Hàng trăm hộ dân chật vật sống trong khu “ổ chuột” giữa lòng Hà Nội

(PLVN) - Nhiều năm nay, khu dân cư ngõ 129 Đại Linh, phường Trung Văn, quận Nam Từ Liêm, TP. Hà Nội được ví như khu “ổ chuột” giữa lòng Thủ đô, với nhiều căn nhà hư hỏng, xuống cấp, dột nát, thậm chí có những công trình có nguy cơ đổ sụp, do những bất cập trong cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất khiến các công trình không thể xây sửa.
Tình trạng xập xệ, xuống cấp của các căn nhà tại khu vực ngõ 129 Đại Linh.
Tình trạng xập xệ, xuống cấp của các căn nhà tại khu vực ngõ 129 Đại Linh.

Cuộc sống 30 năm không “sổ đỏ”

Chỉ cách Trung tâm Hội nghị Quốc gia chừng 2km, thế nhưng trái ngược với những công trình kiên cố, hiện đại là cảnh tượng khu dân cư tại ngõ 129 Đại Linh với hàng loạt ngôi nhà lụp xụp, tạm bợ, nhiều căn nhà xiêu vẹo dường như chờ sụp đổ, đường xá nhếch nhác.

Theo quan sát của phóng viên, tại một số ngôi nhà, nhiều bức tường bị nứt toác. Có nhiều đoạn vết hở của khe tường rộng đến cả 10cm. Đa số các ngôi nhà ở đây đều đã được xây dựng từ lâu, đã xuống cấp trầm trọng, nhưng người dân chưa được cho phép nâng cấp, sửa chữa. Còn những căn tương đối mới thì được xây dựng theo kiểu chắp vá, tạm bợ, căn thì chỉ có tường bao lợp mái tôn, căn thì chỉ dựng khung sắt và lắp mái tôn.

Những ngày nắng nóng, cái óng về trưa nắng càng gay gắt hơn trong những căn nhà được quây kín bằng tấm tôn hay tấm lợp fibro xi măng, hơi nóng phả ra từ những tấm tôn nóng bỏng. Còn những ngày mưa, nước từ khắp nơi chảy tràn vào nhà, từ ngoài cửa, từ khe tường và từ mái nhà.

Chia sẻ về cảnh sống khó khăn tại đây, bà Văn Thị Thu Kiều cho biết: “Nhiều hộ chúng tôi ở đây đã trên dưới 30 năm, nhiều căn nhà đã quá hư hỏng. Chúng tôi chỉ muốn cải tạo, sửa chữa để có chỗ che mưa, che nắng nhưng đều bị phường xuống lập biên bản, yêu cầu phá dỡ. Những hôm mưa lớn, chúng tôi chỉ biết ở trong nhà lấy chậu hứng nước mưa. Ngồi trong nhà mà cứ như ngồi ngoài trời vậy”.

Cùng tâm tư với bà Kiều, một cụ ông ngoài 70 tuổi cho biết thêm: “Gia đình tôi sống ở đây đến nay là có 4 thế hệ. Thế nhưng, chúng tôi vẫn chưa được chính quyền công nhận quyền sử dụng đất, thế nên chúng tôi có muốn xây dựng ngôi nhà cho các con, các cháu làm chỗ chui ra chui vào cũng không được. Chúng tôi ăn đời ở kiếp ở khu vực này, nhu cầu phải có chỗ ở là nguyện vọng chính đáng và cấp bách”.

Để giải quyết nhu cầu thiết yếu về chỗ ở, người dân nơi đây nhiều lần làm đơn lên UBND phường, quận đề nghị cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất từ đó làm căn cứ xin giấy phép xây dựng, nhưng đều bị từ chối.

Cái vòng luẩn quẩn xuất phát từ tờ giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đã khiến người dân nơi đây nhiều năm phải chịu cảnh sống khốn khổ. Bản thân họ cũng không biết đến bao giờ họ mới thực sự được có căn nhà tử tế kiên cố, để dù đêm mưa vẫn được ngủ ngon, ngày rét vẫn được ở ấm.

