Hà Nội: Doanh nghiệp chung chi với chính quyền để lấy “đất vàng” thế nào?

(PLO) - 56 hộ dân ở tổ 8, phường Quảng An, quận Tây Hồ, Hà Nội (HN) gửi đơn đề nghị Báo Pháp luật Việt Nam tìm hiểu việc “Doanh nghiệp (DN) và chính quyền HN chung chi hàng chục tỉ đồng để thu hồi “đất nông nghiệp vàng làm dự án”. Phóng viên đã tiếp cận khoảng 100 trang tài liệu trong hồ sơ pháp lý dự án cho  thấy việc chung chi giữa chủ đầu tư và chính quyền sắp đưa cuộc sống của 56 hộ dân đi vào bế tắc.
Những người dân bức xúc phản ánh với PV. Ảnh: Xuân Hồng
Những người dân bức xúc phản ánh với PV. Ảnh: Xuân Hồng

“Đất nông nghiệp vàng”

Theo tìm hiểu của PV, dự án “Công viên cây xanh và nhà điều hành, tổ chức sự kiện phục vụ vui chơi giải trí công cộng Tây Hồ” (gọi tắt là dự án) do Cty cổ phần đầu tư thương mại Hà Nội xanh đầu tư (gọi tắt là chủ đầu tư). Dự án này đang được chủ đầu tư và UBND quận Tây Hồ xúc tiến thu hồi, giải phóng mặt bằng khoảng 2 ha “đất nông nghiệp vàng” là kế sinh nhai của 56 hộ dân (tổ 8 (tổ 24,25 cũ), phường Quảng An, quận Tây Hồ, HN).

Làm việc với PV Báo Pháp luật Việt Nam điện tử, 56 hộ dân bức xúc: “Chúng tôi là những người nông dân trồng quất cảnh trên 2 ha đất nông nghiệp. Đất này có thể gọi là “khu đất vàng” vì nằm ở trung tâm thủ đô, có 4 mặt đường thuộc hai phố chính là Quảng An và đường Đặng Thai Mai, hai mặt tiếp giáp Hồ Tây và hồ Đầm Trị. Hiện nay, giá đất khu vực này tính theo giá thị trường (đất sử dụng làm nhà ở)  khoảng 400-500 triệu đồng/m2. “Đất vàng” không chỉ bởi giá trị giao dịch trên thị trường, mà giá trị lớn nhất là nó đảm bảo thu nhập ổn định cho 56 hộ dân chúng tôi, với hơn 100 lao động chính và hơn 300 nhân khẩu ăn theo (bao gồm cả người già và trẻ em).

Ước tính tổng thu nhập của người dân từ khu đất này hằng năm từ 6-8 tỉ đồng. Nay chúng tôi vô cùng bức xúc khi được biết có chủ đầu tư chung chi với chính quyền hàng chục tỉ đồng để thu hồi đất làm dự án, trên danh nghĩa là dự án phục vụ mục đích công cộng.

Những người dân bức xúc phản ánh sự việc với Phóng viên. Ảnh: Xuân Hồng.
Những người dân bức xúc phản ánh sự việc với Phóng viên. Ảnh: Xuân Hồng.

Dự án này không chỉ đơn thuần là công viên cây xanh, mà có xây dựng nhà điều hành, tổ chức sự kiện, phục vụ vui chơi, giải trí – làm dịch vụ, kinh doanh thương mại, nên nhà đầu tư cần thỏa thuận với dân về giá đền bù hỗ trợ, chứ không thể “núp bóng” nhà nước để thu hồi đất làm ảnh hưởng đến quyền lợi của dân. Nhưng, từ năm 2010 đến nay chủ đầu tư không tiếp xúc với dân để thỏa thuận phương án đền bù, hỗ trợ sao cho thỏa đáng, họ chỉ làm việc với chính quyền thành phố HN, quận Tây Hồ và xã Quảng An...E ngại nữa là sau này nhỡ chủ đầu tư chuyển mục đích sử dụng đất để xây công trình khác thì dân chúng tôi bằng lòng sao được, khi mà cuộc sống của 56 hộ dân chúng tôi đã bị đẩy vào con đường bế tắc”.

Đề xuất “táo bạo”?

Việc chung chi giữa chủ đầu tư và chính quyền diễn ra thế nào? PV đã tiếp cận khoảng 100 trang tài liệu trong hồ pháp lý dự án từ năm 2010 đến nay. Ngày 19.1.2011, Sở kế hoạch và đầu tư có báo cáo số 55 gửi Phó chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Văn Khôi đề nghị UBND thành phố cho phép chủ đầu tư làm dự án này. 

Căn cứ vào báo cáo số 55 của Sở KHĐT, ngày 27.1.2011, Phó Chủ tịch thành phố HN Nguyễn Văn Khôi ký công văn số 766 gửi Sở KHĐT và chủ đầu tư thống nhất về nguyên tắc xây dựng dự án nêu trên, đồng thời đề nghị chủ đầu tư liên hệ với các sở, ngành liên quan để được hướng dẫn thực hiện dự án. Có được “bảo bối”, chủ đầu tư đã làm việc với các cơ quan liên quan đến dự án. 

