Hậu “chiến dịch” dẹp vỉa hè: Người dân toát mồ hôi vì “xế hộp”

(PLO) - Sau gần một tháng dọn dẹp vỉa hè, những con phố lớn dường như chẳng còn tình trạng chiếm dụng vỉa hè… thế nhưng, những con phố nhỏ, những bãi đỗ tự phát trong các cụm dân cư lại “mọc lên như nấm sau mưa”. Giờ cao điểm, những con phố vốn đã nhỏ lại thêm phần ùn tắc, không lối thoát, người đi bộ phải luồn lách khổ sở. 
Hậu “chiến dịch” dẹp vỉa hè: Người dân toát mồ hôi vì “xế hộp”

Nhiều khu phố trở thành bãi đỗ xe và mâu thuẫn phát sinh

Cả chục năm nay, Hà Nội luôn trong tình trạng thiếu điểm đỗ xe cho cả ôtô và xe máy. Giờ đây, “cơn khát” đã lên tới đỉnh điểm khi chiến dịch giành lại vỉa hè cho người đi bộ, trong khi lượng xe gia tăng quá lớn, khi điểm đỗ ngày càng hiếm hoi. Vì thế nhiều đơn vị, cá nhân tự nhanh chóng khai thác điểm đỗ xe, “tận dụng” mọi khoảng trống để kinh doanh đang khá phổ biến khiến nhiều tuyến phố, ngõ nhỏ luôn trong tình trạng ùn tắc.

Tại đường Láng (phường Láng Thượng, quận Đống Đa, Hà Nội), đoạn gần cây xăng cầu 361 rẽ vào đường Vũ Phạm Hàm, vào giờ cao điểm, các phương tiện lưu thông phải nhích từng đoạn ngắn. Đáng nói, tại đây, nhiều ngày qua tồn tại bãi trông giữ xe dưới lòng đường do sở GTVT Hà Nội cấp phép cho Công ty TNHH X.N. Hàng ngày điểm trông giữ xe này luôn chật kín ô tô khiến các phương tiện tham gia giao thông rất khó khăn. Cách đó không xa, đoạn cầu Cống Mọc, đường Nguyễn Ngọc Vũ (phường Trung Hòa, quận Cầu Giấy, Hà Nội), lưu lượng tham gia giao thông vào giờ cao điểm rất lớn, nhưng có một hàng dài xe ô tô lớn, nhỏ đỗ theo kiểu rất “oái oăm” quay ngang.

Vào giờ tan tầm, nhiều phương tiện phải lách qua hàng ô tô đỗ quay ngang chiếm 2/3 lòng đường, thậm chí có xe ô tô loại 16 chỗ cũng đỗ quay ngang khiến lòng đường chỉ còn lại khoảng 2m. Dưới lòng đường có một bốt ghi rõ điểm trông giữ xe có thu phí của Công ty cổ phần quảng cáo T.D do Sở GTVT Hà Nội cấp. 

Còn trên phố Miếu Đầm (đoạn đường dẫn lên cầu vượt Mễ Trì), sau Trung tâm Hội nghị Quốc gia xuất hiện dọc hai bên đường là vạch sơn trắng kéo dài cả cây số. Đáng chú ý, hai hàng xe ô tô từ cỡ nhỏ đến ô tô tải, xe cẩu đỗ thành hàng dài. 

Điều đáng nói là các bãi đỗ xe này không chỉ khai thác dưới các lòng đường mà còn tận dụng vỉa hè các khu chung cư. Tại tòa nhà N1 của một cụm chung cư trên quận Cầu Giấy, bãi ô tô kéo dài từ đầu ngõ đến cuối ngõ 64 đường Nguyễn Phong Sắc. Không còn vỉa hè, người đi bộ buộc phải luồn lách dưới lòng đường chật cứng xe ô tô. Khu vực tòa nhà N5, N6 của cụm chung cư này cũng xảy ra tình trạng tương tự. Theo bà Lê Thị Tâm (cư dân tòa N1), tình trạng khu phố này dày đặc các phương tiện ô tô xuất hiện trong khoảng gần một tháng trở lại đây. Mỗi chiều tối, các phương tiện chạy vòng các khu chung cư tìm bãi đỗ xe, đường sá cũng trở nên đông đúc, ồn ào. Ông Nguyễn Thanh Toàn, một người sống tại tòa nhà N5 cho hay: “Từ khi Hà Nội ra quân dọn dẹp vỉa hè thì dân cư sống trong ngõ nhỏ chúng tôi ít nhiều bị ảnh hưởng. Cái thấy rõ nhất là mọi người phải nhường lòng đường đi bộ, nơi vui chơi, giải trí cho người ta làm bãi đỗ xe. Có hôm chúng tôi tập thể thao ở sân chung cư còn bị các phương tiện ô tô “giành” khoảng đất làm nơi đỗ xe”.

