Hà Nội: Thế “kẹt” khiến UBND chậm sửa sai quyết định 5269

(PLVN) - Phó Chủ tịch Nguyễn Quốc Hùng nghỉ hưu ngay sau khi ký quyết định gây tranh cãi; lãnh đạo 2 Sở tham mưu cho ông Hùng ra quyết định thì được bổ nhiệm làm Phó Chủ tịch. Tình huống tế nhị này đặt ra câu hỏi, nếu các ông Phó Chủ tịch mới được bổ nhiệm này nhận thấy quyết định mà chính họ đã tham mưu không đúng thì họ có dám sửa sai?

Sự trớ trêu này khiến doanh nghiệp bị thiệt hại có thể phải cầu cứu đến Chủ tịch UBND TP và Bí thư Thành ủy TP Hà Nội hoặc các cơ quan của Chính phủ để xem xét quyền lợi chính đáng bởi một điều đáng lo ngại rằng, những người từng tham mưu cho ông Nguyễn Quốc Hùng rất khó khăn khi sửa quyết định mà họ đã tham mưu. Như vậy, quyền lợi hợp pháp của doanh nghiệp khó lòng được bảo vệ.

Trở lại nội dung sự việc, ngày 25/11/2020, ông Nguyễn Quốc Hùng, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội ký quyết định số 5269 về việc điều chỉnh quyết định số 3128 ngày 31/7/2008 của UBND tỉnh Hà Tây (cũ) thu hồi và giao hơn 182ha đất cho Công ty cổ phần Phát triển địa ốc Cienco 5 để thực hiện dự án Khu đô thị Mỹ Hưng tại huyện Thanh Oai. Đây là dự án hoàn vốn đầu tư của dự án đường trục phía Nam tỉnh Hà Tây được thực hiện theo hợp đồng BT do Công ty cổ phần Phát triển địa ốc Cienco 5 thực hiện.

Sau 12 năm thực hiện quyết định này, theo tham mưu của Sở Tài nguyên và Môi trường, có ý kiến của Sở Kế hoạch và Đầu tư, UBND TP Hà Nội đã ban hành quyết định 5269 để “điều chỉnh” quyết định 3128, thay tên đơn vị khác vào vị trí đơn vị được giao đất.

Từ vị trí "cơ quan tham mưu", ông Nguyễn Trọng Đông đã được bầu vào vị trí "giải quyết khiếu nại"
 Từ vị trí "cơ quan tham mưu", ông Nguyễn Trọng Đông đã được bầu vào vị trí "giải quyết khiếu nại"

Thực chất của việc “điều chỉnh” này là lấy 182ha đất của Công ty cổ phần Phát triển địa ốc Cienco 5 giao cho Tổng Công ty công trình giao thông 5 – CTCP.

Không bàn đến những thiệt hại mà Công ty cổ phần Phát triển địa ốc Cienco 5 phải gánh chịu trước quyết định không có tiền lệ này, việc ban hành Quyết định 5269 đã khiến nhiều quy định của pháp luật bị qua mặt.

Cụ thể, với việc ra quyết định 5269, Tổng Công ty công trình giao thông 5 bỗng nhiên được giao 182ha mà không mất các thủ tục hành chính phức tạp trong lĩnh vực đất đai và đầu tư, những thủ tục mà doanh nghiệp có thể phải mất không ít thời gian, công sức và chi phí.

Cũng với cách làm này, thẩm quyền của Thường trực Thành ủy TP Hà Nội trong việc xem xét chủ trương giao đất cho doanh nghiệp thực hiện dự án cũng mặc nhiên bị bỏ qua. Theo một số doanh nghiệp bất động sản cho biết, để xin được một dự án đầu tư bất động sản có sử dụng quỹ đất nông nghiệp lên đến 182ha thì phải có sự đồng ý về chủ trương từ phía Thành ủy. Liệu đây có phải cách làm tắt tối ưu để vượt qua các quy định của pháp luật và sự lãnh đạo của cấp ủy địa phương.

Để ban hành quyết định 5269, Sở Tài nguyên và Môi trường TP Hà Nội đã 4 lần có Tờ trình gửi UBND TP Hà Nội đề nghị “điều chỉnh” tên chủ sử dụng đất. Trong đó, đến 2 lần ông Nguyễn Trọng Đông, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường là người ký các tờ trình.

Sau khi ký quyết định 5269 để Tổng Công ty công trình giao thông 5 nghiễm nhiên được 182ha đất, ông Nguyễn Quốc Hùng nghỉ hưu. Như vậy, ông Nguyễn Quốc Hùng cũng không phải sửa sai, nếu quyết định này được xác định là sai. Vì, đây là quyết định của UBND TP Hà Nội, không phải quyết định của ông Hùng.

Sau khi tham mưu thành công quyết định 5269, ông Nguyễn Trọng Đông, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội được HĐND Thành phố bầu giữ chức Phó Chủ tịch, và được phân công phụ trách lĩnh vực đất đai.

Hiện nay ông Nguyễn Trọng Đông là lãnh đạo UBND TP Hà Nội trực tiếp xem xét, giải quyết khiếu nại của doanh nghiệp đối với chính quyết định mà trước đó ông đã ký trình, tham mưu cho lãnh đạo UBND TP Hà Nội. Tình huống này đặt ra lo lắng rằng, ông Nguyễn Trọng Đông sẽ bị xung đột vai trò vì rơi vào tình huống “vừa đá bóng, vừa thổi còi”.

Trong các tờ trình của Sở Tài nguyên và Môi trường do ông Nguyễn Trọng Đông ký, lý do đề nghị “điều chỉnh” quyết định 3128 được nêu ra là căn cứ vào ý kiến của cơ quan An ninh điều tra; căn cứ vào thỏa thuận giữa 2 doanh nghiệp về việc để Tổng công ty Công trình giao thông 5 thực hiện phân đoạn 2 dự án đường trục phía Nam (Hà Tây) và dự án Khu đô thị Mỹ Hưng. Tuy nhiên, các chuyên gia pháp luật đã xem xét và cho rằng, đây không phải là các căn cứ pháp lý.

Để tránh quyền lợi của doanh nghiệp bị vi phạm do tình huống tế nhị có liên quan đến công tác cán bộ của TP Hà Nội, có lẽ Lãnh đạo Thành ủy và UBND TP Hà Nội cần quan tâm đến vụ việc này một cách có trách nhiệm và giải quyết nỗi băn khoăn, trăn trở của doanh nghiệp một cách công bằng; đảm bảo sự thượng tôn pháp luật của chính quyền Thủ đô.

Báo Pháp luật Việt Nam sẽ thông tin về vấn đề này trong các số báo tiếp theo.

Đọc thêm