Hải Dương: Tỉnh ra văn bản “vênh” nhau, người làm gạch “chết đứng”

(PLO) - Những ngày khu vực Bắc bộ bị ảnh hưởng nặng nề bởi cơn bão số 3 thì trong lòng những chủ cơ sở lò gạch liên tục kiểu đứng ở tỉnh Hải Dương cũng ngổn ngang trăm mối bởi vướng phải “cơn bão tháng 8”. 
Lò gạch của HTX 19/8 hiện đang đắp chiếu, xã viên kêu cứu
Lò gạch của HTX 19/8 hiện đang đắp chiếu, xã viên kêu cứu

Đó là Thông báo số 274 ngày 5/8/2016 của Ban thường vụ Tỉnh ủy Hải Dương và Thông báo số 1992 ngày 11/8/2016 của UBND tỉnh Hải Dương với nội dung cốt yếu “cho dừng hoạt động tất cả các lò gạch liên tục kiểu đứng”.

Theo người dân, “cơn bão tháng 8” rất lợi hại vì nó tác động trực tiếp đến đời sống của hơn 5.000 lao động đang ở độ tuổi 45-60 trên địa bàn tỉnh và có thể khiến nhiều chủ cơ sở rơi vào tình thế trắng tay khi chưa kịp thu hồi vốn đầu tư. 

Vừa đồng ý cho sản xuất theo lộ trình lại ra quyết định dừng hoạt động...

Trong đơn gửi Báo PLVN, chủ tịch Hiệp hội Gạch công nghệ lò đứng Hải Dương trình bày: Theo quyết định của UBND tỉnh, tất cả các lò gạch thủ công đã chuyển sang sử dụng công nghệ lò gạch kiểu đứng từ năm 2006, đến năm 2010 thì chấm dứt toàn bộ các lò gạch thủ công với các mức đầu tư đều trên 7 tỷ đồng, cá biệt có những cơ sở đầu tư đến gần 20 tỷ đồng. Trong khi năng suất của lò đứng không cao, chỉ từ 1-2 vạn gạch/ ngày, do vậy thời gian khấu hao tài sản phải mất ít nhất 15 năm. 

Tuy nhiên đến ngày 15/3/2011, UBND tinh lại ra Quyết định số 661/QĐ-UBND cho phép các cơ sở sản xuất lò gạch kiểu đứng được hoạt động đến hết ngày 31/12/2015. Sau khi nhận được quyết định này, Hiệp hội Gạch công nghệ lò đứng Hải Dương đã có văn bản kiến nghị UBND tỉnh và các ban ngành xem xét, rà soát lại toàn bộ các cơ sở sản xuất lò gạch kiểu đứng. Đồng thời các chủ cơ sở sản xuất cũng gửi đơn tới lãnh đạo cao nhất tỉnh và các ban ngành với đề nghị xem xét cho phép họ được tiếp tục sản xuất tạm thời đến năm 2020. 

Sở Xây dựng đã vào cuộc, tiến hành kiểm tra toàn bộ lò gạch kiểu đứng và gửi kết quả cho UBND tỉnh. Sau khi có kết quả báo cáo của Sở Xây dựng Hải Dương, Văn phòng UBND tỉnh ra thông báo số 71/TB-VP ngày 6/5/2016 về việc thông báo kết luận của Chủ tịch UBND, có ghi rõ: UBND tỉnh đồng tình với đề xuất của Sở Xây dựng (phương án 3 trong báo cáo số 09/BC-SXD ngày 14/3/2016). 

Theo đó, phương án 3 được Sở Xây dựng trình bày cụ thể như sau: Đề nghị UBND tỉnh cho phép 85 cơ sở sản xuất lò gạch đứng có đủ điều kiện pháp lý do UBND các huyện đã cấp và một số lò sau khi tạm dừng xử lý, nếu đủ điều kiện thì được tiếp tục giải quyết tồn tại, do việc các huyện đã phê duyệt dự án, cho thuê đất quá thời hạn theo Quyết định số 661. Thời gian giải quyết tồn tại tối đa theo lộ trình của Chính phủ (theo Quyết định số 1469/QĐ-Ttg), tức là đến năm 2018 đối với vùng đồng bằng trung du.

Nhận được thông báo này, các cơ sở lò gạch kiểu đứng đã đầu tư thêm máy móc thiết bị để tăng tốc sản xuất, kịp thu hồi vốn và tăng thu nhập cho hơn 5.000 lao động ở độ tuổi 45-60, đang là trụ cột trong các gia đình trên địa bàn tỉnh.

