Dự án mở rộng đường Vành đai 3 (Hà Nội): Chưa đảm bảo nguyên tắc công bằng trong công tác GPMB?

(PLO) -Hơn 1 năm qua, hàng chục hộ dân nằm trong diện phải thu hồi đất để giải phóng mặt bằng (GPMB) thực hiện Dự án mở rộng đường Vành đai 3 (đoạn Mai Dịch - cầu Thăng Long) mòn mỏi chờ nhận tiền bồi thường. Thế nhưng, dù có rất nhiều đơn thư kiến nghị, khiếu nại đòi hỏi quyền và lợi ích hợp pháp, nhưng đến thời điểm này các hộ dân vẫn chưa nhận được câu trả lời thỏa đáng từ chính quyền địa phương.   
Nhiều hộ dân kêu cứu khi bị thu hồi đất làm Dự án
Nhiều hộ dân kêu cứu khi bị thu hồi đất làm Dự án

Mòn mỏi chờ bồi thường

Nhiều hộ dân sống dọc tuyến đường Phạm Văn Đồng (phường Mai Dịch, quận Cầu Giấy) cho biết, để thực hiện Dự án mở rộng tuyến đường Vành đai 3 (gọi tắt là Dự án) gia đình họ đã bị thu hồi nhiều diện tích đất đang sử dụng. Thứ nhất, đó là loại đất 5% được giao theo nhân khẩu năm 1960. Thứ hai là đất thổ cư (nằm liền kể phía sau đất 5%) có sổ đỏ, nhà cửa kiên cố, ổn định, đóng thuế ở VT1 (Hà Nội phân đất tính bồi thường thành 4 vị trí-PV).

Đối với loại đất 5%, từ năm 1983 khi xây dựng tuyến đường Thăng Long (nay là đường Phạm Văn Đồng) cắt qua giữa khu đất. Năm 1985, người dân đã chuyển đến sinh sống ở sát tuyến đường. Ngày 9/3/1987, ông Nguyễn Văn Thước (phó Chủ tịch thị trấn Mai Dịch) đã có văn bản đồng ý cho người dân khu vực này chuyển đổi mục đích sử dụng đất làm kinh tế. 

Tuy nhiên, theo phản ánh, khi Dự án triển khai vào tháng 6/2016, nhiều hộ dân không đồng thuận với phương án, mức áp giá đền bù GPMB. Trong đó, nhiều hộ dân đến thời điểm này vẫn chưa nhận tiền đền bù. 

Cụ thể, đối với đất thổ cư họ có đóng thuế cho nhà nước ở VT1, nhưng khi đất bị thu hồi lại bị áp giá VT3, VT4.  

Đối với loại đất 5%, người dân cho rằng họ quản lý sử dụng ổn định từ năm 1960 đến nay, nhưng chính quyền địa phương lại lấy bản đồ năm 1994 và danh sách các hộ có tên trong sổ bộ của HTX kinh doanh dịch vụ tổng hợp Mai Dịch làm căn cứ áp giá đền bù cho dân. 

Đồng thời, chính quyền địa phương không lấy các tài liệu cần thiết làm rõ thực tế đất của dân khi bị thu hồi như: sổ mục kê, bản đồ năm 1986, bản đồ quy hoạch, giấy của ông Nguyễn Văn Thước đồng ý cho chuyển đổi mục đích sử dụng đất năm 1987,… 

Theo hồ sơ, ngày 30/6/2016, UBND phường Mai Dịch ra quyết định số 144/QĐ-UBND thành lập Hội đồng xác định nguồn gốc đất. Sau 2 buổi họp, hội đồng đã xác định nguồn gốc đất được sử dụng vào hai thời điểm khác nhau đó là từ 15/10/1993 và “khoảng năm 1994”.  

Căn cứ vào biên bản họp của Hội đồng xác định nguồn gốc đất lần thứ 2 (tức kết luận “khoảng năm 1994”), UBND phường Mai Dịch đã ra văn bản xác định nguồn gốc đất của từng hộ gia đình theo số và cung cấp tài liệu này cho UBND quận làm căn pháp lý áp giá bồi thường.

Tuy nhiên theo phản ánh, sau đó người dân có đề nghị công khai biên bản họp và giấy xác nhận nguồn gốc đất của từng hộ gia đình nhưng UBND phường lại “né tránh”?. Trước sự phản ứng quyết liệt của người dân, ngày 18/11/2016, UBND phường Mai Dịch tổ chức buổi họp mở rộng lấy ý kiến cán bộ địa phương cũ qua các thời kỳ. 

Theo đó, tất cả đều có chung ý kiến: “Thực tế đất của người dân chuyển đổi mục đích sử dụng trước ngày 15/10/1993, do quan niệm và cách làm bản đồ 1994 của phường Mai Dịch không chính xác”. 

Đồng thời, ông Nguyễn Quang Đạt (Chủ nhiệm HTX kinh doanh dịch vụ tổng hợp Mai Dịch) có công văn số 10/CVHTX ghi ngày 30/9/2016 gửi UBND phường Mai Dịch nêu rõ: “Đất của dân chuyển đổi mục đích sử dụng trước năm 1993, hiện tại diện tích dôi dư là do cách đo của từng thời kỳ”.

Trước những ý kiến được nêu trên, UBND phường Mai Dịch ban hành công văn 994 ghi ngày 27/9/2016 gửi UBND quận Cầu Giấy đề nghị xem xét, giải quyết quyền lợi cho người dân nhưng không được chấp thuận.

Hồ sơ không có cơ sở giải quyết?

