Lửa vẫn cháy, tiền vẫn tốn vì… luật “đá nhau”

(PLO) - Chiều 11/2/2017, một vụ hỏa hoạn đã xảy ra tại ngôi nhà 4 tầng ở đường Bạch Đằng, phường Chương Dương, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội. Nguyên nhân được xác định là do chủ nhà đốt vàng mã trên tầng 4, không cẩn thận khiến đám cháy lan rộng.
Lửa vẫn cháy, tiền vẫn tốn vì… luật “đá nhau”

Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy TP Hà Nội cho biết, trong quý I/2017, trên địa bàn thành phố đã xảy ra tổng số 291 vụ cháy. Với thống kê này, cứ một ngày tại Hà Nội trung bình xảy ra khoảng hơn 3 vụ cháy. 

Theo một thống kê khác, trong 291 vụ cháy xảy ra tại Hà Nội trong quý I/2017 có đến 155 vụ xảy ra với nhà dân; 37 xảy ra với kho, xưởng; cơ sở kinh doanh 19 vụ… Trong đó, nguyên nhân chủ yếu của các vụ hỏa hoạn trên địa bàn thành phố là do chập điện với 164 vụ; sơ suất khi sử dụng lửa 71 vụ; đốt vàng mã và thắp hương 8 vụ; hàn cắt 5 vụ và đang điều tra 43 vụ. 

Đáng chú ý, đốt vàng mã và thắp hương xếp thứ 3 trong các nguyên nhân xảy ra các vụ hỏa hoạn trên địa bàn TP Hà Nội. Theo thống kê, mỗi năm TP Hà Nội đã tiêu tốn khoảng 400 tỉ đồng cho việc đốt vàng mã. Mỗi năm cả nước đốt gần 50.000 tấn vàng mã, tiêu tốn hàng nghìn tỷ đồng cho phong tục này. Tại đền Bà Chúa Kho — một trong những nơi đốt vàng mã nhiều nhất, mâm vàng mã bé 200.000 đồng, mâm cỡ trung bình là 400.000 - 600.000 đồng, còn mâm cỡ đại lên đến tiền triệu, thậm chí hơn. Tiến lễ xong, từng đoàn mâm lớn, mâm bé lại được đốt thành tro. Bể hoá vàng tại đây liên tục cháy không ngơi. Tính ra, mỗi năm cả trăm tỷ đồng tiền thật đã được hoá tro tại đây theo cách này. 

Những thông tin và con số trên đủ để thấy, vì sao việc quản lý đốt vàng mã là cần thiết. Bộ VHTT&DL đã ra rất nhiều văn bản hướng dẫn về việc quản lý đốt vàng mã. Năm 2010, đã có một văn bản cấm đốt vàng mã nơi công cộng, nhưng đến thời điểm này văn bản trên gần như đã đi vào lãng quên. Đó là chưa kể đến câu chuyện “lửa vẫn cháy, tiền vẫn tốn vì luật đá nhau” bởi các quy định về cấm đốt vàng mã chưa rõ ràng, còn bất cập. 

Cụ thể, trong khi Nghị định 103 năm 2009 quy định “cấm đốt đồ mã nơi công cộng” thì Nghị định 158 năm 2013 lại “cấm đốt vàng mã sai nơi quy định”. “Nơi công cộng A quy định chỗ này được đốt vàng mã thì người dân đốt ở đó sẽ không sai theo Nghị định 158, nhưng theo Nghị định 103 thì vi phạm” — đại diện Thanh tra Bộ VHTT&DL bày tỏ cùng báo chí.

Còn nữa, việc cấm đốt đồ mã vẫn hô hào là lãng phí, nhưng cơ quan chức năng vẫn công nhận sản xuất đồ vàng mã như một ngành nghề trong danh mục thuế. Bên cạnh đó, việc sản xuất, vận chuyển đồ mã cũng chưa có quy định cấm hay hạn chế nào. Đây chính là những nguyên nhân khiến khó xử lý triệt để tình trạng đốt vàng mã lộn xộn, tràn lan. Trong những ngày rằm tháng bảy này cũng như những ngày Tết, lễ, cũng giỗ khác, nếu hỏi bất kỳ người Việt nào về quan điểm đốt vàng mã, câu trả lời nhận được sẽ là không thể từ bỏ vì tâm lý áy náy với tổ tiên, cha mẹ đã khuất. 

Ngược dòng lịch sử, theo Viện Văn hóa nghệ thuật Việt Nam, tục đốt vàng mã có nguồn gốc từ thời Trung Quốc cổ đại, chứ không thuộc về văn hóa Việt Nam. Các sử liệu Trung Quốc chỉ ra rằng, đời thượng cổ, một khi có người chết cứ thế đem chôn, không quan, không ván, lại cũng không phải khoanh phần mộ. 

Trải qua các thời Tam Hoàng Ngũ đế rồi tới Hạ, Thương, Chu, các nghi thức chôn cất người chết được “văn hóa hóa” với nhiều quy trình và quan tâm đến việc đời sống sau chết. Từ đời Hán Hoa đến năm Nguyên Hưng nguyên niên, ông Thái Lĩnh bắt đầu lấy cỏ cây dó và vải rách, lưới rách đem chế ra giấy. Có giấy, ông Vương Dũ liền chế ra vàng bạc, quần áo... bằng giấy để cúng rồi đốt đi để thay thế cho vàng bạc và đồ dùng thật trong tang ma, tế lễ. Vàng mã từ đó ra đời.

Dù rằng đây là một tập tục du nhập nhưng đến nay nó đã có ý nghĩa đối với đời sống của người dân Việt. Nhưng điều đáng lo ngại là, hiện nay người dân lạm dụng vàng mã quá nhiều và khiến cho việc đốt vàng mã hao tiền, tốn của không kém gì đốt tiền thật. Trong khi đó, việc luật “đá nhau” trong khâu quản lý khiến cho cung và cầu vàng mã vẫn “nên duyên” và với cơ quan chức năng thì xử phạt đốt vàng mã khó như lên trời.

Đọc thêm