Lao đao vì lô hàng trị giá trăm triệu “không cánh mà bay”

(PLO) -Do tin tưởng vào đối tác, chị Vũ Thị Dung (SN 1983, ngụ thôn 6, xã Ea Kiết, huyện Cư M’gar, tỉnh Đắk Lắk) đã giao việc cân, kiểm hàng cho người quen thực hiện. Tuy nhiên, trong một lần, lô hàng nông sản gồm cà phê, tiêu với giá trị hơn 100 triệu đồng của chị bỗng dưng “biến mất”. Suốt 4 năm qua, bị hại đã nhiều lần làm đơn gửi tới các cơ quan chức năng nhưng mọi việc vẫn chưa được làm sáng tỏ.
Hai vợ chồng chị Dung kể lại sự việc
Hai vợ chồng chị Dung kể lại sự việc

Mất hàng không lý do

Theo đơn tố cáo của chị Dung: Ngày 25/2/2013, chị cùng chị Đỗ Thị Tuyết (SN 1971) đến nhà chị Nguyễn Thị Lành (SN 1975, cùng ngụ xã Ea Kiết, huyện Cư M’gar) để mua nông sản. Lô hàng này gồm tiêu, cà phê nhân xô với giá hơn 100 triệu đồng. 

Sau đó, chị Dung ra đại lý Kim Anh (thị trấn Quảng Phú, huyện Cư M’gar) để chốt đơn hàng. Trước khi đi, chị Dung có nhờ chị Tuyết ở lại trông hàng và đưa cho người này 50 triệu đồng để đặt cọc tiền mua lô nông sản trên. 

Đến 16h cùng ngày, chị Tuyết điện thoại cho chị Dung báo: “không đủ tiền họ không cho bốc hàng”. Chị Dung trả lời “vậy đợi em mang tiền về”. Tuy nhiên, khoảng 5 phút sau, chị Tuyết báo đã mượn được tiền của bà Đỗ Thị Hương (ngụ thôn 1, xã Ea Kpam, huyện Cư M’gar), chủ xe chở lô hàng trên với số tiền là 50 triệu đồng. 

Lúc đó, chị Dung cũng có trao đổi qua điện thoại với bà Hương về việc mượn 50 triệu để trả tiền hàng. Sau đó, chị Tuyết cho người bốc số hàng mua được lên xe của bà Hương. 

Tới khoảng 17h30 cùng ngày, bà Hương đến gặp chị Dung để nhận lại số tiền 50 triệu đồng đã cho mượn. Lúc đó, chị Dung có hỏi bà Hương: “Xe về chưa chị, để em làm hàng cân cho đại lý?”, thì bà Hương nói: “Để chị làm hàng luôn cho, bầu bì đi lại làm gì cho mệt”. 

Do tin tưởng bạn hàng nên chị Dung đồng ý với thiện chí giúp đỡ của bà Hương. Nhưng sau đó, lô hàng của chị Dung không được chở đến đại lý thu mua nông sản Kim Anh mà được chở đi tiêu thụ ở đâu không rõ. Lúc này, chị Dung liền gọi cho bà Hương hỏi thì bà Hương không trả lời được. 

Ngay sau khi phát hiện lộ hàng của mình bị mất, chị Dung đã trình báo lên Công an. Sau khi tiếp nhận đơn trình báo, Công an huyện CưM’gar đã cử cán bộ trực tiếp thụ lý giải quyết. 

Sau hơn 3 năm, ngày 30/5/2016, Cơ quan CSĐT Công an huyện Cư M’gar mới ra Thông báo 116, kết quả giải quyết đơn tố cáo của công dân với kết luận: “Xét thấy vụ việc trên không có sự việc phạm tội xảy ra, là vụ việc tranh chấp dân sự”. Không đồng ý với nội dung thông báo trên nên chị Dung đã làm đơn phản đối gửi Công an huyện Cư M’gar. 

Trong đơn, chị Dung tố các điều tra viên đã cố tình kéo dài thời gian xử lý sự việc tới hơn 3 năm, luôn tìm cách né tránh không giải quyết, gây khó dễ cho gia đình, cố tình bao che tội phạm, làm sai lệch hồ sơ vụ án, thay đổi các tình tiết sự việc một cách trắng trợn. 

Ngoài ra, chị Dung còn đề nghị Cơ quan CSĐT thay đổi điều tra viên, điều tra lại từ đầu sự việc. Trong quá trình điều tra, chị Dung đề nghị được đối chất, có sự chứng kiến của chính quyền địa phương và Công an huyện Cư M’gar. 

Tuy nhiên, ngày 19/7/2016, Cơ quan CSĐT Công an huyện Cư M’gar lại ra quyết định số 03/QĐ, kết luận nội dung khiếu nại của chị Dung là không có cơ sở, giữ nguyên Thông báo 116/TB-KT của Phó thủ trưởng Cơ quan CSĐT công an huyện CưM’gar.

