Hải Phòng: Nhiều vấn đề cần làm rõ trong vụ án chia di sản ở Lê Chân

(PLO) - Đã sử dụng đất ổn định nhiều năm, nhưng bỗng nhiên thửa đất của gia đình anh Nguyễn Văn Thắng bị mang ra chia thành nhiều phần vì bị coi là di sản của ông bà nội anh để lại. Nhiều vấn đề mà cấp phúc thẩm cần làm rõ khi bản án sơ thẩm bị “tố” là không khách quan.
Căn nhà gia đình anh Thắng đang sử dụng bị tranh chấp thừa kế.
Căn nhà gia đình anh Thắng đang sử dụng bị tranh chấp thừa kế.

“Bỗng dưng” bị đòi nhà

Theo hồ sơ vụ án mà TAND quận Lê Chân đã xét xử sơ thẩm thì vợ chồng cụ Nguyễn Văn Lại sinh được 8 người con. Khi mất, vợ chồng cụ Lại đã không để lại di chúc về tài sản cho các con. Vì vậy, các con của hai cụ đã phát sinh tranh chấp di sản thừa kế mà hai vợ chồng cụ Lại để lại.

Để giải quyết tranh chấp, bảy con của vợ chồng cụ Lại đã có đơn khởi kiện, yêu cầu chia thừa kế đối với khối di sản hơn 92m2 đất thổ cư tại số 8, phố Hoàng Minh Thảo, phường Dư Hàng Kênh, quận Lê Chân, TP Hải Phòng do anh Nguyễn Văn Thắng, cháu nội của vợ chồng cụ Lại đang quản lý sử dụng.

Bản án sơ thẩm của TAND quận Lê Chân xác định công sức tu tạo của vợ chồng anh Thắng  đối với tài sản đang tranh chấp gồm có tiền san nền, dựng lán, làm cửa, đóng thuế nhà nước có giá trị là 197.000.000đ và buộc vợ chồng anh Nguyễn Văn Thắng phải trả lại hơn 92m2 đất và nhà ở để phân chia di sản thừa kế cho các con của vợ chồng cụ Lại.

Ngoài ra, khi xác định giá trị tài sản tranh chấp, giữa các nguyên đơn và bị đơn cũng có những bất đồng sâu sắc. Phía bị đơn đưa ra giá trị tài sản chỉ khoảng 1,4 tỷ đồng. Ngược lại, các nguyên đơn lại cho rằng, căn nhà cấp 4 trên diện tích hơn 92m2 có giá trị là 4 tỷ đồng. Tòa án cấp sơ thẩm phán quyết giá trị tài sản tranh chấp bằng việc “cộng” rồi chia đôi hai con số mà nguyên đơn và bị đơn đưa ra. 

Ngoài các lý do trên, bị đơn cho rằng bản án sơ thẩm không công bằng, thiếu khách quan, quá trình xét xử không xem xét đúng bản chất sự việc khi không xem xét các tài liệu cho thấy, thửa đất đã được chia cho bố anh khi cụ Lại còn sống và nay đã không còn là di sản. Theo trình bày của anh Thắng, tài sản tranh chấp mà vợ chồng anh đang quản lý, sử dụng là tài sản của ông Thìn, bố đẻ của anh và là con trai cả của vợ chồng cụ Lại. Do ông Thìn là con trưởng nên được vợ chồng cụ Lại chia đất từ năm 1992 để ở và thờ cúng. Sau đó, năm 2003, ông Thìn đã chia cho anh Thắng thửa đất này.

Trước đây, vị trí đất này sát bờ mương nước thối, vợ chồng anh đã cải tạo, xây dựng nhà và sống ổn định từ đó đến nay không ai có ý kiến gì. Nhưng từ khi thành phố cho lấp mương mở đường thì nhà anh bỗng nhiên thành nhà mặt đường có giá trị kinh tế lớn, bảy anh em của bố anh “bỗng dưng” đòi nhà.

Theo anh Thắng, nếu coi thửa đất mà anh đang sử dụng là di sản thì toàn bộ 368m2 đất  ở khi còn sống vợ chồng cụ Lại đã chia đất cho các con đều phải được coi là di sản. Nếu phải chia thì tất cả phần đất của vợ chồng cụ Lại đều phải được xác định là di sản và đem ra chia, đâu chỉ riêng phần đất mà gia đình anh đang sử dụng?

