Khối di sản 13 ngàn m2 đất “truyền đời” mâu thuẫn

(PLO) -Bị đơn bảo, vì vướng quy hoạch, nên không thể tách thửa đất (200 m2) của chị mình ra khỏi sổ đỏ chung (3.700 m2 ). Ông vì tin tưởng chị ruột, không ngờ chị mình lại “trở cờ” đòi chia một phần đất. Nguyên đơn thì không đến tòa, con trai thay mẹ tham gia tố tụng. Hai bên “cạnh khóe” nhau tơi bời. Tòa tuyên nguyên đơn thắng kiện. Thắng thua đã phân định, nhưng thật giả, thì chỉ có lòng người trong cuộc mới hay.
Hình minh họa
Hình minh họa

Đất của ai?

Phiên tòa “Tranh chấp chia tài sản chung” do TAND TP Huế (tỉnh Thừa Thiên - Huế) xét xử sơ thẩm. Nguyên đơn, bị đơn trong vụ án đều đã ở tuổi thất thập cổ lai hy, nay vẫn ra tòa, để phân rõ trắng đen thửa đất di sản thừa kế cha mẹ để lại. 

Nguyên đơn là người chị gái (76 tuổi). Hôm nay ra tòa, bà không đến mà để con trai thay mình tham gia tố tụng. Bị đơn là hai em trai của bà, đều đã già hom hem. Gặp nhau tại tòa, cậu cháu tỏ ra hờ hững.  

Theo đơn khởi kiện của chị gái, bà và hai em trai có chung một thửa đất do cha mẹ để lại. Sổ đỏ thửa đất đứng tên chung, có diện tích 3.700 m2, tọa lạc tại phường Thủy Xuân. Bà có ủy quyền cho hai em đứng ra quản lý, sử dụng và giải quyết các vấn đề liên quan đối với phần của bà trong khối tài sản chung. Tuy nhiên, khi hai người em của bà chuyển nhượng hơn 1.000 m2 đất cho người khác với giá 1,2 tỷ đồng, họ lại không chuyển tiền cho bà. Vì vậy bà khởi kiện, yêu cầu hai người em phải hoàn trả cho bà số tiền 400 triệu đồng.

Con trai nguyên đơn thay mẹ tham gia tố tụng tại tòa cho biết, ông bà ngoại mình có 7 người con gồm 3 con gái và 4 con trai. Ông bà qua đời, có để lại thửa đất diện tích hơn 13 ngàn m2. Do không để lại di chúc, nên 7 người con là đồng thừa kế đối với tài sản mà cha mẹ để lại. 

Từ năm 2002 đến năm 2012, sau nhiều lần cùng thống nhất thỏa thuận chuyển nhượng đất cho người khác, thửa đất của cha mẹ để lại chỉ còn 7 ngàn m2. Người chị cả từ chối nhận di sản thừa kế. Người chị hai tặng phần di sản mình thừa kế cho hai người em trai kế út và em trai út (đều là bị đơn trong vụ án) để làm nhà thờ họ. Do đó, khối tài sản thừa kế do 5 người con còn lại đứng tên chung, được cấp sổ đỏ vào năm 2012. 

Năm anh em quyết định chia di sản thừa kế thành 5 phần, mỗi người giữ một phần. Tuy nhiên, việc chia chác chỉ thực hiện bằng miệng, không có bất kỳ văn bản nào. Vào năm 2013, hai người anh trai trưởng và anh kế quyết định tách thửa phần đất mình được hưởng. Phần đất còn lại có diện tích 3,7 ngàn m2, do người chị gái còn lại (nguyên đơn) đứng tên cùng hai em trai út (bị đơn).

“Mẹ tôi tin tưởng các em trai mình, nên mới ủy quyền cho hai cậu đứng ra giao dịch. Không ngờ khi hai cậu bán đất, lại không nói với mẹ tôi tiếng nào, chỉ đưa cho bà 40 triệu đồng. Hai cậu nói bán 1,2 tỷ đồng, nhưng có đúng giá đó hay không còn chưa chắc. Mẹ tôi nhiều lần hỏi, các cậu cứ nói lung tung, nên bà giận, mới khởi kiện để lấy lại công bằng”, con trai nguyên đơn nói.

