Hải Phòng: Dấu hiệu oan sai vụ Giám đốc bị cáo buộc “lừa đảo” bán nhà, đất

(PLVN) - Do nợ tiền và muốn vay tiếp, Nguyễn Thành Lân đã dùng tư cách là Giám đốc Cty CP Thoát nước và Vệ sinh để ký Hợp đồng bán nhà, đất cho bà Hoàng Thị Hà (cán bộ công an). Cho rằng căn nhà trên đã được Cty cho người khác “góp vốn”, CQĐT và VKSND TP Hải Phòng đã cáo buộc Lân về hành vi  “lừa đảo chiếm đoạt tài sản” và “lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản”. 
Chủ tọa phiên tòa công bố Quyết định hoãn phiên tòa sơ thẩm ngày 9/5
Chủ tọa phiên tòa công bố Quyết định hoãn phiên tòa sơ thẩm ngày 9/5

Tuy nhiên, gia đình Lân khẳng định việc ký Hợp đồng mua bán nhà, đất là giả cách vì mục đích thực sự là để đảm bảo khoản nợ của Lân với Hà. Hơn nữa, lúc ký hợp đồng, căn nhà vẫn thuộc sở hữu của Cty nên Lân có toàn quyền ký hợp đồng góp vốn /chuyển nhượng căn nhà này cho khách hàng là bà Hoàng Thị Hà.

Chuyển nhượng nhà, đất đã cho người khác “góp vốn”

Theo cáo trạng của VKSND TP Hải Phòng, vào năm 2008, Cty CP Thoát nước và Vệ sinh (Cty) được UBND TP Hải Phòng cấp Giấy chứng nhận đầu tư xây dựng khu nhà ở thương mại tại 28 (nay là 81) Thiên Lôi, quận Lê Chân. 

Vào thời điểm tháng 10/2009, Cty đã ký hợp đồng về việc góp vốn đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng với ông Nguyễn Bá Cường (anh trai Lân). Theo đó, ông Cường góp 525 triệu và được Cty đồng ý chuyển nhượng quyền sử dụng đất thửa số 17 lô N0-05. Đến năm 2010, ông Cường đã nộp 95% giá trị hợp đồng góp vốn và được Cty giao mặt bằng để xây dựng nhà.

Tương tự, vào tháng 7/2010, Cty đã ký hợp đồng góp vốn với ông Đỗ Quang Thụy và đồng ý chuyển nhượng cho ông này thửa đất số 09 lô N0-04. Mặc dù 2 thửa đất trên đã được Cty ký hợp đồng góp vốn với ông Cường và ông Thụy nhưng quá trình làm Giám đốc Cty (từ tháng 7/2011 đến cuối năm 2014), Lân tiếp tục ký các hợp đồng bán nhà, góp vốn, chuyển quyền chuyển nhượng quyền sử dụng 2 lô đất nêu trên cho nhiều người. 

VKSND TP Hải Phòng cáo buộc Lân có hành vi  “lừa đảo chiếm đoạt tài sản (3,2 tỷ đồng, tương ứng với số tiền nhận sau khi ký hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất) và “lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản” (tương ứng số tiền nhận trước khi ký hợp đồng).

Quan hệ mua bán nhà đã bị “hình sự hóa”?

Trong vụ việc với bà Hà, Cáo trạng cho rằng, mặc dù biết căn nhà 17, lô N0-05 thuộc sở hữu hợp pháp của anh Cường nhưng Lân đã dùng thủ đoạn gian dối, ký hợp đồng bán căn nhà này cho bà Hà để chiếm đoạt 400 triệu đã nhận và nhận thêm 700 triệu.

Phản đối cáo buộc này, ông Nguyễn Bá Cần (SN 1941, bố bị can Lân) cho rằng, việc CQĐT và Viện kiểm sát coi căn nhà 17, lô N0-05 đã thuộc sở hữu hợp pháp của anh Cường là không đúng quy định của Bộ luật Dân sự và các quy định liên quan đến đầu tư, kinh doanh bất động sản.

Khẳng định, đối tượng của hợp đồng góp vốn giữa Cty và ông Cường năm 2009 là “tài sản hình thành trong tương lai” và bản chất của hợp đồng này là việc Cty “hứa bán” và “giữ chỗ” cho ông Cường thửa số 17 lô N0-05.

