Long Biên, Hà Nội: Vì sao cưỡng chế phá dỡ công trình không cần quyết định?

(PLVN) - Ngày 9/5 vừa qua, UBND phường Đức Giang, quận Long Biên, Hà Nội đã tổ chức thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả do vi phạm hành chính đối với Cty CP Việt Phương tại khu đất “dâu tằm tơ” tại 192 phố Đức Giang. Đáng nói, việc cưỡng chế, phá dỡ công trình (bức tường bao) tại đây được chính quyền và công an phường “ra quân” khá rầm rộ nhưng lại không hề có quyết định cưỡng chế theo quy định.
Ông Lương Hồng Điệp (Chủ tịch UBND phường Đức Giang) dẫn đầu lực lượng đến phá dỡ bức tường tại khu hồ dâu tằm tơ chiều 9/5
Ông Lương Hồng Điệp (Chủ tịch UBND phường Đức Giang) dẫn đầu lực lượng đến phá dỡ bức tường tại khu hồ dâu tằm tơ chiều 9/5

Bị phá tường xây bao khu đất thuê của chính quyền

Cuối năm 2002, UBND xã Thượng Thanh, huyện Gia Lâm xây dựng phương án “Đầu tư cải tạo đất hồ dâu tằm tơ hoang hóa làm ao nuôi cá và trồng cây cảnh, cây ăn quả chất lượng cao” mà chủ đầu tư là Cty CP Việt Phương (trụ sở 140 đường Đức Giang), thời gian thực hiện dự án 30 năm. Đầu năm 2003, UBND huyện Gia Lâm đã phê duyệt phương án này. Trên cơ sở đó, vào tháng 8/2003, UBND xã Thượng Thanh và Cty CP Việt Phương đã ký hợp đồng thuê thầu 4000m2 khu hồ dâu tằm tơ với thời gian 5 năm. Khi hết 5 năm, để thực hiện tiếp phương án được duyệt thì các bên sẽ ký tiếp hợp đồng cho chu kỳ sau.

Với mong muốn sản xuất lâu dài trong nhiều chu kỳ nên ngay sau ký hợp đồng, Cty Việt Phương đã thực hiện đầu tư sản xuất theo phương án sử dụng đất 30 năm (nuôi cá, trồng cây ăn quả, xây tường bao…). Sau đó, dù khu đất không thuộc diện bị Nhà nước thu hồi và Cty Việt Phương vẫn còn nhu cầu sản xuất nhưng UBND xã Thượng Thanh đã không ký tiếp hợp đồng với Cty Việt Phương. Tuy nhiên, do chưa được thanh lý hợp đồng nên Cty Việt Phương vẫn tiếp tục sử dụng khu đất này. Sau đó, do có điều chỉnh địa giới nên khu đất thuộc địa bàn phường Đức Giang, quận Long Biên.

Cty Việt Phương sử dụng đất đến ngày 5/4/2019 thì bị một số cán bộ UBND phường Đức Giang lập Biên bản vi phạm hành chính (VPHC) số 02/BB-VPHC  cho rằng Cty đã có hành vi vi phạm “chiếm đất nông nghiệp không phải đất trồng lúa, đất rừng đặc dụng, đất rừng phòng hộ, đất rừng sản xuất, diện tích đất khoảng 5.188m2. Thời gian vi phạm sau ngày 01/7/2004 trước ngày 12/9/2014; quy định tại Khoản 1 Điều 10 Nghị định 102/2014/NĐ-CP”.

Dựa vào biên bản này, đến ngày ngày 17/4/2019 thì ông Lương Hồng Điệp, Chủ tịch UBND phường Đức Giang đã ký Quyết định số 97/QĐ-KPHQ áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả do VPHC đối với Cty Việt Phương là “buộc khôi phục tình trạng của đất trước khi vi phạm”.

Thực hiện Quyết định này, ngày 9/5/2019, UBND phường Đức Giang đã tổ chức lực lượng, phối hợp cùng Công an Phường Đức Giang tiến hành cưỡng chế, phá bỏ một số công trình và tường bao khu đất.

Khiếu nại các quyết định hành chính và việc cưỡng chế nêu trên, bà Trần Thị Minh Nhàn (đại diện Cty CP Việt Phương) khẳng định doanh nghiệp không có hành vi lấn chiếm đất bởi việc sử dụng đất, xây tường bao khu đất được thuê đều dựa trên hợp đồng thuê đất với chính quyền và phương án sử dụng đất đã được phê duyệt. Trước đây, chính quyền đã thống nhất cho doanh nghiệp sử dụng đất nhưng nay lại coi đây là “lấn chiếm” là điều rất vô lý.  

