Hòa Bình: Mất nhà đất từ hợp đồng chuyển nhượng “ma”

(PLVN) - Từ bộ Hợp đồng chuyển nhượng đất (HĐ) ngày 27/12/2016, Công chứng viên (CCV) Tạ Văn Thành (Văn phòng công chứng Đại Nam, tỉnh Hòa Bình) đã sửa chữa một số nội dung và tạo thành 1 hợp đồng khác, ghi ngày 31/5/2017. Từ hợp đồng mới này, bên mua đã làm thủ tục và được đứng tên trên Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ).
Hòa Bình: Mất nhà đất từ hợp đồng chuyển nhượng “ma”

Vụ việc trên bị bà Trần Nhật Tuấn (SN 1969, trú tại xã Phú Cường, huyện Tân Lạc, Hòa Bình) cho là “lừa đảo chiếm đoạt tài sản” nên đã tố cáo đến cơ quan chức năng.

Vay tiền bị mất nhà

Theo bà Tuấn, cuối năm 2016, do cần tiền để trả cho chồng theo thỏa thuận ly hôn nên bà có liên hệ vay 200 triệu đồng của ông Bùi Hữu Dũng (làm nghề cầm đồ, trú tại xã Trung Minh, TP Hòa Bình, tỉnh Hòa Bình). Ông Dũng đồng ý nhưng yêu cầu bà Tuấn phải dùng nhà, đất để đảm bảo. Do lúc này, giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ) của bà Tuấn đang được thế chấp tại ngân hàng nên ông Dũng trả vào ngân hàng 660 triệu để làm thủ tục “giải chấp”, rút GCNQSDĐ.

Tin tưởng việc mua bán đất chỉ để làm tin, bà Tuấn đinh ninh Hợp đồng được công chứng chỉ có nội dung thế chấp nên không đọc kỹ mà vội ký vào HĐ có nội dung chuyển nhượng thửa đất 216 tại xóm Trớ (xã Quy Hậu, huyện Tân Lạc). Hợp đồng này được CCV Tạ Văn Thành chứng nhận vào ngày 27/12/2016. Nhưng do chỉ là mua bán trên giấy tờ nên hai bên không thực hiện thủ tục bàn giao nhà, đất cũng như thủ tục giao nhận tiền chuyển nhượng theo hợp đồng. Bà Tuấn vẫn trả tiền lãi cho ông Dũng định kỳ 10 ngày/ lần và trực tiếp quản lý, sử dụng nhà đất.

Bà Tuấn sử dụng nhà đất đến tháng 9/2017 thì bị ông Dũng  cho người đến gây áp lực để đòi sử dụng nhà đất. Sau đó, ông Dũng còn “trưng” ra GCNQSDĐ  đã được sang tên mình, có xác nhận Chi nhánh Văn phòng Đăng ký đất đai (VPĐKĐ) huyện Tân Lạc.

Bất ngờ trước sự việc này, bà Tuấn tìm hiểu thì được biết,  ông Dũng được đứng tên tại GCNQSDĐ trên cơ sở một HĐ chuyển nhượng quyền sử dụng đất, ký ngày 31/5/2017, có chứng nhận của CCV Tạ Văn Thành.  

Cho rằng HĐ trên là giả mạo vì hợp đồng có nhiều chỗ sửa chữa, thêm nội dung bằng chữ viết tay và hai bên không hề có mặt tại VPCC Đại Nam để ký kết  vào ngày 31/5/2017, bà Tuấn đã có đơn tố cáo CCV Tạ Văn Thành đến Sở Tư pháp tỉnh Hòa Bình. 

Giải quyết tố cáo, phát hiện sai phạm của Công chứng viên

Sau khi vào cuộc xác minh tố cáo của bà Tuấn, tháng 4/2019, Sở Tư pháp tỉnh Hòa Bình ra Thông báo cho biết: CCV Tạ Văn Thành đã sửa đổi, bổ sung nội dung HĐ (cụ thể là nội dung về tài sản chuyển nhượng tại Khoản 2, Điều 1 của HĐ) không đúng quy định. Đồng thời, CCV Thành còn thay toàn bộ trang cuối cùng (trang lời chứng của CCV), ghi lại ngày lập HĐ là 31/5/2017 (thay vì ngày 27/12/2016). Hành vi này của CCV đã vi phạm quy định tại Điều 51 Luật Công chứng (công chứng việc sửa đổi, bổ sung, hủy bỏ hợp đồng, giao dịch).

