Du khách thiếu ý thức, nông dân khóc ròng

(PLO) - Những năm gần đây, loại hình du lịch “nhà vườn” được người nông dân đưa vào hoạt động với việc kết hợp giữa trồng trọt và làm du lịch. Thế nhưng, nhiều du khách thiếu ý thức đã khiến người nông dân khốn đốn vì bị phá hoại.
Vườn oải hương Đà Lạt ngừng đón khách vì bị dẫm nát. Ảnh. thanhnien.vn
Vườn oải hương Đà Lạt ngừng đón khách vì bị dẫm nát. Ảnh. thanhnien.vn

Nông dân hối hận vì mở cửa vườn

Mới đây, một vườn hoa thì là tuyệt đẹp ở Xuân Hải, Ninh Thuận đã phải đóng cửa vì bị tàn phá nghiêm trọng bởi những người tham quan. Trước đó, ông Bảy Chi, chủ vườn hoa thì là hơn 4ha đã trồng vườn thì là này để canh tác. Thấy vườn hoa nở đẹp rực rỡ, ông có ý định mở cửa cho khách vào tham quan, chụp ảnh để tăng thu nhập với mức giá 20.000 đồng/người chụp ảnh. Tuy nhiên, chỉ mở được 5 ngày, cánh đồng hoa đã bị khách chụp ảnh vào dẫm nát.

Mức độ “tàn phá” của du khách khiến cho một cánh đồng hoa mới đây còn vàng rực, tuyệt đẹp nay ngả rạp đến thảm thương. Ông Bảy Chi chia sẻ, ông rất tiếc vì đã mở cửa cho du khách tham quan mà chưa có kế hoạch bảo vệ hoa, khiến vườn hoa tan nát, số tiền thu vào từ việc tham quan tính ra còn “lỗ nặng” so với thu nhập từ cánh đồng thì là. Theo ông Bảy Chi kể, ban đầu ông cứ tưởng khách vào chỉ đứng bên vườn hoa để chụp ảnh thôi, không ngờ họ xông vào giữa vườn, bất chấp trên đường đi đạp gãy bao nhiêu cây. Nhiều người còn vô ý thức đến mức nằm ngả nghiêng trên vườn hoa, mặc cho hoa ngả rạp, giập nát.

Câu chuyện tương tự cũng đã xảy ra với nhiều người nông dân ở vườn cải Đà Lạt. Mùa cải chín, người dân cũng tranh thủ mở cửa cho du khách vào tham quan và thu phí. Thế nhưng, chỉ một thời gian ngắn, du khách đã dẫm bẹp vườn cải, khiến họ mất mùa, phải đóng cửa vườn để cứu những cây cải còn lại. Nhiều vườn cải khác thấy cảnh này vừa mới mở cửa cho khách tham quan đã đổi ý định.

Cũng cách đây chưa lâu, vườn oải hương rộng lớn, đẹp hút mắt ở Đà Lạt cũng phải đóng cửa vì bị du khách dẫm đạp, làm vườn hoa tan nát. Tương tự, nhiều cánh đồng hướng dương, lay ơn... từng mở cửa đón khách cũng ngậm ngùi vì lợi bất cập hại, khách đạp hoa, ngắt hoa, rượt nhau chạy nhảy làm nát hết vườn hoa... Năm nay, nhiều người nông dân Đà Lạt đã từ chối mở cửa đón khách tham quan vườn của mình. Một số vườn khách có tham quan đều là những vườn mang tính du lịch, làm chuyên nghiệp, quy hoạch và bảo vệ đàng hoàng tránh được sự phá hoại của du khách như các vườn dâu, đồi chè...

Lợi bất cập hại vì chưa thể quản lý

Từ nhiều năm nay, chính sách “vừa trồng trọt vừa làm du lịch” đã được áp dụng và khuyến khích ở nhiều địa phương, nhất là các địa phương phát triển du lịch và có các nông sản đặc sản như Đà Lạt, Ninh Thuận, Bình Thuận, các nhà vườn miền Tây... Cái lợi của chính sách này là vừa góp phần quảng bá cho sản phẩm nông sản địa phương, tăng sức mua tại vườn, tăng thu nhập cho người nông dân và đặc biệt là thu hút du lịch. Tuy nhiên, với sự thiếu ý thức của nhiều du khách hiện nay, việc “mở cửa vườn” đã khiến cho họ gặp phải những hậu quả không nhỏ từ hành vi phá hoại. 

Không những dẫm đạp, họ còn ngắt phá hoa, cây trái. Chị Tám Lợi, chủ một vườn vú sữa ở Cái Bè, Tiền Giang đã khóc ròng khi chỉ vì quên để ý, khách rút đi chị mới phát hiện nhóm bạn trẻ đã vặt trái vú sữa non xuống... ném nhau. Số tiền bán vú sữa cho khách chưa tới 200 ngàn, nhưng số trái non bị vặt cũng tương tương với số tiền ấy. 

Mấy ngày nay, việc một phượt thủ “gây chuyện” tại một vườn nho ở Ninh Thuận đã thu hút sự quan tâm của rất nhiều bạn trẻ. Hot girl phượt thủ này khá nổi tiếng với câu chuyện từng phượt với thời gian kỉ lục bằng xe máy xuyên Bắc Nam. Mới đây, khi dừng chân tại Ninh Thuận, cô gái trẻ đã tới tham quan một vườn nho của một nông dân và mua nho. Trong clip quay cảnh vui chơi trong vườn nho, cô gái này đã... cắn hết trái nho trong chùm mọc trên cành, từ chùm này cho đến chùm khác.

Sau đó, trong bài viết của mình cô đã tố chủ vườn lật lọng, nói giá một đằng, sau đó bán với giá trên trời và sử dụng cò mồi ở vườn nho, kêu gọi cảnh giác, tẩy chay. Tuy nhiên, bài viết và clip đã vấp phải sự phản ứng dữ dội của nhiều người dân Ninh Thuận và các nơi khác. Lý do là những chi tiết trong bài viết nêu ra cho thấy, người quá đáng là cô gái chứ không phải chủ vườn nho, và giá chủ vườn đưa ra là khá hợp lý so với giá thị trường, việc kêu gọi tẩy chay của cô gái sẽ khiến chủ vườn và nhiều vườn nho khác ở Ninh Thuận bị ảnh hưởng.

Đồng thời người dân Ninh Thuận cũng cho rằng vào tham quan vườn nho chủ yếu là “thuận mua vừa bán”, các vườn nho chủ yếu nằm dọc quốc lộ, ít có hiện tượng cò mồi. Đặc biệt, nhiều người cho rằng, clip quay cảnh ăn nho ngay trên giàn thể hiện sự thiếu ý thức của nữ phượt thủ, vì mỗi một chùm nho trĩu trái, cô gái ăn một vài trái sẽ gây nham nhở, hỏng cả chùm nho, gây nhiều thiệt hại cho chủ vườn. 

Đây chính là lý do khiến ngày càng nhiều người nông dân “nói không” với loại hình vừa canh tác vừa làm du lịch. Một khi chưa thể sắp xếp và quản lý một cách bài bản, chặt chẽ, tránh việc phá hoại thì họ vẫn đứng trước nguy cơ lỗ vốn vì du khách thiếu ý thức. Và nếu vẫn còn những hành vi vô ý thức như trên thì có lẽ du khách ngày càng khó lòng tiếp cận với những vườn hoa, cây trái xinh đẹp của người dân để có những trải nghiệm và hình ảnh đáng nhớ.

Đọc thêm