Hỗ trợ cá chết tại tỉnh Thừa Thiên Huế: Nhiều hộ có tàu, thuyền bị loại bỏ?

(PLO) - Mặc dù được hưởng quyết định hỗ trợ như nhau sau thảm họa cá chết, thế nhưng hàng chục hộ có tàu thuyền tại thị trấn Lăng Cô (huyện Phú Lộc, Thừa Thiên – Huế) bức xúc rằng họ không được hỗ trợ.
Đại diện những trường hợp không nhận được tiền hỗ trợ ở thôn Đông Dương
Đại diện những trường hợp không nhận được tiền hỗ trợ ở thôn Đông Dương

Bị loại khỏi danh sách nhận quyết định hỗ trợ  vào phút cuối

Để hỗ trợ cho ngư dân sau thảm họa cá chết, góp phần ổn định lại cuộc sống, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định (QĐ) số 772/QĐ-TTg ngày 9/5/2016 về việc hỗ trợ khẩn cấp cho người dân ven biển miền Trung do sự cố cá chết. Trên cơ sở đó ngày 12/5, UBND tỉnh Thừa Thiên – Huế ban hành QĐ số: 973/QĐ-UBND về việc hỗ trợ khẩn cấp cho người dân tại các huyện ven biển bị ảnh hưởng do hiện tượng hải sản chết bất thường.

Theo quyết định này, hỗ trợ khẩn cấp cho người dân 15kg gạo/người/tháng trong thời gian 1,5 tháng đối với các nhân khẩu thuộc hộ gia đình chủ tàu và hộ gia đình của lao động trên tàu khai thác hải sản ở vùng ven bờ, vùng lộng không lắp máy hoặc lắp máy có công suất dưới 90CV và các hộ gia đình làm dịch vụ hậu cần nghề cá bị ảnh hưởng trực tiếp; hỗ trợ một lần các tàu không lắp máy hoặc lắp máy đánh bắt ven bờ và vùng lộng do phải tạm ngừng ra biển khai thác hải sản: 3,5 triệu đồng/chiếc đối với ghe, thuyền không lắp máy, 5 triệu đồng/chiếc với ghe, thuyền lắp máy có công suất dưới 90 CV. Tỉnh tiếp nhận 800 tấn gạo từ Trung ương và 15,5 tỷ đồng để hỗ trợ người dân.

Thực hiện quyết định của UBND tỉnh, thị trấn Lăng Cô đã thông báo đến những hộ dân bị ảnh hưởng,  giao cho các thôn, tổ dân phố lập danh sách các hộ được hưởng lợi gửi lên thị trấn tổng hợp, sau đó thị trấn sẽ thành lập một hội đồng để đánh giá và hỗ trợ cho ngư dân bị ảnh hưởng.

Hiện toàn thị trấn có 189 hộ được hỗ trợ theo 2 QĐ trên với hơn 974,5 triệu đồng và 47,2 tấn gạo. Tại thôn Đông Dương hiện đang có 86 hộ đi biển bị ảnh hưởng bởi thảm họa cá chết vừa rồi. Thế nhưng sau khi tổng hợp để lập danh sách hỗ trợ  chỉ còn 73 hộ. Sau đó, 2 hộ bị loại khỏi danh sách nên chỉ còn 71 hộ. Như vậy có 15 hộ bị loại ở phút “bù giờ”.

Ông Lê Dũng (SN 1954) và bà Đỗ Thị Út (SN 1964), gia đình ông Trần Sinh (55 tuổi), gia đình bà Lê Thị Thanh Tâm (48 tuổi)… là những hộ có thuyền máy từ D8 đến D9 và từng đánh bắt cá trên biển chỉ được hỗ trợ gạo, không được hỗ trợ tiền. trong khi đó các hộ khác cũng có thuyền máy từ D6 đến D9 đều được hỗ trợ gạo và tiền.

Đem vấn đề này hỏi cơ quan chức năng thì  các ban ngành cho biết rằng không trực tiếp đi biển hoặc đi không thường xuyên nên không được hỗ trợ.

Câu trả lời từ phía chính quyền khiến người dân khá bức xúc, bởi lẽ họ bỏ nghề cá do sự cố môi trường do Formosa gây ra chứ không xuất phát từ nguyên nhân chủ quan. Bên cạnh đó nghề biển lắm rũi ro và thiên tai nên không phải lúc nào cũng ra khơi đánh bắt được.

Ngoài ra, một số hộ đều có chứng nhận làm nghề biển nhưng được trả lời không trực tiếp đi biển khiến mọi người càng bức xúc.

Kẻ khóc người cười sau hỗ trợ thời hậu “nhân tai”

Ông Dương Đăng Trung – Chủ tịch UBND thị trấn Lăng Cô cho biết, sau khi  có quyết định hỗ trợ cho ngư dân UBND thị trấn đã thành lập đoàn kiểm tra để rà soát cụ thể từng đối tượng. Hiện còn một số trường hợp có ghe, thuyền vừa đánh bắt cá trên biển vừa đánh bắt cá trên đầm, phá không được hỗ trợ là đúng như người dân phản ánh. “Hộ được thì vui, hộ không được cũng buồn”, ông Trung nói.

Khi PV đặt câu hỏi có hay không việc làm sai quy trình hỗ trợ thì ông Trung khẳng định rằng thị trấn không sai. Theo ông Trung, quá trình xét duyệt thì thấy các hộ đã không đi biển hoặc đi không thường xuyên nên không thực hiện chi trả.

Ông Trung cho biết, cả thị trấn có 359 trường hợp đánh bắt thủy sản trên khu vực đầm phá. Tuy nhiên các hộ này lại không được hỗ trợ vì trong Quyết định thì các hộ này không thuộc diện được chi trả.

Ông Đặng Trường Sơn – Phó Chủ tịch UBND thị trấn Lăng Cô cho biết: quá trình soát xét lại thì phát hiện có những hộ có thuyền nhưng họ bỏ nghề 2 - 3 năm, có những hộ thi thoảng mới đi biển nên không được hỗ trợ. Về giấy chứng nhận nghề biển cho người dân, ông Trung và ông Sơn khẳng định chứng nhận này có từ năm 2009 đã không còn giá trị do đã quy định giấy chứng nhận mới vào năm 2016.

Với những hộ bị ảnh hưởng từ việc đánh bắt trên khu vực đầm phá mà không được nhận hỗ trợ  ông Trung cho biết: “Với những hộ này chúng tôi đã linh động bằng cách vận động một số cơ quan, đơn vị hảo tâm hỗ trợ quà cho bà con”.

Đọc thêm