Kiến nghị không xử lý hình sự hành vi sa thải lao động trái pháp luật

(PLO) - Bộ luật hình sự 2015 đang được Quốc hội rà soát sửa đổi, bổ sung. Liên quan đến một số quy định về quan hệ kinh tế, lao động, các chuyên gia pháp luật kiến nghị không xử lý hình sự đối với hành vi sa thải người lao động trái pháp luật.
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Phân định trách nhiệm công chức và chủ DN tư nhân

Bộ luật Hình sự 2015 quy định tội buộc công chức, viên chức thôi việc hoặc sa thải người lao động trái pháp luật tại Điều 162. Theo đó, Điều 162 xác định trách nhiệm hình sự đối với hành vi sa thải trái pháp luật đối với người lao động, hoặc cưỡng ép, đe dọa, buộc người lao động phải thôi việc. Các yếu tố cần có thêm là “vì vụ lợi hoặc động cơ cá nhân” và “làm cho người bị sa thải, thôi việc hoặc gia đình họ lâm vào tình trạng khó khăn”. 

Theo các chuyên gia pháp luật của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), việc áp dụng tội danh này trong trường hợp buộc công chức, viên chức thôi việc, sa thải người lao động tại các DN nhà nước có thể hợp lý. Song, nếu áp dụng quy định này cho khối DN tư nhân sẽ không còn phù hợp.

Bởi lẽ, quan hệ hợp đồng lao động là quan hệ dân sự, việc chấm dứt hợp đồng lao động, sa thải trái pháp luật đã có các biện pháp chế tài về dân sự điều chỉnh. Ví dụ, Điều 42 Bộ luật Lao động có quy định về việc nhận người lao động trở lại làm việc, bồi thường do sa thải người lao động trái pháp luật...

Hơn nữa, việc xác định yếu tố vụ lợi hay động cơ cá nhân của người ra quyết định sa thải là quan hệ giữa người này và đơn vị đã đứng ra thuê lao động. Ví dụ, nếu một vị giám đốc ra quyết định sa thải trái pháp luật đối với một nhân viên, dù là vì vụ lợi hay động cơ cá nhân thì cũng được coi là quyết định của công ty đó bởi vị giám đốc là người đại diện hợp pháp. Do đó, nếu việc ra quyết định vì vụ lợi hay động cơ cá nhân thì vị giám đốc đó phải chịu trước chủ sử dụng lao động (là công ty) chứ không phải là vấn đề mà Nhà nước cần can thiệp. 

“Lập luận này cũng lý giải vì sao tội này áp dụng với cán bộ, công chức thì hợp lý, vì trong trường hơp này, chủ sử dụng lao động đối với cán bộ, công chức chính là Nhà nước” – văn bản của VCCI gửi Ủy ban Tư pháp Quốc hội nêu rõ – “Do đó, đề nghị cơ quan soạn thảo thu hẹp phạm vi của Điều 162, không hình sự hóa đối với trường hợp sa thải trái pháp luật của DN”.

Cân nhắc không hình sự hóa hành vi bố mẹ yêu cầu con cái giúp công việc gia đình

Điều 296 Bộ luật Hình sự 2015 quy định tội vi phạm quy định về sử dụng người lao động dưới 16 tuổi. Việc xử lý trách nhiệm hình sự đối với hành vi sử dụng lao động trẻ em dẫn đến tai nạn là cần thiết. Tuy nhiên, trong nhiều trường hợp tại Việt Nam hiện nay, hiện tượng sử dụng lao động trẻ em nông thôn do chính bố mẹ các em yêu cầu vẫn thường diễn ra. Đây là hành vi cần ngăn chặn, nhưng ngăn chặn bằng biện pháp hình sự lại không thực sự hợp lý.

“Trong những trường hợp này, trẻ em đã bị tai nạn, cha mẹ phải tìm cách chạy chữa lại còn có nguy cơ đối mặt với một bản án hình sự. Số tiền phạt hay thời gian ngồi tù của cha mẹ sẽ khiến cuộc sống của các gia đình này đã khó khăn lại càng trở nên khó khăn hơn. Do đó, đề nghị cơ quan soạn thảo cân nhắc việc không xử lý trách nhiệm hình sự đối với trường hợp cha mẹ sử dụng lao động trẻ em giúp công việc của gia đình”. – VCCI góp ý.

Kiến nghị không xử lý hình sự hành vi nợ bảo hiểm xã hội

Tội trốn đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động quy định tại Điều 216 Bộ luật Hình sự 2015. Nghĩa vụ đóng bảo hiểm cho người lao động là nghĩa vụ tài chính bắt buộc mà DN phải thực hiện, tương tự như nghĩa vụ thuế. Tội danh trốn thuế chỉ xử lý đối với trường hợp có gian lận trong việc kê khai thuế chứ không xử lý đối với sai phạm trong hành vi nộp tiền vào ngân sách. Tuy nhiên, đối với tội trốn đóng bảo hiểm thì căn cứ để xử lý lại là hành vi “gian dối hoặc bằng thủ đoạn khác để không đóng hoặc không đóng đầy đủ theo quy định từ 06 tháng trở lên”.

Việc xác định hành vi này có nguy cơ nhầm lẫn giữa “trốn” và “nợ” nghĩa vụ tài chính. Trong trường hợp DN ghi sổ sách và khai báo nghĩa vụ nộp bảo hiểm của mình một cách đầy đủ, chính xác, trung thực nhưng vì nhiều lý do khác nhau mà chậm nộp tiền bảo hiểm quá hạn 06 tháng thì vẫn có thể bị xử lý hình sự. Trong khi đó, cơ quan bảo hiểm vẫn có thể tiến hành đòi nợ DN như một khoản nợ bình thường khác thông qua các biện pháp bao gồm cả Tòa án dân sự. Đây có lẽ là khoản nợ duy nhất trong hệ thống pháp luật Việt Nam có áp dụng chế tài hình sự nếu quá hạn trả nợ.

Do đó, VCCI đề nghị sửa đổi quy định theo hướng chỉ xử lý hình sự đối với hành vi DN gian dối khi khai báo nghĩa vụ nộp bảo hiểm, còn việc nợ tiền bảo hiểm thì không xử lý hình sự.

Đọc thêm