Khu Giáo dục Nguyễn Trãi: Chủ đầu tư thiệt hại vì dự án bị “đóng băng” 13 năm

(PLVN) - Dự án Khu Giáo dục Nguyễn Trãi (Hà Đông, Hà Nội) dừng triển khai 13 năm nay khiến chủ đầu tư Dự án là Cty CP Đầu tư và phát triển nhân lực (LADECO) không chỉ thiệt hại về vật chất mà còn đánh mất đi nhiều cơ hội hợp tác đầu tư. 
Mô hình Khu giáo dục Nguyễn Trãi. (Ảnh: Reatimes)
Mô hình Khu giáo dục Nguyễn Trãi. (Ảnh: Reatimes)

Ngày 4/6/2007, UBND tỉnh Hà Tây (cũ) ban hành Quyết định 948/QĐ-UBND phê duyệt quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 Khu giáo dục Nguyễn Trãi, Hà Đông với quy mô 34 ha do LADECO làm chủ đầu tư.  

Đây là khu giáo dục đào tạo đại học, cao đẳng, dạy nghề và nghiên cứu khoa học với hệ thống hạ tầng đồng bộ, hiện đại, nhằm bảo đảm cơ sở vật chất cho hoạt động của Trường Đại học Nguyễn Trãi, được thành lập theo Quyết định số 183/QĐ-TTg ngày 5/2/2008 của Thủ tướng. 

Thế nhưng sau khi tỉnh Hà Tây được sáp nhập vào Hà Nội, dự án này bị ảnh hưởng không được triển khai. Vậy đâu là nguyên nhân?

Theo LADECO, hồ sơ vụ việc thể hiện, ban đầu quá trình triển khai dự án diễn ra suôn sẻ, tuân thủ đầy đủ các quy định trình tự thủ tục. Năm 2008, sau khi Hà Tây được  sáp nhập vào Hà Nội thì dự án buộc phải tạm dừng lại để rà soát, phân loại các đồ án quy hoạch, dự án đầu tư phục vụ công tác quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội. 

Sau khi rà soát, lấy ý kiến của các Bộ KH&ĐT, GD&ĐT, Bộ Xây dựng và UBND TP Hà Nội, Thủ tướng đã có kết luận: “Đồng ý cho tiếp tục triển khai dự án, giao Chủ tịch UBND TP Hà Nội và LADECO triển khai thực hiện…”.

Năm 2012, Quy hoạch phân khu S4 về Hà Nội chính thức được phê duyệt. Theo Quy hoạch này, một lần nữa, toàn bộ khu đất của dự án gồm hai phần, 14 ha có chức năng giáo dục và 20 ha là đất nhà ở, cây xanh, giao thông được Chủ tịch UBND TP Hà Nội “đồng ý cho tiếp tục triển khai dự án và cập nhật chức năng sử dụng đất theo quy hoạch S4”. 

Tại thời điểm này, tưởng như Dự án sẽ được cấp phép triển khai nhưng rốt cục vẫn “giẫm chân tại chỗ”.  Nhận được đơn của chủ dự án, trên cơ sở chỉ đạo của lãnh đạo TP, liên ngành Sở Quy hoạch Kiến trúc, KH&ĐT đều thống nhất đề nghị UBND TP: “Tiếp tục cho LADECO triển khai thực hiện dự án Khu Giáo dục Nguyễn Trãi tại khu đất được xác định là trường đào tạo, viện nghiên cứu khoa học theo quy hoạch phân khu S4 khoảng 14 ha. Đối với các ô đất còn lại khoảng 25 ha, cho phép Công ty LADECO tiến hành các thủ tục triển khai lập dự án theo quy định của pháp luật, bảo đảm phù hợp với phân khu S4 đã duyệt”. 

Thế nhưng sau đó UBND TP Hà Nội vẫn không chấp nhận. Ngày 21/01/2017, Ban Cán sự Đảng UBND TP Hà Nội có Báo cáo số 21-BC/BCS ký với nội dung tách dự án này làm hai khu: Khu 14ha giao LADECO nghiên cứu lập quy hoạch chi tiết với chức năng giáo dục; và khu 20ha giao UBND quận Hà Đông nghiên cứu lập quy hoạch chi tiết với chức năng đất nhà ở, cây xanh, thể dục thể thao… 

Dự án bị cắt thành hai, chỉ còn riêng biệt Khu Giáo dục Nguyễn Trãi tại khu đất được xác định là trường đào tạo, viện nghiên cứu khoa học 14 ha do LADECO làm chủ đầu tư; còn các ô đất khoảng 20 ha là hệ thống hạ tầng đồng bộ, hiện đại của dự án này bị cắt đi giao UBND quận Hà Đông lập dự án riêng. Do đó dự án bị cô lập không thể triển khai tiếp tục. 

Mặt khác, diện tích 14ha chỉ làm được khu giảng đường, không có khu phụ trợ phục vụ giảng dạy, bao gồm khu hành chính dịch vụ, khu ký túc xá, khu nhà công vụ, nhà trẻ, khu chuyên gia quốc tế, khu bệnh viện thực hành và nghiên cứu khoa học công nghệ cao, khu khách sạn thực hành, khu thể thao đa năng, khu giao lưu trí thức văn hóa,… Hạ tầng đồng bộ, hiện đại của dự án này đã không còn thì Khu giáo dục Nguyễn Trãi không còn là một thực thể hoàn chỉnh nữa.  

Được biết, trong tháng 7 và 8 năm 2020, Cty CP Đầu tư và phát triển nhân lực LADECO liên tục có đơn xin cứu xét gửi tới Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình và Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ để đề nghị xem xét, giải quyết nhằm bảo đảm dự án được triển khai thực hiện theo đúng quy định của pháp luật, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của DN.  

Theo chủ dự án, việc không kịp thời phát huy nguồn lực về đất đai (dự án kéo dài đã 13 năm) đã làm cho TP Hà Nội mất đi một nguồn thu rất lớn. Cơ hội hợp tác, đầu tư của chủ dự án; việc tạo thêm khoảng 25.000 chỗ làm và cơ hội khởi nghiệp cho giới trẻ cứ dần trôi đi.

Đọc thêm