Mọi việc “thông đồng bén giọt”, chủ đầu tư đưa ra đề xuất “táo bạo” để xin ý kiến Sở Tài chính. Theo văn bản số 2489 ngày 16.6.2011 của Sở Tài chính thì chủ đầu tư đề xuất cơ chế thực hiện dự án như sau: “Ủng hộ toàn bộ chi phí xây dựng công viên, dự kiến là 45 tỉ đồng để đầu tư xây dựng khu công viên cây xanh và tặng lại cho thành phố HN. Ủng hộ UBND quận Tây Hồ số tiền 2 tỉ đồng; ủng hộ UBND phường Quảng An 1 tỉ đồng. Ứng vốn toàn bộ chi phí đền bù giải phóng mặt bằng cho toàn bộ diện tích dự án (2 ha). 

Chi phí giải phóng mặt bằng ứng trước này sẽ được thành phố trả lại sau hoặc cho phép nhà đầu tư thực hiện dự án khác để thu hồi số tiền giải phóng mặt bằng. Nhà đầu tư xin được sử dụng 0,2 ha để xây dựng công trình nhà điều hành và tổ chức sự kiện để thu hồi một phần kinh phí đầu tư xây dựng công viên cây xanh”.

Lý do gì khiến chủ đầu tư đề xuất bỏ 48 tỉ đồng ra để “ủng hộ” một cách  “táo bạo” như vậy?. Văn bản 722 do chủ tịch UBND quận Tây Hồ Nguyễn Phúc Quang ký ngày 21.6.2011 đã lý giải cho đề xuất chung chi của chủ đầu tư: “Đề nghị UBND thành phố xem xét duyệt cơ chế cho phép nhà đầu tư được sử dụng khoảng 10% diện tích đất của dự án (0,2ha), xây dựng một số hạng mục phục vụ kinh doanh…”.

Dự án "Đất vàng" phường Quảng An, quận Tây Hồ. Ảnh: Xuân Hồng.
Dự án "Đất vàng" phường Quảng An, quận Tây Hồ. Ảnh: Xuân Hồng.

Quyết định chung chi

Tại văn bản 2489 nêu trên, Sở Tài chính nhận xét: “Cơ chế đầu tư dự án còn phụ thuộc vào khả năng tài chính của nhà đầu tư, trong hồ sơ chưa có báo cáo năng lực tài chính nên chưa có cơ sở xem xét”. Thế nhưng, không hiểu vì lý do gì mà ngày 11.7.2011 Phó chủ tịch HN Nguyễn Văn Khôi  ký văn bản số 5736 với nội dung: “Cho phép chủ đầu tư được ứng trước toàn bộ kinh phí để thực hiện đền bù giải phóng mặt bằng khu đất thực hiện dự án theo nguyên tắc không tính lãi số kinh phí ứng trước. Kinh phí đền bù giải phóng mặt bằng sẽ được thành phố chi trả sau hoặc cho phép Cty thực hiện dự án khác để thu hồi”? Trên cơ sở văn bản số 5736 do Phó chủ tịch HN Nguyễn Văn Khôi ký (nêu trên), ngày 27.8.2013, Phó chủ tịch UBND quận Tây Hồ Đỗ Anh Tuấn ký quyết định và phương án tổng thể về việc bồi thường, hỗ trợ tái định cư dự án này, nêu rõ: “Kinh phí giải phóng mặt bằng tạm tính là 91.740.740.120 đồng…Chủ đầu tư ứng trước toàn bộ kinh phí để thực hiện đền bù GPMB. Kinh phí đền bù GPMB sẽ được thành phố chi trả sau hoặc cho phép Cty thực hiện dự án khác để thu hồi…”.

Trao đổi với PV, chuyên gia tài chính phân tích, có hai tình huống đặt ra.

Thứ nhất, nếu kinh phí đền bù GPMB được thành phố chi trả sau,  nghĩa là dự án có sử dụng vốn nhà nước, và như vậy chủ đầu tư không mất kinh phí đền bù GPMB mà lại được hưởng lợi ích kinh doanh trên 0,2 ha “đất vàng”.

Thứ 2, nếu cho phép Cty (chủ đầu tư) thực hiện dự án khác để thu hồi tiền đã ứng trước, thì hóa ra cơ nghiệp của người nông dân đang được đặt lên “bàn cân” lợi ích của DN với chính quyền? Chuyên gia tài chính phân tích thêm, dân được đền bù GPMB hơn 91 tỉ đồng chỉ tương đương với 10 năm lợi nhuận, còn cơ nghiệp sản xuất nông nghiệp trên 2 ha “đất vàng” thì mất vĩnh viễn, vậy nên nhà nước và chủ đầu tư cần xem xét việc đền bù GPMG để đảm bảo đời sống của 56 hộ dân không rơi vào bế tắc.

Đọc thêm