Để làm sáng tỏ những nội dung phản ánh trên, PV đã trao với ông Trần Đông Dực (Trưởng ban GPMB quận Cầu Giấy). Ông Dực cho biết: “Bản đồ 1994 đã căn cứ vào những bản đồ trước đó đều thể hiện phần diện tích đất thu hồi là đất canh tác. Những văn bản chứng minh của người dân đấy là đất ở là chưa thuyết phục, bởi vì nếu xác nhận là “các hộ sử dụng làm kinh tế” thì trồng cây lâu năm, trồng lúa cũng là làm kinh tế. 

Hơn nữa bản đồ vệ tinh đều thể hiện năm 1993, 1994 vẫn là đất nông nghiệp và chỉ có vài cái lều dựng trên đất san lấp để bán vật liệu xây dựng. Nếu như cho phép các hộ xây dựng công trình để kinh doanh thì đó cũng là 1 tài liệu làm cơ sở chứng minh được”.

“Đối với xác nhận của ông Đạt rằng đất của người dân được chuyển đối để “sản xuất kinh doanh” thì rất đa dạng và chưa đủ điều kiện để xác nhận nguồn gốc đất. Nếu như là xây dựng công trình trên mảnh đất đó để kinh doanh thì đấy cũng là tài liệu căn cứ, có cơ sở để xem xét đây là đất ở”, ông Dực cho biết thêm. 

Về phần đất đất thổ cư bị thu hồi người dân cho rằng trước đó đóng thuế cho nhà nước ở VT1, nhưng khi đất bị thu hồi lại bị áp giá VT3, VT4. Ông Dực cho rằng, khi lên phương án bồi thường thì Ban bồi thường đã áp giá đúng vị trí. Theo lý giải của ông Dực, trong tổng mặt bằng có một số thửa đất ở bên trong là đất ở liền với bên ngoài (giáp tuyến đường Phạm Văn Đồng) là đất nông nghiệp. 

Tuy nhiên, thực tế thì thửa đất ở bên trong không tiếp giáp với thửa đất bên ngoài, vì trước đây còn cách 1 con đường đất (con ngõ nhỏ) nằm ở giữa. Sau khi người dân mua bán đất nông nghiệp ở bên ngoài và đổ đất san nền liền thành một thửa với phần đất ở bên trong. 

“Trên bản đồ, hồ sơ quản lý của UBND phường vẫn thể hiện có con đường (con ngõ nhỏ) ấy. Việc này UBND quận đã báo cáo Thành phố và đã cho chính sách đặc thù. Cụ thể, nếu nhà nào có thửa đất ở bên trong mà thửa đất nông nghiệp bên ngoài nhưng phải đứng tên anh mà tự chuyển đổi thửa đất bên ngoài thì được áp VT1. Thế nhưng, tất cả ở đây đều có đất nông nghiệp bên ngoài nhưng không phải đất nông nghiệp được giao mà là đất mua bán nên không được”, ông Dực thông tin. 

Ngoài ra, một vấn đề khiến nhiều hộ dân thắc mắc đó là việc diện tích đất của 15 hộ dân (giáp Trung tâm triển lãm nông nghiệp - gọi là trung tâm) thời điểm đó đang sử dụng, nhưng đã được cấp giấy CNQSD đất cho trung tâm.

Theo hồ sơ, trước đó vào năm 1996, khi trung tâm tiến hành thu hồi, mở rộng địa bàn thì bà Lã Thị Kim Oanh – Giám đốc trung tâm vi phạm pháp luật. Thời điểm đó, người dân chưa nhân tiền đền bù nên tiếp tục sử dụng đất để ở, kinh doanh đến nay. 

Phải đến khi Dự án mở rộng đường Vành đai 3 triển khai thì người dân mới biết mảnh đất đã được cấp giấy chứng nhận cho trung tâm (số sổ 00203-QSDĐ ngày 24/12/1996). 

“Lộ trình thu hồi số đất này của UBND quận Cầu Giấy đã vội vàng, không minh bạch. Chúng tôi không biết đến việc đo đạc, kiểm đếm. Chúng tôi cũng không được nhận thông báo, quyết định thu hồi đất. Và thật kì lạ, số liệu diện tích đất thu hồi ghi trong phương án không dựa trên thực tế sử dụng đất mà lấy từ một tờ viết tay của bà Hoành – Đội trưởng Đội sản xuất những năm 1990 và không có chữ ký, không có dấu,…để làm căn cứ pháp lý áp đặt?”, đơn thư của người dân phản ánh.

Về vấn đề trên ông Dực cho biết không nắm bắt được vấn đề cấp giấy CNQSD đất vì “không thuộc thẩm quyền”. Tuy nhiên, về công tác GPMB thì những hộ dân nằm trong diện phải thu hồi đất thực hiện Dự án (thửa đất đã cấp Giấy CNQSD đất cho trung tâm - phía Đông đường Phạm Văn Đồng) vẫn được lên phương án, chi trả tiền bồi thường theo đúng quy định của nhà nước và chính sách giống so với các hộ phía Tây. 

Có thể thấy, đến thời điểm này nhiều hộ dân chưa được nhận tiền đền bù khi GPMB thực hiện dự án phần nào khiến người dân chịu thiệt thòi. Những phản ánh, kiến nghị của người dân về việc chưa nhận được tiền bồi thường, hỗ trợ khi thu hồi đất thực hiện dự án mở rộng tuyến đường Vành Đai 3 là hoàn toàn chính đáng. 

Thiết nghĩ, UBND TP Hà Nội và UBND quận Cầu Giấy cần phối hợp giải quyết những vướng mắc đó của người dân một cách thấu tình, đạt lý, để từ đó đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của người dân.

Đọc thêm