Hà Nội: 6 triệu dân không được “ăn” thực phẩm an toàn?

(PLO) - Thống kê cho thấy, do khả năng cung ứng hạn chế, hiện vẫn còn khoảng 60% dân số Hà Nội đang hàng ngày giờ buộc phải sử dụng thực phẩm không rõ nguồn gốc, thực phẩm không an toàn vào các bữa ăn cho bản thân, và gia đình.
Thị trường Hà Nội một ngày tiêu thụ khoảng 1000 tấn thịt các loại, 700 tấn cá, 2500 tấn rau củ các loại
Thị trường Hà Nội một ngày tiêu thụ khoảng 1000 tấn thịt các loại, 700 tấn cá, 2500 tấn rau củ các loại

Đáp ứng 40% thị trường 10 triệu dân

Theo Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản Hà Nội (QLNLS&TS), thị trường Hà Nội một ngày tiêu thụ khoảng 1000 tấn thịt các loại, 700 tấn cá, 2500 tấn rau củ các loại.

Trong khi đó khả năng sản xuất nông nghiệp của Hà Nội chỉ mới đáp ứng được khoảng 70% nhu cầu thịt gia súc gia cầm, 32% cá, 60% rau củ tươi và 18% quả tươi các loại...Số thực phẩm còn lại phải trông chờ từ nguồn thực phẩm nhập khẩu, từ các tỉnh, địa phương khác cung cấp.

Do nhu cầu thực phẩm của Hà Nội đang tỷ lệ nghịch với khả năng cung ứng tại chỗ nên địa bàn thủ độ cũng được cho là vùng đang có nguy cơ cao về an toàn thực phẩm. Trong 5 năm qua (2010-2015), đã có gần 6.700 vụ vi phạm về chất lượng, an toàn thực phẩm địa phương này đã bị xử lý. Tính riêng năm 2015, cơ quan chức năng cũng đã kiểm tra xử lý tới 1.320 vụ, phạt hành chính 8,66 tỷ, trị giá hàng hóa vi phạm gần 13 tỷ.

Chi cục QLNLS&TS cho rằng do ý thức của một bộ phận người sản xuất, kinh doanh vì lợi nhuận đã vi phạm các quy định về sản xuất, kinh doanh nông lâm thủy sản an toàn, hàng hóa không có nguồn gốc xuất xứ…dẫn tới người tiêu dùng thiếu lòng tin về thực phẩm an toàn.

“Trước thực trạng trên và yêu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng, trong những năm qua việc kiểm soát chất lượng, ATTP nông lâm thủy sản tiêu thụ tại Hà Nội và nông lâm thủy sản do các tỉnh cung cấp cho Hà Nội là một trong những nhiệm vụ trọng tâm được UBND thành phố chỉ đạo các cấp, các ngành thực hiện quyết liệt nhằm đảm bảo sức khỏe cho nhân dân”- Chi cục QLNLS&TS Hà Nội nêu.

Bỏ rơi “trận địa”

Tìm hiểu của PLVN được biết, chỉ tính riêng về rau, hiện nay diện tích sản xuất đủ điều kiện an toàn thực phẩm của Hà Nội chỉ mới là 184 cơ sở với 504ha, chiếm 40% diện tích sản xuất rau toàn thành phố. Số cơ sở sơ chế, chế biến, kinh doanh đủ điều kiện an toàn thực phẩm là 125 cơ sở.

Cơ quan quản lý chất lượng nông lâm thủy cho hay, thực hiện kế hoạch của ngành về triển khai thí điểm xác nhận sản phẩm an toàn, Sở NN&PTNT đã triển khai thí điểm xác nhận sản phẩm an toàn trên địa bàn thành phố Hà Nội. Tuy nhiên, đến nay cơ quan này cũng chỉ mới đủ điều kiện cấp 5 giấy xác nhận sản phẩm an toàn cho 5 cơ sở kinh doanh với 8 điểm bày bán thuộc 3 chuỗi rau và 3 chuỗi thịt lợn trong địa bàn thủ đô.

Đánh giá về năng lực rất hạn chế của ngành nông nghiệp thủ đô trong việc đáp ứng nhu cầu thực phẩm cho người dân, tại Hội nghị triển khai chương trình phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, nâng cao đời sống nông dân giai đoạn 2016-2020, Bí thư thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải cho rằng, việc Hà Nội chỉ mới đáp ứng được khoảng 40% nhu cầu bản thân thực phẩm, về gạo chỉ có 38%, thực trạng này là điều “vô lý” cần phải được giải quyết.

Theo bí thư thành ủy Hà Nội, với những kết quả đạt được trong việc xây dựng NTM giai đoạn 2010-2015 đang tạo cơ hội cho Hà Nội tiến lên sản xuất lớn, tiến lên cơ giới hóa nông nghiệp.

“Các sản phẩm nông sản của chúng ta ở ngay cái đất Hà Nội này mà lại không có thị trường. Người ta ở xa, mất chi phí mà người ta đưa đến được còn mình ngay ở đây, thị trường lớn ở đây ,thị trường 10 triệu dân ở đây mà chưa làm được. Đây là nhiệm vụ của Ban Tái cơ cấu nông nghiệp của thành phố. Phải làm sao gắn doanh nghiệp, phải đưa doanh nghiệp vào liên kết 4 nhà, liên kết với thị trường”- Bí thư thành ủy Hà Nội nói.

Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội, Hoàng Trung Hải: “Tôi tiếp xúc cử tri, bà con đề nghị là Nhà nước phải chỉ đạo thế nào chứ bây giờ ra ngoài thực phẩm bẩn quá. Trước hết bà con phải cam kết với nhau là sản xuất sạch. Kiên quyết cái làng tôi, cái thôn tôi, cái xã tôi, cái huyện, cái tỉnh tôi không đưa ra thị trường thực phẩm bẩn. Các sản phẩm nông sản của chúng ta sản xuất ở ngay cái đất Hà Nội này mà lại không có thị trường. Người ta ở xa, mất chi phí mà người ta đưa đến được còn mình ngay ở đây, thị trường lớn ở đây ,thị trường 10 triệu dân ở đây mà chưa làm được. Đây là nhiệm vụ của Ban Tái cơ cấu nông nghiệp của thành phố. Phải làm sao gắn doanh nghiệp, phải đưa doanh nghiệp vào liên kết 4 nhà, liên kết với thị trường”.

Đọc thêm