Theo bị đơn, anh chị em của ông trước nay luôn đoàn kết, yêu thương nhau. Cha mẹ qua đời không để lại di chúc, nên anh trưởng đứng ra chia di sản thừa kế do cha mẹ để lại cho các anh em mỗi người một phần. Ruột thịt tình thâm, nên quá trình phân chia, chủ yếu là “chỉ chỏ” bằng miệng, không lập bất cứ văn bản nào. Hồi đó, phân chia tài sản theo phong tục tập quán, con trai phải nhận trách nhiệm thờ tự, cúng kiếng, nên được chia nhiều hơn con gái một chút. Chị gái ông được chia 1 ngàn m2.

Sau khi tài sản được phân chia, chị gái ông đã lần lượt chuyển nhượng phần đất của mình cho người khác. Sau đó bà mua lại hơn 200 m2 đất của người anh kế (do người anh này đã mất, nên tài sản do người vợ thụ hưởng) để dựng nhà. Vào thời điểm đó, khi tiến hành tách thửa căn nhà thì vướng quy hoạch, nên hai ông đành để chị gái đứng tên chung trong sổ đỏ thửa đất với diện tích 3,7 ngàn m2. “Tui cứ nghĩ, chị em với nhau chứ có ai xa lạ gì, mới tin tưởng nhau, nên làm sổ đỏ mới không ghi chú rõ ràng. Nếu biết có ngày chị tui trở mặt như hôm nay, thì hồi đó đã viết rõ trên giấy trắng mực đen, giờ đâu nên nỗi”, bị đơn nói.

“Đất anh em tôi bán là để làm nhà thờ. Chị tui xin 100 triệu. Anh em tui bàn nhau, nói chị mình già cả rồi, thôi thì đồng ý, coi như để chị có chút tiền dưỡng già. Tiền xây nhà thờ tự, có thể bớt lại chút ít. Anh em tui đưa trước cho chị 40 triệu, số tiền còn lại sẽ đưa sau. Không ngờ chị lại xúi giục con trai kiện anh em tui. Chị tui kiện anh em tui là vu khống, muốn chiếm đoạt tài sản của anh em tui”, bị đơn khai.

Các đương sự tại phiên sơ thẩm
Các đương sự tại phiên sơ thẩm

Thắng cũng buồn như thua

Tòa hỏi bị đơn: “Thửa đất di sản thừa kế là 13 ngàn m2. Sau khi bán đi còn lại 7 ngàn m2. Tiền bán đất ai giữ?”. Bị đơn khai, quá trình bán đất, đều do 5 anh em đứng ra ký bán. Số tiền bán đất, đều dùng hết vào việc xây lăng đắp mộ, sửa sang đường sá, lo hương hỏa, không ai giữ làm của riêng. 

Theo HĐXX, quá trình thụ lý vụ án, tòa đã thu thập về các lần chuyển nhượng đất do phòng quản lý nhà đất cùng cấp. Có tất cả có ba lần chuyển nhượng. Sau 3 lần chuyển nhương, đất còn lại 7 ngàn m2, đứng tên chung 5 anh em. Bị đơn nói trong các lần chuyển nhượng này, chị gái ông đã bán hết phần đất mình thừa kế, để lo cho con cái. Sau đó bà mua lại hơn 200 m2 đất của chị dâu để dựng nhà, vì vậy mới đứng tên chung trong sổ đỏ.

Tòa: “Ông có hiểu thế nào là đồng sở hữu không?”. Bị đơn nói, do tin tưởng tuyệt đối vào chị mình. Cứ nghĩ là ruột thịt nên mới không đề phòng. “Vì sao không có bất cứ giấy tờ nào chứng minh việc chia đất?”. Bị đơn gãi đầu bứt tóc, bảo cũng vì tin tưởng ruột thịt, nên mới lâm cảnh hôm nay.

Con trai bị đơn phản bác, bảo trong 3 lần chuyển nhượng trên, đất lúc đó đang đứng tên chung, nên mẹ của anh không thể đứng ra chuyển nhượng được. Vì phần đất chuyển nhượng cho bên thứ ba có ngôi nhà của mẹ anh, nên các cậu khuyên mẹ anh xây lại nhà qua phần đất hiện tại. Người mua đất (cả 3 lần) có mặt tại tòa khai, các lần mua bán, đều do cả 5 anh em đứng ra ký bán. Riêng việc chia chác thế nào, đó là việc nội bộ trong gia đình, ông không biết được.

