệt hại…

“Nếu không có chế tài nghiêm khắc và kịp thời với chủ đầu tư thực hiện các dự án xây dựng làm ảnh hưởng đến các công trình lân cận như trên, sẽ tạo tiền lệ xấu cho các chủ đầu tư coi thường pháp luật. Rất đáng báo động nếu công trình xây mới gây nguy hiểm cho các công trình lân cận vẫn thi công trong khi nạn nhân thì đêm ngày thấp thỏm và chịu trăm bề thiệt hại vẫn đang phải loay hoay kêu cứu khắp nơi, trường hợp của Cty An Đại Hưng là một ví dụ điển hình”, LS Thanh nói. 

Đọc thêm