'Lẩu thập cẩm' âm nhạc trên phố đi bộ Hồ Gươm

(PLO) - Khép lại những tranh cãi chưa có hồi kết xung quanh phố đi bộ về chó không rọ mõm khi được dắt đi dạo, chơi xe điện thăng bằng mà không có đồ bảo hộ… lại nói về câu chuyện dường như mọi hoạt động văn hóa văn nghệ trên phố đi bộ vẫn còn thiếu sự tương tác giữa người biểu diễn và người thưởng thức nên chưa tạo bức tranh hoàn hảo về nghệ thuật đường phố trên tuyến phố đi bộ Hồ Gươm.
Phố đi bộ (Nguồn: internet)
Phố đi bộ (Nguồn: internet)

Không biết nghe gì giữa “bữa lẩu thập cẩm” âm nhạc

Thời điểm này đến với tuyến phố đi bộ quanh Hồ Gươm có thể thấy một “bữa lẩu thập cẩm” âm nhạc. Và những nhóm nhạc lại đứng rất gần nhau để âm thanh giao thoa thành một thứ âm nhạc hỗn độn, tây không ra tây, ta không ra ta. “Mỗi đêm nhạc, cần có một chủ đề mang ý nghĩa hoặc dòng chảy văn hóa riêng thì sẽ hoàn hảo hơn” - đó là mong muốn của chị Hoàng Anh, một người dân ở phố Bà Triệu – Hà Nội khi được hỏi về các hoạt động văn hóa văn nghệ diễn ra trên tuyến phố đi bộ. Ý kiến của chị Hoàng Anh cũng nhận được sự đồng tình của nhiều người khác bởi theo họ ban ngày có thể ít người không gian sẽ thoáng đãng hơn nhưng về ban đêm thu hút nhiều khách du lịch hơn thì nên có sự đầu tư kĩ lưỡng hơn về mặt nội dung.

Các hoạt động văn hóa văn nghệ hiện nay trên phố đi bộ Hồ Gươm mới chỉ dừng lại ở phân ca, phân giờ biểu diễn chứ chưa đi theo một chủ đề nhất định nào khi trình diễn. Sở dĩ như vậy là vì hiện nay các hoạt động văn hóa văn nghệ trên phố đi bộ là do UBND quận Hoàn Kiếm phối hợp cùng Ban Quản lý phố cổ và Sở VH-TT Hà Nội đứng ra cùng phụ trách nhưng lại hoạt động độc lập.

Chính vì lẽ đó mà chưa có sự thống nhất xem đêm nay sẽ biểu diễn âm nhạc chủ đề dân gian, hay đương đại hay đơn giản là chủ đề âm nhạc dành cho phố đi bộ hôm nay là gì là vẫn chưa có. Bằng chứng là trong một không gian rất ngắn thôi, chúng ta có thể bắt gặp âm nhạc dân gian, âm nhạc đương đại, rock, dance… còn chưa kể đến các hoạt động âm nhạc tự phát đến từ các học sinh, sinh viên. Điều này khiến nhiều người khá là bức xúc, anh Minh Quang người dân ở phố Tô Hiệu – Hà Nội cho biết: “Nhiều hôm tôi lên phố đi bộ, đang đứng nghe kéo đàn thì cứ bị tiếng hò hét của nhóm bạn đang nhảy hiphop ở bên cạnh, rất khó chịu mà sự thưởng thức vì thế cũng không còn trọn vẹn nữa”.

Đứng trước những bức xúc và ý kiến của nhiều người tham gia phố đi bộ, thiết nghĩ nên chăng cần sự quy hoạch, phân luồng không gian đâu là dành cho âm nhạc dân gian, đâu là dành cho đương đại, đâu là dành cho sự sôi động… để tạo nên một không gian thống nhất, để du khách thực sự được hòa mình vào bữa tiệc âm nhạc thật sự và văn minh hơn.

Cần nhiều sự tương tác

Chia sẻ với phóng viên về những điểm “chưa làm được” của văn hóa văn nghệ trên tuyến phố đi bộ Hồ Gươm,  bà Trần Thị Lan - Phó Ban Văn hóa Ban Quản lý phố cổ chia sẻ, âm nhạc chính là yếu tố quyết định sự thu hút của du khách đến với phố cổ và phố đi bộ bằng chứng là khi có âm nhạc du khách rất đông, dừng biểu diễn là du khách vắng dần. Nhưng dường như khán giả Việt Nam mới chỉ dừng lại ở mức thưởng thức chứ chưa có sự tương tác cùng với người nghệ sĩ như vào hát cùng, vào nhảy cùng… để tạo nên sự sinh động đúng chất nghệ thuật đường phố. 

Cũng theo bà Lan, nhìn chung những “nút thắt” quan trọng mà văn hóa nghệ thuật làm được cho phố đi bộ hiện nay là điều đáng ngưỡng mộ và trân trọng. Dù vẫn còn nhiều bất cập, vẫn còn thiếu sự “mặn mà” để làm nên bữa tiệc âm nhạc hoành tráng hơn và mang ý nghĩa sâu sắc hơn, nhưng tất cả mới chỉ đang bắt đầu. Hi vọng thời gian tới, các cơ quan chức năng, ban ngành sẽ có sự tương tác qua lại với nhau nhiều hơn để tạo nên một phố đi bộ theo một thể thống nhất hoàn hảo và sắc nét hơn từng ngày.

Đọc thêm