Nhưng máy móc thiết bị chưa kịp đưa vào hoạt động, những “cơn bão tháng 8” (là Thông báo số 274 ngày 5/8/2016 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hải Dương và Thông báo số 1992 ngày 11/8/2016 của UBND tỉnh Hải Dương với nội dung cốt yếu “cho dừng hoạt động tất cả các lò gạch liên tục kiểu đứng”) đã lại ban hành khiến các chủ cơ sở sản xuất và người lao động như ngồi trên đống lửa vì lo lắng cho số phận của mình. 

Anh Nguyễn Danh Thưởng lo lắng về số tiền mới bỏ ra đầu tư sau Thông báo số 71, ngày 6/5/2016 của UBND tỉnh Hải Dương
Anh Nguyễn Danh Thưởng lo lắng về số tiền mới bỏ ra đầu tư sau Thông báo số 71, ngày 6/5/2016 của UBND tỉnh Hải Dương

Người dân thống thiết kêu cứu 

Thông báo số 71/TB-VP ngày 6/5/2016 như một cơn gió mát lành thổi qua các cơ sở sản xuất lò gạch kiểu đứng. Ngay lập tức, các chủ cơ sở tiến hành mở rộng sản xuất, tiêu biểu như Hợp tác xã (HTX) 19/8 huyện Chí Linh đầu tư máy ép gạch 500 triệu đồng, cơ sở sản xuất của ông Hoàng Thế Nhiên, Nguyễn Danh Thưởng đều đầu tư thêm nhiều tỉ đồng cho máy móc thiết bị để chạy đua cho kịp lộ trình cho phép của Chính phủ. 

Nhưng máy móc chưa kịp về đến cơ sở sản xuất thì các chủ cơ sở lại nhận được Thông báo số 274 ngày 05/8/2016 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về việc chấm dứt hoạt động của lò gạch kiểu đứng. Sau đó, ngày 11/8/2016 UBND tỉnh cũng ra Thông báo số 1992 chấm dứt hoạt động sản xuất gạch đất sét nung bằng lò thủ công, trong đó yêu cầu chấm dứt ngay các hoạt động sản suất các lò gạch thủ công bao gồm lò liên tục kiểu đứng, trong khi lò gạch kiểu đứng vẫn nằm trong lộ trình được hoạt động theo Quyết định số 1469/QĐ-Ttg ngày 22/8/2014.

Ông Vũ Văn Triều, chủ nhiệm HTX 19/8 cho biết, số tiền mà HTX đầu tư mua thêm máy ép gạch là số tiền do các xã viên chấp nhận thế chấp sổ đỏ ngân hàng để vay vốn mua thiết bị. “Bây giờ máy ép gạch đắp chiếu, làm sao chúng tôi kịp có doanh thu chia lợi nhuận cho các xã viên để họ có thể lấy lại sổ đỏ của mình”? Thực tế, sau cơn bão số 2, cơ sở sản xuất của HTX 19/8 tơi tả do ảnh hưởng của bão nhưng “cơn bão số 8” mới là cơn bão đã “đánh gục” ông Triều, khiến ông không còn lòng dạ nào để sửa chữa cơ sở sản xuất của HTX. 

Anh Nguyễn Danh Thưởng (thôn Tứ Cường, xã Phượng Hoàng, huyện Thanh Hà) bày tỏ lo lắng về số tiền đã đầu tư và số thiết bị đã tập kết tại cơ sở sản xuất nhưng chưa được sử dụng. Chỉ vào đống thiết bị vừa mua về, anh Thưởng với tâm lý bất an cho biết “Nếu buộc lòng phải đóng cửa sản xuất thì chúng tôi cũng chấp nhận, miễn là tỉnh phải đền bù cho những thiệt hại mà chúng tôi đã bỏ ra để đầu tư sau Thông báo số 71”. 

Tiếp xúc với các chủ cơ sở sản xuất, hầu hết đều khẳng định khu nguyên liệu của họ được quy hoạch phục vụ cho sản xuất đều có thể đáp ứng được khoảng 10-20 năm nữa. Hơn nữa, các cơ sở sản xuất này sử dụng khoảng 5.000 lao động, tuổi từ 45-60 với mức lương trung bình từ 3,5-4,5 triệu đồng/tháng. Vậy số tiền họ đã bỏ ra đầu tư cùng với khoảng hơn 5.000 lao động phổ thông có nguy cơ thất nghiệp, không biết các cơ quan lãnh đạo cao nhất của tỉnh Hải Dương có nghĩ đến khi ban hành các thông báo nêu trên? 

Đọc thêm