Bị đơn nói, chị mình muốn chiếm tài sản của em trai, nên mới vu khống. “Việc tố tụng kéo dài cả năm nay, nhưng chị tôi không hề ra mặt, mà ủy quyền cho con trai. Vì chị không dám nhìn mặt tụi tui. Nếu thật sự là đất của chị, chị lại có con trai, sao không ủy quyền cho con mà lại ủy quyền cho chúng tôi?”. 

Con trai bị đơn “phản pháo”, bảo mẹ mình cũng vì tin tưởng các em, nên mới ủy quyền, không ngờ suýt chút nữa mất trắng. Từ khi có tranh chấp, bà chị em ở gần sát rạt nhau, nhưng tình cảm đã nguội lạnh dần, không còn như trước. Phiên tòa hôm nay, sẽ có người thắng, kẻ thua, nhưng thứ mất đi giữa họ, thì chẳng có tiền bạc nào mua được.

Theo luật sư Võ Công Hạnh (Công ty luật Công Khánh) – người bảo vệ quyền lợi của nguyên đơn, thân chủ của mình là đồng thừa kế theo pháp luật đối với di sản do cha mẹ để lại. Sau nhiều lần chuyển nhượng và tách thửa, nguyên đơn và bị đơn là người đồng thừa kế còn lại đối với thửa đất có diện tích 3,7 ngàn m2 trên. Mà căn cứ là giấy chứng nhận quyền sử dụng đất do UBND TP Huế cấp đứng tên chung cả ba chị em. Do đó, phần đất 1,1 ngàn m2 bị đơn chuyển nhượng với giá 1,2 tỷ đồng vào ngày 23/4/2016 thuộc quyền sở hữu chung của cả ba người. 

Mặt khác, bị đơn khai đã phân chia di sản cho nguyên đơn, nhưng lại không chứng minh được bằng văn bản; không có tài liệu chứng minh nguyên đơn đã chuyển nhượng phần đất thừa kế của mình cho bên thứ ba; không có giấy tờ chứng minh việc nguyên đơn mua lại đất 200m2. 

Ngày 11/4/2016, nguyên đơn có ký hợp đồng ủy quyền, theo đó các bị đơn được quyền thay mặt nguyên đơn toàn quyền quyết định đối với phần di sản trong khối di sản chung của ba người. Hợp đồng ủy quyền cũng ghi rõ phải “Giao cho bên A toàn bộ số tiền thu được từ việc thực hiện các nội dung ủy quyền”. Tuy nhiên bị đơn đã không thực thi đúng nghĩa vụ và đã xâm phạm đến quyền và lợi ích hợp pháp của nguyên đơn. Luật sư yêu cầu hội đồng xét xử chấp nhận đơn khởi kiện của nguyên đơn, tuyên buộc bị đơn phải trả lại số tiền 400 triệu đồng cho nguyên đơn.

HĐXX cho biết, quá trình xử lý vụ án, do người bán 200m2 đất cho nguyên đơn đang ở Vũng Tàu nên HĐXX đã yêu cầu tòa án nơi đây lấy lời khai. Lúc đầu bà này khai không biết gì về việc chia đất đai, cũng như không biết về việc chuyển nhượng đất. Sau đó bà có bản khai riêng, thừa nhận có việc chia di sản, mình có chuyển nhượng lại một phần đất cho nguyên đơn.

Giờ nghị án, cả nguyên đơn lẫn bị đơn đều hồi hộp đợi phán xử. Bị đơn thở dài, bảo “ở đời gieo nhân nào thì gặt quả nấy, không tránh được. Đời này vay, thì đời sau phải trả, chẳng thoát được. Điều ông hối hận nhất là đã tin vào tình ruột thịt, tin vào tình cảm chị em”. Con trai bị đơn thì nói “con người làm gì, trời đất đều biết cả. Vật không phải của mình, có cưỡng cầu cũng không được”.

Tòa tuyên nguyên đơn thắng kiện, buộc bị đơn phải trả số tiền 400 triệu đồng cho nguyên đơn. Hai anh em bị đơn thở dài. Thắng thua đã phân định rõ. Nhưng sự thật, thì chỉ có người trong cuộc mới hay.

Đọc thêm