Tường nhà nứt toác nhưng người dân chưa được phép xây sửa lại.
Tường nhà nứt toác nhưng người dân chưa được phép xây sửa lại.

Từ chối cấp “sổ đỏ” có thuyết phục?

Gần đây, hàng chục hộ dân tại khu dân cư ngõ 129 Đại Linh (Trung Văn - Nam Từ Liêm nộp hồ sơ xin cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất tại chính quyền địa phương, nhưng tất cả các hồ sơ này đều bị UBND phường Trung Văn từ chối.

Theo các thông báo trả lời về việc thụ lý hồ sơ cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất tới các hộ dân của Phòng Tài nguyên và Môi trường quận Nam Từ Liêm thì các hồ sơ đề nghị cấp đều không được xem xét vì thuộc một trong các trường hợp như: Đất không phù hợp quy hoạch đất ở; đất nằm trong chỉ giới hành lang bảo vệ công trình thuỷ lợi sông Nhuệ; đất thuộc dự án Khu chức năng đô thị Nam Đại lộ Thăng Long; đất thuộc đất công chính  quyền quản lý…

Tuy nhiên, các hộ dân ở đây đều cho rằng, việc trả lời trên của chính quyền địa phương là không đúng theo quy định của pháp luật, ảnh hưởng tới quyền và lợi ích của họ. Bởi lẽ, họ cho rằng, các hộ dân đã sử dụng đất tại đây từ trước năm 1992, đất có nguồn gốc rõ ràng: một số hộ tự khai hoang, một số hộ mua thanh lý từ Phòng Quang sinh học (Viện Sinh vật học), một số được HTX Quyết Tiến (thuộc UBND xã Trung Văn) giao. Việc sử dụng đất của họ ổn định, không phát sinh tranh chấp, và đủ điều kiện để được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.

Cụ thể, theo ý kiến của anh Lê Thanh Tùng (cư dân tại khu dân cư ngõ 219 Đại Linh) thì: “Chúng tôi hàng năm vẫn thực hiện đầy đủ nghĩa vụ nộp thuế đối với cơ quan nhà nước. Việc từ chối cấp giấy chứng nhận cho các hộ dân là trái luật, xâm phạm nghiêm trọng quyền, lợi ích hợp pháp của chúng tôi.”.

Anh Lê Thanh Tùng lấy dẫn chứng: “Căn cứ theo Điều 100 và 101 Luật Đất đai năm 2013, thì với các trường hợp mua lại đất từ Phòng Quang sinh học và được HTX Quyết Tiến giao đất thì không có lẽ gì lại từ chối cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho họ. Còn với các trường hợp họ tự khai hoang từ trước năm 1992, thì cần phải xem xét lại việc đất đó thuộc quy hoạch hay không? Quy hoạch như thế nào, quy hoạch có từ bao giờ? Nếu quy hoạch có sau thời điểm họ sinh sống thì vẫn phải xem xét cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho họ”.

Theo bà Nguyễn Thị Hồng Anh (cư dân tại khu dân cư ngõ 219 Đại Linh) thì chính quyền cần phải áp dụng quy định tại Khoản 1 Điều 20 Nghị định 43/2014/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết về việc thi hành một số điều của Luật Đất đai. "Theo quy định này, thì hộ gia đình, cá nhân sử dụng đất có nhà ở, công trình xây dựng khác từ trước ngày 15/10/1993 mà không phù hợp với quy hoạch nhưng đã sử dụng đất từ trước thời điểm phê duyệt quy hoạch hoặc sử dụng đất tại nơi chưa có quy hoạch thì được công nhận quyền sử dụng đất” - bà Hồng Anh nói.

Trước những bất cập trên, để có thông tin cụ thể hơn về việc từ chối cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho người dân tại khu vực trên, Báo PLVN đã liên hệ làm việc với chính quyền địa phương và sẽ tiếp tục cập nhật sau khi có thông tin từ các cơ quan này.

Đọc thêm