Dự án trồng rừng tại khu bảo tồn Tam Giang - Cầu Hai: Cây chết trắng, vẫn ký nghiệm thu chăm sóc rừng

(PLVN) - Khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Tam Giang - Cầu Hai (tỉnh Thừa Thiên - Huế) được thành lập vào tháng 6/2020 với tổng diện tích 2.071,5ha. Sau khi thành lập, tỉnh triển khai trồng rừng ngập mặn tại đây, nhưng vừa trồng một thời gian, hàng chục ha đã bị chết.
“Rừng cây” thuộc dự án hơn 110 tỷ tại xã Điền Hòa đã bị chết gần hết.
“Rừng cây” thuộc dự án hơn 110 tỷ tại xã Điền Hòa đã bị chết gần hết.

Khu bảo tồn Tam Giang - Cầu Hai được thành lập nhằm duy trì chức năng sinh thái, đa dạng sinh học và nguồn lợi thủy sản; bảo vệ phục hồi các loài thủy sản quý hiếm, tăng cường khả năng chống chịu với biến đổi khí hậu. Tổng diện tích khu bảo tồn là 2.071,5ha, gồm phân vùng Ô Lâu (1.270,2ha), phân vùng Cồn Tè – Rú Chá (187,1ha) và 23 khu bảo vệ nguồn lợi thủy sản (614,2ha). 

Việc trồng rừng ngập mặn tại khu bảo tồn này thuộc dự án đầu tư phát triển rừng ven biển, đầm phá tỉnh. Dự án được UBND tỉnh phê duyệt với tổng mức đầu tư 110,5 tỷ do Chi cục Kiểm lâm (thuộc Sở NN&PTNT) làm chủ đầu tư. Dự án được đầu tư thực hiện tại 5 huyện, thị xã ven biển và đầm phá, gồm Phong Điền, Quảng Điền, Phú Vang, Phú Lộc và Hương Trà.

Chỉ sau một thời gian trồng, hàng chục ha rừng ngập mặn đã bị chết. Diện tích bị chết tập trung tại vùng Cửa Lác, hạ lưu vùng sông Ô Lâu. Theo ông Phạm Công Phước, Chủ tịch UBND xã Quảng Thái (huyện Quảng Điền), tại địa phương có 18,5ha đất ngập nước thuộc khu bảo tồn. Diện tích này trước đây vốn được người địa phương dùng để sản xuất nông nghiệp, nhưng sau đó bỏ hoang nên được đưa vào trồng rừng ngập mặn nhằm phục hồi, tái tạo hệ sinh thái và nguồn lợi thủy sản. 

Khi dự án trồng rừng ngập mặn được triển khai, các hộ dân nơi đây kỳ vọng số cây dừa nước, bần, tràm Úc sẽ phát triển xanh tốt sau này trở thành bãi trú, bãi đẻ của tôm cá, tạo điều kiện sinh kế. 

“Thế nhưng sau một thời gian trồng, nhiều diện tích cây rừng ngập mặn bị chết. Khi phát hiện sự việc, địa phương đã có báo cáo đến chủ đầu tư và các cơ quan liên quan để có giải pháp khắc phục”, ông Phước cho hay. 

Ngoài địa bàn xã Quảng Thái, hơn 9ha rừng ngập mặn được trồng trong năm 2020 tại xã Điền Hòa, huyện Phong Điền thuộc khu bảo tồn cũng bị chết trắng.

Theo ông Phạm Ngọc Dũng, Chi cục phó Chi cục Kiểm lâm tỉnh, đại diện chủ đầu tư dự án, nguyên nhân dẫn đến nhiều diện tích rừng ngập mặn bị chết là do thời tiết diễn biến bất thường, mưa lũ kéo dài từ tháng 10 đến 11/2020 khiến nhiều diện tích vừa trồng bị ngập sâu. Cây ngập mặn chỉ chịu được ngập trong 15 ngày, phải có thời gian phơi bãi. Tuy nhiên, đợt mưa lũ kéo dài khiến cây ngập hơn 3m dẫn đến bị chết. 

Cũng theo ông Dũng, đơn vị trúng thầu thi công dự án trồng rừng ngập mặn là Cty TNHH MTV Thiên Chấn Hưng (trụ sở tại TP Đà Nẵng). Do dự án chưa được nghiệm thu, bàn giao, nên khi cây chết thì đơn vị thi công sẽ phải tiến hành trồng lại, sau đó Chi cục mới tiến hành các bước tiếp theo. 

Liên quan dự án này, Kết luận thanh tra số 481/KL-TTr do Thanh tra tỉnh ban hành ngày 31/7/2020 cho biết, phát hiện một số thiếu sót, vi phạm tại dự án này. Đơn cử kiểm tra thực tế ngẫu nhiên tại 2 lô trồng cây tràm Úc từ năm 2018 tại xã Quảng Thái, phát hiện có nhiều khu vực với diện tích rộng cây chết cục bộ; trong 18,7ha cây tràm Úc trồng năm 2016 tại xã Điền Hương, qua kiểm tra hầu hết diện tích trồng rừng không có cây, chỉ có một vài cây thưa thớt ở một số nơi. 

Theo trình bày của chủ đầu tư và đơn vị thi công, do hạn hán nên cây đã chết. Tuy nhiên, kiểm tra hồ sơ cho thấy cuối năm 2018, chủ đầu tư vẫn ký nghiệm thu chăm sóc rừng (năm thứ 2) trên diện tích 18,7ha với số cây đạt hơn 90%... Hoặc không thu thập thông tin một cách chính xác dẫn đến diện tích trùng với dự án khác, trùng diện tích đã giao cho đối tượng khác; lập dự án trồng rừng trên cát tại xã Hải Dương là không phù hợp quy định; chọn đơn tư vấn lập dự án không đáp ứng năng lực kinh nghiệm; đề xuất hình thức quản lý dự án không đúng quy định…

Thanh tra tỉnh đã kiến nghị chủ đầu tư chấn chỉnh, khắc phục các sai phạm; yêu cầu đơn vị thi công trồng lại 18,7ha tại xã Điền Hương do cây đã chết; tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc diện tích rừng trồng mà cây chưa phát triển tốt. Đồng thời kiến nghị UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ngành liên quan khắc phục sai sót, nghiêm túc kiểm điểm rút kinh nghiệm.

Đọc thêm