Có vi phạm thời gian thụ lý đơn?

Chị Dung bức xúc: “Tại sao, sau hơn 3 năm thụ lý vụ việc, Cơ quan CSĐT Công an huyện CưM’gar mới ra quyết định vô lý như vậy. Sau khi đọc nội dung thông báo, tôi vô cùng ngỡ ngàng vì thấy cách làm của công an huyện CưM’gar không khách quan, không hợp lý, nội dung thông báo lại không đúng với nội dung sự việc. Tại sao cơ quan chức năng không cho chúng tôi được đối chất với nhau để có một kết luận chính xác? 

Cũng theo chị Dung, từ ngày bị mất hàng, hai vợ chồng chị đã nhiều lần nộp đơn lên các cơ quan chức năng nhưng không được giải quyết thỏa đáng. “Là người bị hại trong vụ việc trên, tôi chỉ biết nhờ tới sự công minh từ các cơ quan có thẩm quyền, nay sự việc lại “trây ỳ”, sai trái như vậy, thử hỏi, chúng tôi còn biết trông mong vào công lý nữa?”.

“Lần đó, chị Tuyết có liên hệ và năn nỉ tôi cùng thu mua lô hàng này. Biết Tuyết vừa bể nợ, không có vốn để xoay vòng nên tôi đã đồng ý. Buổi tối hôm đó, chờ không thấy hàng đâu, tôi đã nghi có điều gì đó không ổn. Tôi hỏi thì bà Hương trả lời mập mờ lúc thì nói hàng đang ra, lúc thì nói không biết có vấn đề gì giữa bà Tuyết với bạn hàng. Cũng từ đó, bà Hương phủ nhận trách nhiệm trong lô hàng của tôi”, chị Dung cho biết.

Trong khi đó, chị Lành xác nhận: “Tôi đã bán lô hàng trên cho bà Tuyết. Sự việc này dây dưa, kéo dài khiến tôi rất mệt mỏi. Tôi chỉ là một người nông dân lam lũ, việc lừa đảo hay tranh chấp tôi không hay biết, nhưng từ khi xảy ra sự việc, bản thân tôi cũng bị cuốn vào vòng pháp luật khiến tôi cảm thấy rất mệt mỏi. Rất mong cơ quan pháp luật vào cuộc điều tra làm rõ dứt điểm việc này, đừng để dây dưa thêm nữa”.

Được biết, thời điểm bốc hàng lên xe nhà bà Hương, chị Tuyết không có mặt ở đó nên chỉ nắm được tình hình qua liên lạc bằng điện thoại. Giữa chị Dung và bà Hường không có bất cứ khoản nợ nần nào trước đó. Từ ngày bị mất lô hàng nông sản trên, gia cảnh chị Dung thêm khó khăn, bởi bao vốn liếng từ tích cóp và vay mượn của hai vợ chồng bỗng dưng “không cánh mà bay”.  

Trao đổi sự việc trên với phóng viên, ông Hà Khắc Nghinh, Trưởng Công an huyện Cư M’gar cho biết: “Trước đây, chúng tôi có nhận được đơn thư về việc tranh chấp lô hàng nông sản của hộ gia đình bà Vũ Thị Dung. Sau quá trình xem xét cũng như điều tra, nhận định đây là vụ tranh chấp dân sự, việc mua qua bán lại, trả nợ qua trả nợ lại của các thương lái dẫn đến khiếu kiện nhau. Sau đó, chúng tôi đã gọi bà Dung lên trụ sở trả lời đồng thời khuyên bà nên gửi đơn ra tòa án để giải quyết theo đúng thẩm quyền”.

PLVN sẽ tiếp tục thông tin về vụ việc.

Theo quan điểm của Luật sư Mai Quốc Ánh, Văn phòng luật sư Ánh Đắk Lắk cho biết: “Đối với sự việc này, việc phía các cơ quan chức năng tiến hành tố tụng kéo dài thời gian như vậy mà không có một quyết định hay thông báo nào là sai.

Tôi cho rằng là vi phạm vào luật tố tụng. Ai sai thì người đó phải chịu trách nhiệm, hà cớ gì lại kéo dài thời gian không giải quyết dứt điểm ngay từ lúc đầu. Trong khi theo quy định, một vụ việc nghiêm trọng cũng chỉ được kéo dài 6 tháng”.

Ngoài ra, ông Ánh cũng chia sẻ thêm: “Qua nghiên cứu hồ sơ vụ việc, qua quá trình trao đổi, đối chất với các cơ quan chức năng cũng như một số người có liên quan, trong vụ việc này cho thấy, việc bà Dung và bà Hường có những thỏa thuận để vay và trả số tiền 50 triệu đồng (để mua lô hàng) đã khẳng định đó là tài sản của bà Dung và bà Tuyết. Có người đã cấu kết để chiếm đoạt lô hàng trên”.

Đọc thêm