Trao đổi với phóng viên, bà Tuấn tiếp tục khẳng định, hành vi của CCV Tạ Văn Thành thực chất là câu kết với ông Dũng để tạo dựng một HĐ giả chứ không đơn giản là “sửa chữa HĐ” sai quy định. 

Lý giải về nội dung này, bà Tuấn cho biết, “đầu năm 2019, tôi có đến VPCC Đại Nam xin sao hồ sơ thì vẫn được cung cấp bản sao HĐ ngày 27/12/2016. Trong khi đó, hồ sơ cấp GCNQSDĐ cho ông Dũng tại Sở TN&MT tỉnh Hòa Bình lại xuất hiện HĐ ngày 31/5/2017, có thêm nội dung về phần tài sản chuyển nhượng. Như vậy, đã có sự tồn tại song song của hai HĐ chuyển nhượng đất với hai ngày khác nhau, nội dung khác nhau”.

Đồng tình với quan điểm này, Luật sư (LS) Vũ Hồng Thanh (VPLS Thanh Vũ, Hà Nội) cũng cho rằng, việc cùng lúc tồn tại hai HĐ như trên thì không thể nói là sửa chữa HĐ cũ. Bản chất của việc này phải gọi là tạo dựng một HĐ giả dựa trên mẫu của một HĐ cũ. Đáng nói, HĐ giả này đã giúp hoàn tất việc sang tên nhà đất từ bà Tuấn sang ông Dũng, tức là đã gây thiệt hại nghiêm trọng đến quyền và lợi ích hợp pháp của bà Tuấn (vì giá trị nhà đất lớn gấp nhiều lần số tiền ông Dũng cho vay). 

Đáng nói, theo tài liệu do Trung tâm Công nghệ Thông tin (Sở TN&MT Hòa Bình) cung cấp cho bà Tuấn thì HĐ bị coi là giả mạo trên đã được chính ông Dũng nộp cho Bộ phận một cửa của UBND huyện Tân Lạc ngày 24/7/2017. Như vậy, việc bà Tuấn tố cáo có sự câu kết giữa ông Dũng và CCV để chiếm đoạt tài sản là có cơ sở.

Nhiều tài liệu bị “ngược” thời gian có dấu hiệu bị giả mạo

Liên quan đến bộ hồ sơ sang tên nhà đất trên, còn nhiều tài liệu khác có dấu hiệu giả mạo chữ ký bà Tuấn và thể hiện sai phạm “có hệ thống” như: bà Tuấn không hề nộp thuế thu nhập cá nhân nhưng Thông báo nộp tiền và Biên lai nộp tiền đứng tên bà Tuấn.

 Ngoài ra, bộ hồ sơ còn có Đơn xin xác nhận về quyền sở hữu nhà ở, ký tên bà Tuấn ngày 17/7/2017, được Chủ tịch UBND xã Quy Hậu xác nhận cùng ngày; Đơn đăng ký cấp GCNQSDĐ và quyền sở hữu nhà đứng tên bà Tuấn ngày 17/7/2017 (có xác nhận của công chức địa chính, Chủ tịch UBND xã Quy Hậu và ý kiến “đồng ý” của Giám đốc Chi nhánh VPĐKĐĐ huyện Tân Lạc); Trích đo thửa đất mang tên bà Tuấn, ông Nguyện (chồng bà Tuấn) được Giám đốc Chi nhánh Văn phòng ĐKĐĐ huyện Tân Lạc ký tên, đóng dấu xác nhận ngày 17/7/2017. Các giấy tờ trên đều đứng tên bà Tuấn nhưng lại đề ngày 17/7/2017, tức là có sau hơn 1 tháng kể từ khi có HĐ chuyển nhượng nhà đất từ  bà Tuấn cho ông Dũng (ngày 31/5/2017).

Không hiểu sao, cán bộ VPĐKĐĐ không phát hiện những tài liệu này bị “ngược thời gian” và vẫn làm thủ tục cấp GCNQSDĐ cho ông Dũng?

Những tài liệu trên còn cho thấy, vào ngày 31/5/2017, ngôi nhà trên đất chưa có giấy tờ hợp pháp chứng minh quyền sở hữu của bà Tuấn nhưng vẫn được CCV đưa vào HĐ nhà đất. Nội dung này không đúng với quy định vì đối với tài sản mà pháp luật quy định đăng ký thì phải có giấy tờ thể hiện quyền sở hữu của người chuyển nhượng, CCV mới được công chứng chuyển nhượng. Vô lý hơn, trích đo bản đồ đến ngày 17/7/2017 mới có nhưng ngày 31/5/2017 đã được CCV ghi vào HĐ.

PLVN sẽ tiếp tục thông tin về vụ việc này.

Đọc thêm