Vì vậy, dù đến năm 2011, ông Cường đã nộp tiền góp vốn tương đương 95% giá trị lô đất thì thủ tục chuyển nhượng nhà, đất giữa Cty và ông Cường vẫn chưa hoàn tất. Hai bên chưa làm thủ tục để ông Cường chính thức đứng tên nhà, đất.

Điều này đồng nghĩa với việc, Lân (đại diện Cty) ký hợp đồng chuyển nhượng nhà đất cho chị Hà là hợp pháp vì lúc này, đối tượng chuyển nhượng vẫn thuộc sở hữu của Cty, Cty có toàn quyền định đoạt.

Nếu chị Hà không được giao nhà theo hợp đồng hay có các tranh chấp khác thì có thể khởi kiện vụ án dân sự chứ không thể “hình sự hóa” những tranh chấp này. Hơn nữa, việc quy kết Lân có hành vi gian dối cũng là khiên cưỡng bởi chị Hà (là cán bộ công an TP Hải Phòng) chắc chắn phải biết rằng, nếu ký hợp đồng nhận chuyển nhượng nhà, đất với Cty thì phải chuyển tiền vào tài khoản Cty hay nộp tiền cho bộ phận thủ quỹ Cty để lấy phiếu thu hoặc hóa đơn theo quy định.

Nhưng điều vô lý là khi giao tiền “mua nhà”, bà Hà lại chấp nhận cho Lân viết “giấy vay tiền” với tư cách cá nhân. Như vậy, không thể coi tiền vay cá nhân là khoản tiền mua nhà của Cty được.

Ngay bản Cáo trạng cũng thừa nhận các giấy nhận tiền do bà Hà cung cấp đều thể hiện Lân vay tiền của bà Hà. Lân khẳng định quan hệ vay tiền này và khai rằng, sau khi vay 400 triệu thì bà Hà yêu cầu phải có tài sản thế chấp thì mới cho vay thêm. Vì vậy, Lân mới ký hợp đồng chuyển nhượng nhà đất cho bà Hà.

Trước những chứng cứ này, ông Cần cho rằng Hợp đồng chuyển nhượng nhà đất giữa Cty và chị Hà là giả tạo và chỉ để “làm tin” trong quan hệ vay mượn tiền. Chứng minh khẳng định này, ông Cần đã gửi đến CQĐT Công an TP Hải Phòng dữ liệu âm thanh được cho là cuộc nói chuyện điện thoại giữa con trai ông và bà Hà vào năm 2014 (tức hơn 2 năm sau khi hai bên ký hợp đồng chuyển nhượng nhà đất).

Theo nội dung ghi âm thì hai bên thừa nhận có vay nợ với nhau.Trong khi giọng nữ yêu cầu Lân trả hết tiền và có thể bớt 100 chứ không thể trả dần thì giọng nam nói không có đủ 600 mà chỉ có 300 thôi. …

Tuy nhiên, CQĐT chỉ trưng cầu giám định để diễn giải nội dung cuộc nói chuyện dưới dạng văn bản. Chính vì vậy, gia đình Lân vẫn tiếp tục đề nghị cơ quan tiến hành tố tụng trưng cầu giám định để xác định thời điểm ghi âm cũng như không giám định giọng nói nữ giới, nam giới có phải là của bà Hà và Lân hay không. 

Xuất hiện thêm nội dung ghi âm điện thoại mới

Tại phiên tòa sơ thẩm ngày 9/5 vừa qua, bà Hà đã vắng mặt không có lý do. Nhận thấy sự có mặt của bà Hà cũng như của một số đương sự khác là cần thiết để làm sáng tỏ vụ án, HĐXX TAND TP Hải Phòng đã quyết định hoãn phiên tòa.

Cũng tại phiên tòa này, gia đình bị cáo Lân đã cung cấp cho HĐXX dữ liệu âm thanh mà họ cho là nội dung trao đổi qua điện thoại giữa điều tra viên của vụ án với Lân khi vụ án chưa được khởi tố. Theo đó, Lân bị dọa phải nộp 500 triệu, nếu không sẽ bị “nhập kho” (tức bắt giam).

Từ nội dung này, các LS bào chữa cho Lân đã đề nghị HĐXX triệu tập điều tra tham gia phiên tòa nhằm làm rõ nội dung ghi âm trên cũng như làm rõ nhiều chứng cứ khác, đảm bảo vụ án được xét xử một cách khách quan, toàn diện.

Đọc thêm