Do mật độ phương tiện lưu thông qua tuyến đường này lớn cộng với việc xe ô tô đỗ chật cứng dưới lòng đường khiến các phương tiện giao thông đi lại khó khăn. Việc lòng đường bị chiếm dụng để làm điểm trông giữ xe có phí gây ùn tắc giao thông khiến người dân ở khu vực vô cùng bức xúc. Anh Lê Hữu Minh, tổ 12, Hoàng Quốc Việt, quận Cầu Giấy cho biết: “Cháu nhà tôi học trường cấp 2 cách nhà vài trăm mét. Nếu như vỉa hè thông thoáng cháu có thể tự đi về. Tuy nhiên, hiện nay vỉa hè bị xe máy chiếm dụng, lòng đường thì bị kẻ vạch làm nơi trông giữ ô tô khiến người đi bộ phải luồn lách qua dãy phương tiện hoặc đi ra phần đường của các phương tiện đang lưu thông. Gia đình tôi thấy cháu đi lại thế rất nguy hiểm nên bây giờ phải đưa đón hàng ngày”.

Không chỉ ảnh hưởng đến giao thông, hiện tượng xe ô tô đậu, đỗ bừa bãi lấn chiếm vỉa hè còn khiến cho nhiều hộ kinh doanh bức xúc khi mặt tiền luôn bị che khuất bởi những chiếc xế hộp nên việc trao đổi, mua bán gặp nhiều khó khăn. Một số người dân bức xúc trước việc xe ô tô đỗ bừa bãi, che lấp lối đi lại đã phản ứng mạnh mẽ bằng nhiều cách như tô, vẽ, dán giấy, hoặc đổ rác lên những chiếc xe đó. Minh chứng điển hình cho mâu thuẫn này phải kể đến vụ chiếc ôtô 5 chỗ đỗ ở lề đường, trước cổng một hộ dân trong ngõ 124 phố Hoàng Ngân (Trung Hòa, Cầu Giấy, Hà Nội). Thấy chiếc xe đỗ trước cổng, khiến việc đi lại gặp khó khăn, người phụ nữ được cho là chủ nhà đã dùng bút xóa màu trắng vẽ khắp xe.  Sau khi chủ xe phát hiện những vết bút xoá chi chít trên thân ôtô nên đã phản ứng với chủ nhà, hai bên trình báo với nhà chức trách, công an phường đã ra lập biên bản giải quyết. 

Tiền trông xe “chui” vào túi cá nhân

Một thực tế đã và đang diễn ra tại Hà Nội chính là các bãi xe được cấp phép rất nhanh hết chỗ. Việc các phương tiện bị thu giá vé cao hơn nhiều lần so với quy định của cơ quan chức năng, song, dường như khách gửi xe không có nhiều lựa chọn khi chấp nhận bị “móc túi” một cách công khai vì việc thiếu hụt bãi gửi xe.

Chị Phan Thị Miên, 29 tuổi, huyện Ba Vì chia sẻ: “Tôi có việc giao dịch tại một tòa nhà ở quận Cầu Giấy. Xe ôtô xuống hầm được nhập dữ liệu điện tử. Mặc dù biết giá trông giữ xe theo giờ, nhưng tôi chắc mẩm khung giờ quy định của thành phố là 2 tiếng. Bởi thế, giao dịch xong trong vòng 1 tiếng, tôi trò chuyện cố thêm vài phút nữa. Không ngờ khi trả tiền trông xe, máy tính tính mức giá 2 tiếng cho tôi (20.000 đồng/tiếng). Nếu biết trước thì tôi đã liệu thời gian cho đỡ tốn tiền. Một ngày tôi phải vào vài nơi như thế thì chi phí cho việc đi lại, đỗ xe vô cùng tốn kém”.

Trong các trung tâm thương mại, tòa nhà lớn có tầng hầm để xe nhưng nhiều người lại không dám đưa xe vào. Mức trung bình là 20.000 – 30.000đồng/giờ/ôtô. Nếu để xe một ngày thì số tiền này sẽ lên tới vài trăm nghìn đồng. Bởi vậy, nhiều người làm việc trong các tòa nhà lớn không dám đưa xe vào chính tầng hầm đó mà chuyển đi cất ở những nơi không được phép đỗ xe.

Thượng tá Nguyễn Đình Cương – Phó Trưởng phòng Cảnh sát trật tự, Công an TP Hà Nội đánh giá: 4 quận nội thành cũ là Hoàn Kiếm, Ba Đình, Đống Đa, Hai Bà Trưng thiếu điểm đỗ xe nghiêm trọng. Đây cũng là nơi xảy ra nhiều nhất vi phạm ôtô, xe máy đỗ trái phép dưới lòng đường, vỉa hè. Do thiếu điểm đỗ nên người dân buộc phải vi phạm để xe ở chỗ không phép, việc xử lí của cơ quan chức năng thời gian qua chỉ như “bắt cóc bỏ đĩa”. Theo số liệu từ Phòng Cảnh sát trật tự, Hà Nội có 939 điểm trông giữ xe, trong đó hơn 600 điểm trên vỉa hè, 300 điểm dưới lòng đường, đặc biệt trong đó có hơn 200 điểm là không có phép. Số tiền thu được từ 200 bãi trông giữ xe trái phép mỗi ngày là cực lớn. Khảo sát một số bãi đỗ xe được cấp phép ở Hà Nội cho thấy phần lớn các các bãi này đều lấn chiếm diện tích trông giữ xe. Số tiền “khủng” thu được từ những diện tích lấn chiếm này đổ vào túi cá nhân. Điều này đồng nghĩa với việc bãi trông giữ xe trái phép vẫn mọc lên và tự đưa ra mức giá. Người đi xe vẫn phải chấp nhận trả phí trông xe cao, trong khi Nhà nước bị thất thu thuế./.

Đọc thêm