Khi quyền giám sát của người dân được cụ thể hóa

(PLVN) - Dự thảo Thông tư quy định nhiệm vụ, quyền hạn, hình thức, nội dung và quy trình tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm hành chính về giao thông đường bộ của CSGT, Bộ Công an đã bổ sung thêm một số hình thức giám sát của người dân đối với hoạt động của công an nhân dân, CSGT. Bộ Công an đề xuất người dân được phép giám sát hoạt động của cảnh sát giao thông thông qua thiết bị ghi âm, ghi hình hoặc quan sát trực tiếp.
Hình minh họa
Hình minh họa

Người dân được thực hiện quyền giám sát của mình đối với hoạt động của công an nhân dân, trong đó có lực lượng cảnh sát giao thông gồm: việc tuân thủ các quy định của pháp luật trong công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông; giám sát việc chấp hành điều lệnh, thái độ, tác phong của cán bộ, chiến sĩ công an khi làm nhiệm vụ.

Trước thông tin về dự thảo này, nhiều ý kiến bày tỏ sự ủng hộ đề xuất này của Bộ Công an. Theo đó, so với bản dự thảo hồi tháng 6/2019 thì bản dự thảo lần này đã có sự đổi mới, tiếp thu ý kiến đóng góp của người dân để bổ sung thêm quyền được giám sát của công dân đối với lực lượng CSGT khi làm nhiệm vụ.

Thực tế, nhiều tình huống xử lý vi phạm giao thông vẫn còn gây tranh cãi giữa người điều khiển phương tiện và chiến sĩ CSGT làm nhiệm vụ. Khi ấy, việc ghi âm, ghi hình của người dân sẽ có tác dụng chứng minh xem bên nào đúng, bên nào sai, tránh điều tiếng không tốt với lực lượng CSGT.

Tuy nhiên, cũng cần lưu ý rằng việc người dân có quyền giám sát hoạt động của lực lượng CSGT qua quan sát trực tiếp hoặc sử dụng thiết bị ghi âm, ghi hình, nhưng tuyệt đối không được làm ảnh hưởng đến việc thực thi nhiệm vụ của lực lượng CSGT.

Như vậy, có thể hiểu người dân được thực hiện quyền giám sát của mình, nhưng điều đó không đồng nghĩa với việc lạm quyền gây ảnh hưởng đến lợi ích chung và trật tự, an ninh xã hội.

Đọc thêm