Gộp Tết cổ truyền - từ tranh luận đến… cãi vã

(PLO) - Thời điểm này, câu chuyện bỏ hay giữ, gộp hay không gộp Tết cổ truyền đang là đề tài tranh luận mạnh mẽ trên mạng xã hội, thu hút đủ mọi thành phần tham gia.
Gộp Tết cổ truyền -  từ tranh luận đến… cãi vã

Với những người ủng hộ bỏ hay giữ Tết cổ truyền đều có những luận điệu riêng khá thuyết phục. Người ủng hộ bỏ thì cho rằng, nghỉ Tết dài ngày làm ảnh hưởng năng suất lao động, làm mọi thứ trì trệ, đặc biệt là kéo theo bao hệ lụy như tốn kém, khổ sở tàu xe, quà cáp, bia rượu, tai nạn giao thông… 

Về phần mình, những người ủng hộ giữ Tết cổ truyền thì cho rằng, Tết là một phong tục cổ truyền của dân tộc, gắn liền với nhiều điều tốt đẹp, bỏ Tết nghĩa là bỏ đi một phần những kí ức đẹp đẽ về sum họp, về đoàn viên, về tuổi thơ, về văn hóa… của cả một dân tộc. Và thực ra, bỏ Tết cổ truyền, gộp Tết Tây với Tết Ta chưa hẳn đã giúp sự trì trệ bớt đi, bởi điều quan trọng là tinh thần mỗi người tự xác định cho mình, chứ không thể “đổ thừa” cho Tết cổ truyền.

Một điều khá ngạc nhiên là trong khi nhiều người Việt, trong đó có những người nổi tiếng ủng hộ việc bỏ Tết cổ truyền thì một số du học sinh, người nước ngoài yêu văn hóa Việt lại cho rằng, bỏ Tết cổ truyền là vô lý. Anh Peter Nguyễn, 38 tuổi, một người Việt sống tại Mỹ chia sẻ, ngày cả cộng đồng người Việt sống ở Mỹ vẫn đón Tết cổ truyền hàng năm, bên cạnh Tết Tây, thì cớ sao người Việt trong nước lại đòi bỏ Tết cổ truyền?

Bỏ Tết cổ truyền sẽ để lại một khoảng trống lớn trong tâm thức mỗi người Việt trong nước hay xa quê. Andy Lưu, du học sinh Việt Nam tại Úc thì chia sẻ, thực ra trong ngày Tết cổ truyền, chỉ có công nhân viên chức và giới văn phòng nghỉ việc, còn hoạt động buôn bán vẫn diễn ra hầu như bình thường. Thậm chí, một số ngành như thực phẩm còn đắt khách hơn. Cạnh đó, Tết cổ truyền là dịp du khách thế giới đến Việt Nam thưởng thức không khí Tết khá đông, vậy không thể lấy bài toán kinh tế quy kết cho Tết cổ truyền được.

Mỗi một bên ủng hộ hay không đều có lý lẽ riêng của mình. Tuy nhiên, điều đáng nói là sau một thời gian chưa ngã ngũ, những cuộc tranh luận đã có nguy cơ biến thành… tranh cãi, thậm chí cãi vã, gây hấn. Tuệ Nghi, nữ doanh nhân – nhà văn có phát ngôn mạnh miệng về việc bỏ Tết cổ truyền đã phải nhận “gạch đá” từ phía cộng đồng mạng, nhiều người thậm chí gọi cô là “nữ doanh nhân mất gốc”. Có những người nổi tiếng, là bạn bè với nhau, nhưng chỉ vì những cuộc tranh cãi do bất đồng quan điểm bỏ hay giữ Tết cổ truyền, có nên gộp Tết Ta với Tết Tây hay không, mà đâm ra xích mích, từ mặt nhau. Có những bài viết của hai phía miệt thị nhau với những lời lẽ không mấy ôn hòa.

Việc bỏ hay không bỏ, gộp hay không gộp Tết cổ truyền vẫn là một ý kiến chưa chính thức, nhưng đã gây sóng gió. Một lần nữa, như rất nhiều vấn đề tranh luận khác trước đây, sự việc chưa diễn ra, nhưng người ta đã đẩy nó đi quá xa, gây nên những cuộc cãi vã vô bổ, tự chia rẽ và xa cách nhau, chỉ bởi khư khư quan điểm của mình một cách cực đoan.

Đọc thêm