“Đường thử xe”, quy định không mới nhưng vẫn khiến các doanh nghiệp... bất ngờ

(PLO) - Việc các doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô đối khẩu “chan chát” liên quan đến quy định về đường thử xe được quy định trong Nghị định 116/2017/NĐ-CP và một số doanh nghiệp lắp ráp ô tô cho rằng, đường thử xe không liên quan đến chất lượng ô tô đã đặt ra vấn đề là các nhà sản xuất có chấp hành đúng quy định về đường thử xe?
Đường thử xe và đoạn gồ ghề trên đường thử (ảnh nhỏ)
Đường thử xe và đoạn gồ ghề trên đường thử (ảnh nhỏ)

Theo quy định của Nghị định 116/2017/NĐ-CP ngày 17/10/2017 của Chính phủ về điều kiện sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu, kinh doanh dịch vụ bảo hành, bảo dưỡng ô tô thì điều kiện đối với doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô là phải có cơ sở vật chất như nhà xưởng sản xuất, dây chuyển công nghệ lắp ráp, dây chuyền hàn, dây chuyền sơn, dây chuyền kiểm tra chất lượng và đường thử xe.

Đường thử xe quy định rất rõ trong Nghị định 116 là phải có chiều dài tối thiểu 800m, với các điều kiện địa hình rất sát với thực tế địa hình của các cung đường mà ô tô phải đi qua như đường bằng phẳng, đường sỏi đá, đường gồ ghề, đường gợn sóng, đường trơn ướt, đường cua. Tất cả các xe sản xuất, lắp ráp phải được chạy thử trên đường thử nhằm kiểm tra tính năng kỹ thuật, chất lượng sản phẩm trước khi đến tay người tiêu dùng. Nghị định 116 cũng quy định rất cụ thể các tiêu chuẩn kỹ thuật của từng loại địa hình trên đường thử xe.

Trong một cuộc đối thoại với các doanh nghiệp do Văn phòng Chính phủ tổ chức ngày 26/2, rất nhiều ý kiến trái ngược nhau của các doanh nghiệp về đường thử xe. Các doanh nghiệp đã đầu tư đầy đủ hệ thống đường thử xe hoặc sẵn sàng đầu tư thì cho rằng, quy định của Nghị định 116 là phù hợp và đáp ứng được yêu cầu về đảm bảo chất lượng sản phẩm ô tô, một sản phẩm đặc thù, có ảnh hưởng đến tính mạng của con người khi lưu thông trên đường. Ngược lại, không ít doanh nghiệp lại phàn nàn cho rằng, quy định này là làm khó doanh nghiệp. Trong đó có tên tuổi hai đại gia của ngành công nghiệp lắp ráp ô tô là Liên doanh Toyota Việt Nam và Ford Việt Nam.

Về vấn đề này, đại diện Công ty Ford Việt Nam cho rằng, không có mối liên hệ nào giữa chất lượng ô tô và đường thử vì các nhà sản xuất đều đã có thiết bị để kiểm tra chất lượng xe. Tuy nhiên, lý do của việc quan ngại về đường thử xe lại nằm ở chỗ, doanh nghiệp không có quy đất để mở rộng đường thử.

Đáp lại ý kiến này, nhiều nhà sản xuất, lắp ráp ô tô trong nước như Công ty Thành Công và Công ty Trường Hải lại cho rằng, quy định về đường thử như Nghị định 116 vẫn là "dễ dãi" vì hiện nay, tiêu chí đường thử dưới 1km đã rất ít ở các nước do tốc độ phát triển của công nghệ ô tô ngày càng thay đổi và tốc độ của ô tô cũng ngày càng cao nên đường thử xe ngày càng phải dài ra mới đáp ứng được yêu cầu của việc kiểm tra chất lượng sản phẩm này trên thực tế.

Việc đấu khẩu giữa các doanh nghiệp lắp ráp ô tô trong diễn đàn ngày 26/2 không khó hiểu khi mỗi hãng xe phát biểu quan điểm trên điều kiện thực tế của doanh nghiệp mình. Song, một điều đáng ngạc nhiên là quy định về đường thử xe hoàn toàn không phải là quy định mới, tại sao bây giờ các doanh nghiệp mới kêu?

Theo quy định tại Quyết định số 115/2004/QĐ-BCN ngày 27/10/2004 của Bộ Công nghiệp về quy định tiêu chuẩn đối với doanh nghiệp lắp ráp, sản xuất ô tô thì đường thử xe cũng đã được quy định rất rõ. Theo đó, chiều dài tối thiểu của đường thử xe là 500m (ít hơn 300m so với Nghị định 116) và cũng phải có đủ các điều kiện về địa hình để thử xe như đường bằng, đường sỏi đá, đường gồ ghề, lượn sóng, trơn trượt hay đường cua.

Quy định mới về đường thử xe trong Nghị định 116 chỉ tăng đường thử xe thêm 300m cho phù hợp với yêu cầu đảm bảo kỹ thuật của sản phẩm, thế nhưng nhiều doanh nghiệp đã kêu trời. Điều này đặt ra câu hỏi, phải chăng trong thời gian qua, nhiều doanh nghiệp lắp ô tô đã rất xem thường khâu kiểm tra chất lượng sản phẩm trên đường thử và có bao nhiêu sản phẩm đưa ra thị trường thực tế được kiểm tra chất lượng trên đường thử?

Mỗi năm, các nhà sản xuất tung ra thị trường hàng trăm nghìn ô tô lớn bé các loại và mỗi chiếc xe chạy trên đường là một nguồn nguy hiểm cao độ đe doạ tính mạng người tham gia giao thông. Do vậy, các nhà sản xuất không thể không tuân thủ triệt để quy định về điều kiện cơ sở vật chất đối với việc sản xuất lắp ráp ô tô. Nếu chỉ vì gặp khó trong việc mở rộng đường thử mà đã phản ứng với một quy định cần thiết của Chính phủ như quy định của Nghị định 116 là thiếu trách nhiệm với người tiêu dùng.

Ngoài ra, các cơ quan có trách nhiệm cũng cần làm rõ, đến nay có bao nhiêu doanh nghiệp thực hiện nghiêm túc quy định về đường thử xe để trả lời cho người tiêu dùng vấn đề có bao nhiều xe đang chạy trên đường mà không được chạy qua đường thử để truy cứu trách nhiệm các doanh nghiệp đã không tuân thủ đúng quy định của pháp luật về sản xuất, lắp ráp ô tô, trong đó có hàng nghìn tỷ đồng tiền thuế mà Nhà nước đã ưu đãi cho các doanh nghiệp trong lĩnh vực sản xuất, lắp ráp ô tô.

Đọc thêm