Lâm Đồng: Doanh nghiệp khốn đốn sau khi chính quyền áp dụng sai luật

(PLVN) - Một doanh nghiệp nông nghiệp công nghệ cao tiến hành xây kè nhằm chống sạt lở đất vườn, dù thực hiện đúng theo quy định của Luật Xây dựng nhưng vẫn bị chính quyền lập biên bản xử phạt vi phạm hành chính, ra văn bản buộc ngừng thi công dẫn đến chịu nhiều tổn thất nặng nề.

Thực hiện đúng luật lại bị phán là “vi phạm”

Đầu năm 2016, Công ty cổ phần Đầu tư - Thương mại - Dịch vụ - Sản xuất Phương Đông (công ty), trụ sở tại quận Gò Vấp, TP.Hồ Chí Minh, được UBND tỉnh Lâm Đồng ra quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư dự dán vườn ươm giống hoa công nghệ cao. Địa điểm triển khai thực hiện dự án tại phường 7, TP.Đà Lạt.

Khi đã thực hiện đầy đủ các thủ tục về đất đai như ký hợp đồng thuê đất, thực hiện chuyển đổi mục đích sử dụng đất, tháng 8/2016, công ty được UBND TP.Đà Lạt cấp giấy phép xây dựng, trong đó quy định các hạng mục như văn phòng, nhà ăn, nhà kho.

Ngay sau đó, công ty tiến hành xây dựng các hạng mục theo hồ sơ thiết kế, giấy phép xây dựng. Đồng thời, tại phần bờ đất tiếp giáp với đường đi, vì địa hình đồi dốc nên để tránh sạt lở đất, đảm bảo an toàn khi dự án hoạt động, công ty triển khai xây dựng phần kè bê tông chắn đất.

Tháng 10/2016, việc xây dựng kè chắn đất đã bị UBND phường 7 lập biên bản “vi phạm hành chính và yêu cầu ngừng thi công công trình vi phạm”, buộc tháo dỡ công trình vi phạm.

Công ty đã có đơn kiến nghị đến UBND TP.Đà Lạt, đề nghị xem xét vấn đề trên vì cho rằng theo luật quy định, việc xây dựng bờ kè của công ty là không cần phải xin phép. Ngày 16/11/2016, UBND TP.Đà Lạt có văn bản số 7640/UBND, cho rằng việc “thi công kè chắn đất của công ty không thuộc trường hợp miễn giấy phép xây dựng”.

Với lý do việc san gạt đất, xây kè chắn đất và di dời trụ điện mà không xin phép cơ quan chức năng, UBND TP.Đà Lạt đề nghị công ty ngưng thi công phần san gạt đất và kè chắn đất, liên hệ cơ quan thẩm quyền để lập thủ tục xin phép.

Cuối tháng 11/2016, công ty đã có văn bản gửi Cục Quản lý hoạt động xây dựng - Bộ Xây dựng để nhờ hướng dẫn vấn đề nói trên. Theo đó, vướng mắc nằm ở chỗ, phần đất xây kè chống sạt lở là đất vườn ươm – đất nông nghiệp, chứ không phải là đất đô thị. Mục đích xây kè còn dùng làm ranh giới đất, phòng các sự cố mất an toàn cho tài sản và nhân công làm việc tại vườn ươm.

Ngày 1/12/2016, Cục Quản lý hoạt động xây dựng có văn bản số 1121/HĐXD-VP về việc hướng dẫn thủ tục đầu tư xây dựng. Trong đó khẳng định, việc công ty xây dựng kè chắn đất trên đất nông nghiệp nhằm bảo vệ đất (không phục vụ công trình xây dựng phía trên) thì không cần phải có giấy phép xây dựng.

Văn bản hướng dẫn này cũng được cục gửi đến Sở Xây dựng Lâm Đồng và UBND TP.Đà Lạt. Tuy nhiên, vì cho rằng các cơ quan và cán bộ của TP.Đà Lạt vẫn chưa hiểu ra vấn đề, công ty đã phải tiếp tục nhờ cơ quan Bộ Xây dựng giải thích lần thứ hai.

Tổng cộng trong tháng 12/2016, Cục Quản lý hoạt động xây dựng đã 2 lần gửi văn bản đến các cơ quan liên quan của tỉnh Lâm Đồng. Ngoài việc khẳng định công ty thực hiện đúng quy định, 2 văn bản cũng đã hướng dẫn, giải thích cặn kẽ để giúp các đơn vị và cán bộ địa phương hiểu rõ quy định của Luật Xây dựng.

