Lỗi hẹn tuyên án lần thứ 2 kỳ án “phân bón rởm”: Các bị cáo, người liên quan thiệt hại về tinh thần, vật chất như thế nào?

(PLVN) - Vụ “phân bón rởm” dự kiến tuyên án vào sáng 12/7 nhưng Chánh án TAND TP Sóc Trăng đã ra Thông báo dời ngày tuyên án với lý do, thẩm phán – chủ toạ phiên toà bị bệnh đột xuất.
Ông Phương nhận Thông báo hoãn tuyên án lần thứ 2
Ông Phương nhận Thông báo hoãn tuyên án lần thứ 2

Hoãn tuyên vì chủ tọa ốm

Sáng 12/7, theo đúng thông báo, bị cáo, các luật sư  và người liên quan có mặt đầy đủ để chờ nghe tuyên án sau 2 lần nghị án kéo dài. Tuy nhiên, ông Châu Hoài Phương (SN 1978, Phó Chi cục trưởng Chi cục QLTT Sóc Trăng) và ông Ung Văn Thanh (Kiểm soát viên Đội QLTT số 7, bị truy tố về tội: “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ” rất ngạc nhiên, bất ngờ vì việc tuyên án tiếp tục bị hoãn.

Theo các luật sư bào chữa cho ông Phương và ông Thanh, sáng ngày 12/7, khi mọi người có mặt đầy đủ thì Chánh án TAND TP Sóc Trăng – Lâm Tấn Vinh gọi điện nói rằng việc tuyên án tiếp tục bị hoãn lần thứ 2, yêu cầu mọi người chờ nhận Thông báo bằng văn bản. Đáng nói, trong lúc các bị cáo, luật sư và người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có mặt đầy đủ thì trong sáng ngày 12/7, không thấy Kiểm sát viên có mặt. Dường như kiểm sát viên biết trước việc hoãn tuyên này?

Thông báo số 735/TB-TA, ngày 10/7/2019 (do ông ông Vinh ký) cho biết:  “Tại phiên toà, sau khi HĐXX tuyên bố vào nghị án và thông báo sẽ tuyên án vào lúc 7h30 ngày 12/7/2019 tại trụ sở TAND TP Sóc Trăng. Tuy nhiên, vào ngày 10/7/2019 thì Thẩm phán – Chủ toạ phiên toà có gởi đơn báo cáo do bị bệnh đột xuất nên không thể tuyên án đúng theo thời gian nêu trên. Thời gian tuyên án, HĐXX sẽ thông báo sau”.

Nhận được Thông báo, bị cáo và các luật sư rất bức xúc, bởi vì Thông báo này được ký vào ngày 10/7 nhưng không công bố ngay mà chờ đến trước phiên tuyên án như dự định (ngày 12/7) mới đưa ra. “Tôi nghĩ họ đang bị sức ép nào đó về việc tuyên án”- ông Phương nói.

Còn Luật sư (LS) Huỳnh Phước Hiệp (Đoàn LS TP HCM) thì tỏ ra khá ngạc nhiên và cho biết “Trường hợp thẩm phán – chủ toạ bị bệnh là trường hợp bất khả kháng. Nhưng việc tạm dừng tuyên án đến 2 lần là rất hi hữu. Vụ án phải có khúc mắc nào đó mới có chuyện hoãn như thế?”.

Thông báo tạm hoãn phiên tuyên án lần thứ 2
Thông báo tạm hoãn phiên tuyên án lần thứ 2

Bị cáo, người có quyền lợi và nghĩa vụ bị thiệt hại?

Từ ngày bị cáo buộc phạm tội, ông Phương, ông Thanh và gia đình đều chịu nhiều điều tiếng không hay. Trao đổi với PLVN, ông Phương nói rằng, các cáo buộc phạm tội của VKS đối với ông và ông Thanh còn chưa rõ ràng, thiệt hại đang còn tranh cãi và đến nay không có cơ quan, cá nhân nào yêu cầu hai ông bồi thường. Ông Phương cho rằng mình bị oan và chịu thiệt hại rất lớn về vật chất và tinh thần.