Nhiều vấn đề cần phải làm rõ

Trong “biên bản họp gia đình” ngày 11/8/2003 của gia đình ông Thìn phản ánh việc ông Thìn đã chia cho phần nhà và đất hiện đang tranh chấp cho anh Thắng. Cuối biên bản họp này đã có chữ ký của các nguyên đơn như là người làm chứng cho việc chuyển đất từ ông Thìn sang con trai là anh Thắng. Liệu đây có phải là một chứng cứ cho thấy, các nguyên đơn cũng đã thừa nhận diện tích đất có tranh chấp là tài sản của ông Thìn và những điều anh Thắng khẳng định là đất đã được chia là có cơ sở?

Ngoài ra, trong nội dung đơn xin chia tách đất cho con ngày 5/8/1992, cụ Lại đã chia tài sản đang tranh chấp cho ông Thìn. Nhưng Tòa án sơ thẩm cho rằng tờ đơn chia đất của hai cụ không có chứng thực của UBND xã, nguyên đơn không thừa nhận chữ ký, chữ viết của mình, tờ đơn không có giá trị pháp lý về quyền sở hữu. Điều này có phản ánh thực tế là tài sản đã được vợ chồng cụ lại định đoạt khi còn sống. Đây là bằng chứng cho thấy tài sản tranh chấp đã không còn là di sản?

Theo sổ mục kê và bản đồ của Văn phòng đăng ký đất đai quận Lê Chân, năm 1990 thể hiện 268m2 đất thổ cư mang tên cụ Lại nhưng sau đó  tách thành 4 thửa. Thửa đất hơn 79m2 tại số 10 Hoàng Minh Thảo, Lê Chân mang tên ông Nguyễn Văn Ngọc; thửa đất hơn 75m2 tại số 6A, 6B đường Hoàng Minh Thảo mang tên ông Nguyễn Văn Tám và thửa đất hơn 39m2 tại số 2 Hoàng Minh Thảo mang tên  bà Hoa. Đây là một chứng cứ cho thấy các cụ đã chia đất cho các con ngay từ khi còn sống. 

Đối với thửa đất hơn 92m2 tại số 34 Hoàng Minh Thảo đang có tranh chấp thì cũng đã mang tên anh Thắng trong một thời gian khá dài, phản ánh quá trình các đương sự chuyển quyền sử dụng đất cho anh Thắng mà không phát sinh tranh chấp. Đó là quá trình được các đương sự xác nhận một cách tự nguyện trong các giấy tờ phân chia đất đai. Tại sao TAND quận Lê Chân vẫn coi diện tích đất đã chuyển quyền trong thực tế là di sản của cụ Lại, đó là câu hỏi cần lời giải đáp.

Theo Luật sư Lê Văn Kiên (Văn phòng Luật sư Ánh Sáng Công Lý), thì vụ việc này cần xem xét một cách khách quan, toàn diện đối với quá trình sử dụng đất của các đương sự để xác nhận ý chí thực tế của người có tài sản. Trên cơ sở đó, Tòa án sẽ xem xét tài sản tranh chấp có phải là di sản hay không. Theo tập quán, khi còn sống, các cụ thường chia đất cho con cái để làm nhà ở và làm thủ tục ở cấp xã. Những thay đổi, biến động đất đai này thường được thể hiện trong đơn, sau đó được cấp xã lập hồ sơ. Ở mỗi địa phương, cách xử lý giấy tờ có khác nhau nhưng đều dựa vào đơn của chủ sử dụng đất để xác lập hồ sơ. 

Do vậy, căn cứ vào đơn của chủ sử dụng đất thì có thể thấy, chủ sử dụng đất đã định đoạt tài sản khi còn sống nên mặc dù thủ tục có thể chưa đầy đủ nhưng giao dịch dân sự đã thực hiện xong thì không thể hủy bỏ giao dịch đó để coi tài sản đã thuộc quyền sử dụng của người khác là di sản. Đó là vấn đề “nóng” nhất dẫn đến sự vướng mắc của nhiều vụ án phân chia di sản thừa kế hiện này.

Bỗng nhiên bị Tòa mang đất ở ra chia di sản chỉ vì nguồn gốc đất là của ông bà nội, anh Thắng rất bất bình nên đã kháng cáo để TAND TP Hải Phòng xét xử phúc thẩm. Liệu những vấn đề nổi cộm trong vụ án có được cấp phúc thẩm xem xét giải quyết hợp lý, hợp tình để tránh cho những mâu thuẫn gia đình gia tăng theo giá trị của thửa đất? 

Đọc thêm