Cục Quản lý hoạt động xây dựng – Bộ Xây dựng khẳng định việc xây kè chắn đất trên đất nông nghiệp không cần xin giấy phép
Cục Quản lý hoạt động xây dựng – Bộ Xây dựng khẳng định việc xây kè chắn đất trên đất nông nghiệp không cần xin giấy phép

Biết sai vẫn để đó

Đầu năm 2017, UBND tỉnh Lâm Đồng thông báo kết luận của lãnh đạo tỉnh sau khi có buổi làm việc với công ty. Theo đó, yêu cầu các cơ quan đơn vị thực hiện theo hướng dẫn của Bộ Xây dựng. Sở Xây dựng Lâm Đồng sau đó đã ra văn bản hướng dẫn công ty thực hiện xây dựng kè, trong đó khẳng định việc xây dựng kè là không cần xin giấy phép.

Vấn đề như vậy đã được làm rõ, thế nhưng đến tháng 2/2017, UBND TP.Đà Lạt có văn bản “về việc xử lý công trình xây dựng của công ty Phương Đông”. Mặc dù thực hiện theo chỉ đạo của lãnh đạo tỉnh nhưng đơn vị này đã cố tình lập lờ khi nói rằng: “UBND TP.Đà Lạt thống nhất chủ trương không cấp phép xây dựng kè chắn đất” cho công ty.

Trước việc UBND TP.Đà Lạt cố tình lờ đi văn bản 7640 với yêu cầu ngưng thi công khiến công ty chịu nhiều tổn thất, như phải đền bù cho đơn vị thi công, đối tác chuyển giao công nghệ, doanh nghiệp đã nhiều lần có đơn yêu cầu thành phố rút lại văn bản nói trên.

Thế nhưng, thay vì hủy bỏ văn bản có nội dung áp dụng sai quy định pháp luật, UBND TP.Đà Lạt sau nhiều lần yêu cầu các phòng ban kiểm tra nhiều vấn đề liên quan đến công ty, vẫn không thu hồi hủy bỏ văn bản 7640.

“Các cơ quan chức năng tỉnh Lâm Đồng đã kiểm tra, xác minh và kết luận Công ty Phương Đông không vi phạm bất cứ nội dung nào như văn bản hành chính số 7640. Điều này thể hiện rõ ở việc ngày 24/11/2017 công ty đã được cấp GCN QSDĐ sau khi chỉnh lý hiện trạng đất dự án”, đại diện công ty cho biết.

Cũng theo doanh nghiệp, nội dung văn bản 7640 chẳng khác gì nói công ty vi phạm pháp luật, vì vậy ngoài những thiệt hại nặng nề về kinh tế do tiến độ bị ngưng trệ thời gian dài, công ty còn đối mặt việc ngân hàng từ chối giải ngân cho dự án. Thậm chí bị kẻ xấu lợi dụng để hạ uy tín, thương hiệu công ty. Và khi nào văn bản chưa bị thu hồi, uy tín và thương hiệu doanh nghiệp vẫn bị ảnh hưởng.

“Chúng tôi đầu tư vào lĩnh vực nông nhiệp công nghệ cao theo chủ trương kêu gọi đầu tư của tỉnh Lâm Đồng, được lãnh đạo tỉnh đánh giá là có tinh thần quyết tâm cao trong thực hiện dự án, góp phần vào thành quả chung của ngành nông nghiệp công nghệ cao, thế nhưng quá trình thực hiện, những gì chúng tôi nhận được từ phía UBND TP.Đà Lạt thật sự rất cay đắng”, ông Huỳnh Cao Sơn – Tổng giám đốc Công ty Phương Đông tỏ vẻ ngao ngán.

Báo Pháp luật Việt Nam tiếp tục thông tin.

Phải bồi thường nếu văn bản sai luật gây ra thiệt hại

Theo luật sư Nguyễn Văn Hậu – Phó chủ tịch Hội luật gia TP.HCM, văn bản số 7640 là một quyết định hành chính của cơ quan quản lý nhà nước, áp dụng cho một vụ việc cụ thể. Theo quy định của Luật khiếu nại năm 2011 thì trong trường hợp cá nhân, tổ chức có căn cứ cho rằng quyết định hoặc hành vi của cơ quan hành chính Nhà nước ban hành là trái pháp luật, xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp của mình thì cá nhân, tổ chức có quyền khiếu nại đối với quyết định hoặc hành vi hành chính đó để yêu cầu cơ quan đã ban hành quyết định phải thu hồi quyết định hoặc chấm dứt hành vi vi phạm.

Như vậy, trong trường hợp này, đối với quyết định số 7640, doanh nghiệp hoàn toàn có thể yêu cầu cơ quan đã ban hành văn bản đó phải thu hồi lại văn bản theo quy định. Nếu sau khi khiếu nại công ty vẫn không đồng ý quyết định giải quyết nại thì có thể tiến hành khởi kiện vụ án hành chính theo thủ tục tố tụng hành chính.

Người ký công văn 7640 phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại cho công ty nếu công ty chứng minh được việc sai lệch trong nội dung đã làm ảnh hưởng và gây tổn thất đến tình trạng hoạt động của công ty. Việc bồi thường thực hiện theo Luật trách nhiệm bồi thường thiệt hại của Nhà nước và Nghị định số 68/2018/NĐ-CP ngày 15/5/2018.

Đọc thêm