Đồng tình với quan điểm này, một số luật sư cũng cho rằng, việc sử dụng đất của của Cty Việt Phương trên cơ sở Hợp đồng thuê đất với chính quyền nên hai bên có vị trí bình đẳng với nhau. Trường hợp nếu chính quyền muốn lấy lại đất cho thuê thì phải dựa trên cơ sở thỏa thuận, thương lượng với bên thuê hoặc khởi kiện ra Tòa (vụ tranh chấp hợp đồng thuê đất) chứ không thể dùng quyền lực của mình để quy kết bên thuê đất là “lấn chiếm” và tiến hành phá dỡ bức tường bao khu đất được thuê. Hơn nữa, không thể coi việc phá dỡ bức tường là “khôi phục tình trạng ban đầu trước khi vi phạm”.

Cưỡng chế không cần quyết định

Về thủ tục xử phạt và tiến hành cưỡng chế, bà Nhàn cho hay, Cty Việt Phương không hề được mời đến chứng kiến và ký biên bản VPHC tại hiện trường. Các thành phần và người chứng kiến ghi trong biên bản thì không đúng theo quy định. Sau đó, Cty cũng không được giao Quyết định số 97/QĐ-KPHQ nên không có cơ hội khiếu nại, quyền giải trình hoặc đưa ra tài liệu thì đã bị phá hủy công trình.

Trong khi đó, Điều 70 Luật Xử lý VPHC nêu rõ: “Quyết định xử phạt VPHC được giao trực tiếp hoặc gửi qua bưu điện bằng hình thức bảo đảm và thông báo cho cá nhân, tổ chức bị xử phạt biết. Đối với trường hợp quyết định được giao trực tiếp mà cá nhân, tổ chức vi phạm cố tình không nhận quyết định thì người có thẩm quyền lập biên bản về việc không nhận quyết định có xác nhận của chính quyền địa phương và được coi là quyết định đã được giao. Đối với trường hợp gửi qua bưu điện bằng hình thức bảo đảm, nếu sau thời hạn 10 ngày, kể từ ngày quyết định xử phạt đã được gửi qua đường bưu điện đến lần thứ ba mà bị trả lại do cá nhân, tổ chức vi phạm cố tình không nhận; quyết định xử phạt đã được niêm yết tại nơi cư trú của cá nhân, trụ sở của tổ chức bị xử phạt hoặc có căn cứ cho rằng người vi phạm trốn tránh không nhận quyết định xử phạt thì được coi là quyết định đã được giao”.

Tuy nhiên, bà Nhàn khẳng định UBND phường Đức Giang đã không hề thực hiện các thủ tục giao quyết định hành chính theo quy định trên. Đặc biệt, trước khi bị phá dỡ bức tường, đại diện Công ty Việt Phương đã yêu cầu lực lượng cưỡng chế   trình quyết định cưỡng chế thì đại diện UBND Đức Giang chỉ công bố được duy nhất Quyết định áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả.

 Bình luận về nội dung trên, một số luật sư cho hay, theo quy định tại Điều 86, Điều 87 Luật Xử lý VPHC; Điều 33, 34 Nghị định 166/2013/NĐ-CP (quy định về cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính) thì nếu muốn cưỡng chế Cty Việt Phương thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả (buộc khôi phục tình trạng ban đầu) thì bắt buộc Chủ tịch UBND phường Đức Giang phải ban hành “quyết định cưỡng chế”. Sau đó mới được triển khai thực hiện cưỡng chế theo quy định tại Điều 88 Luật Xử lý VPHC.

Luật sư còn nhấn mạnh, Cty Việt Phương có quyền khiếu nại hoặc khởi kiện quyết định của Chủ tịch UBND phường Đức Giang theo quy định. Tuy nhiên, trong vụ việc này, Chủ tịch UBND phường Đức Giang đã không ban hành quyết định cưỡng chế nên đã “tước” mất quyền khiếu nại của công ty. Hơn nữa, khi không có Quyết định cưỡng chế thì cũng có nghĩa không rõ cá nhân, cơ quan  nào chủ trì tổ chức các hoạt động cưỡng chế; cơ quan có trách nhiệm tham gia. Như vậy, việc hàng chục cán bộ công an phường Đức Giang tham gia buổi cưỡng chế này cũng cần phải được đánh giá lại xem có đúng quy trình hay không.

Cho rằng Cty đã bị cưỡng chế sai và bị hủy hoại tài sản (là bức tường bao xây dựng hợp lệ), Cty Việt Phương đã có đơn thư khiếu nại đối với quyết định hành chính và hành vi hành chính của một số cán bộ và Chủ tịch UBND phường Đức Giang tới các cơ quan chức năng.

Đọc thêm