 “Từ ngày bị khởi tố, bắt giam đến khi tại ngoại tôi không được bố trí công việc tại Chi cục QLTT dù chưa bị đình chỉ chức vụ, công việc. Từ tháng 6/2017 đến nay, hơn 2 năm, tôi chỉ được hưởng 50% lương, khoảng 2,7 triệu đồng/tháng. Các khoản khác như phụ cấp chức vụ, trách nhiệm cắt bỏ hoàn toàn. Tôi có đơn xin đi làm lại nhưng họ không chấp nhận vì cho rằng tôi đang bị truy tố, xét xử. Hai năm qua, tôi chưa được đến nhiệm sở, chưa được làm việc.

Còn danh dự và tinh thần, thiệt hại rất lớn. Ngày tôi bị bắt, vợ tôi khóc cạn nước mắt, đứa con nhỏ cứ hỏi ba đâu không về. Dân quanh vùng đồn rằng tôi nhận hối lộ, ăn tiền của doanh nghiệp để làm trái quy định nhà nước. Con tôi bị bạn bè xa lánh. Gia đình bị điều tiếng, ba mẹ tôi và ba mẹ vợ rất buồn. Thậm chí không dám đi ra ngoài vì tiếng xì xầm từ hàng xóm, từ dư luận.

Tôi được tại ngoại, cũng không dám giao du với ai. Đi đám, đi tiệc chỉ dám lén ngồi một mình. Dự một chút xíu rồi tự ra về vì người ta không dám hoặc không muốn nói chuyện với tôi. Tới thời điểm này, rõ ràng, VKS thừa nhận chúng tôi không tham ô, không vụ lợi. Thiệt hại thì bị cáo buộc nhưng không ai đòi, không ai bắt đền. Thiệt hại họ nêu ra còn mơ hồ nhưng thiệt hại gia đình tôi gánh chịu suốt 3 năm qua là có thật và đã xảy ra” - ông Phương nói.

Còn ông Thanh khẳng định gần 2 năm qua chỉ nhận được lương 1,5 triệu đồng/tháng tương đương 50% lương cơ bản, mọi phụ cấp khác bị cắt sạch. “Vợ chồng tôi đều là công chức nhà nước. Ở nhờ nhà phía bên vợ. Thu nhập chủ yếu là lương. Nhưng họ cắt hết vì bị truy tố, bị cáo buộc phạm tội. Tôi xin đi làm lại họ cũng không bố trí. Suốt 2 năm qua, gia đình tôi rất khó khăn. Tôi phải đi làm tiếp thị, bán máy móc kiếm thêm. Chúng tôi bị truy tố oan về pháp lý và còn bị thiệt hại về vật chất và  tinh thần. Rất nhiều người đồn thổi tôi ăn hối lộ vài tỷ đồng mới làm điều phi pháp. Lời đồn thổi, buộc tội của cơ quan chức năng khiến gia đình tôi không còn mặt mũi gặp người thân. Cha mẹ tôi biết chuyện rất buồn. Họ gia có hiểu gì đâu, mà dư luận thì đồn ầm lên. Thiệt hại tinh thần, danh dự không thể kể được. Tôi mong HĐXX phải sớm tuyên án để minh oan cho chúng tôi. Lấy lại danh dự, tinh thần cho chúng tôi và gia đình” ông Thanh nói.

Trong khi đó, doanh nghiệp Hồ Mỹ Nhiên - nơi phát hiện số phân bón trong vụ án cũng rơi vào cảnh lao đao. Theo đại diện doanh nghiệp Hồ Mỹ Nhiên, khi vụ án xảy ra, nhiều nông dân không trả tiền nợ mua phân vì cho rằng doanh nghiệp này bán phân giả. Họ bảo khi nào có bản án hoặc quyết định khẳng định Hồ Mỹ Nhiên bán phân thật thì mới trả tiền.

Đồng thời, trong lĩnh vực phân bón, Hồ Mỹ Nhiên không còn mua bán được nữa. Vụ án kéo dài đến nay thì càng để lâu thì doanh nghiệp càng không hoạt động được, cho nên điều đó dẫn đến việc doanh nghiệp có thể phá sản. Vụ án kéo dài ảnh hưởng đến vật chất, uy tín, kinh doanh của doanh nghiệp.

Ngoài ra, đại diện Tập đoàn Con Cò Vàng – nhà sản xuất phân bón trong vụ án thì cho rằng, do những cáo buộc của Cơ quan ANĐT, VKS rằng phân bón giả nên tập đoàn thiệt hại rất lớn về kinh tế, uy tín. Con Cò Vàng đang tập hợp hồ sơ để khởi kiện đòi bồi thường thiệt hại.

Đọc thêm