Luật sư nhận định có nhiều vi phạm trong vụ “Gia đình chính sách mất đất vô lý ở Long An”

(PLO) - Luật sư cho rằng, việc giải quyết khiếu nại và thu hồi đất của bà Lê Thị Hường (xã Đức Hoà Đông, huyện Đức Hoà) có hàng loạt vi phạm quy định pháp luật. Điều gây bức xúc nhất là sự thật vụ việc và chủ trương của Nhà nước đã không được tôn trọng.
Bà Hường trên nền căn nhà nhỏ dựng để mưu sinh bị chính quyền cưỡng chế.
Bà Hường trên nền căn nhà nhỏ dựng để mưu sinh bị chính quyền cưỡng chế.

Như Báo PLVN đã phản ánh, bà Lê Thị Hường theo chủ trương của Đảng và Nhà nước đi cải tạo diện tích đồng bưng 27.514m2 từ năm 1982 và sử dụng liên tục, ổn định đến năm 1992 thì ông Nguyễn Khắc Thiện khiếu nại đòi đất. Căn cứ các quy định pháp luật lúc bấy giờ thì trường hợp này được quy định rất rõ.

Hiến pháp năm 1980 khẳng định: “Cá nhân đang sử dụng đất đai được tiếp tục sử dụng và hưởng kết quả lao động của mình”. Mặt khác, Luật Đất đai 1987 cũng nêu rõ: “Người đang sử dụng đất đai hợp pháp được tiếp tục sử dụng theo quy định của Luật này”. 

Đối với yêu cầu của ông Thiện, luật cũng quy định rõ. Cụ thể, Luật Đất đai 1987 quy định đất bị Nhà nước thu hồi trong trường hợp: “Người sử dụng đất không sử dụng đất được giao trong sáu tháng liền”. Thời hạn này là “12 tháng liền” đối với Luật Đất đai 1993.

Như vậy, bà Hường đủ điều kiện tiếp tục sử dụng đất và khiếu nại đòi đất của ông Thiện là vô lý. Tuy nhiên UBND tỉnh Long An lại giải quyết vụ việc một cách mâu thuẫn, trái luật.

Về chủ trương của Nhà nước, chính quyền địa phương những năm 1980, bà Hường là người hưởng ứng khai hoang vùng đồng bưng hơn 500ha tại xã Đức Hoà Đông. Điều này được chứng minh bởi các cơ quan chức năng tỉnh Long An lẫn Bộ Tài nguyên và Môi trường, nhiều nhân chứng tại địa phương cũng xác nhận. 

Theo luật sư Trần Đức Phượng (Đoàn luật sư TP HCM), đất tranh chấp có liên quan đến nguồn gốc xa xưa của gia đình ông Thiện. Tuy nhiên, các cơ quan chức năng xác định thời điểm 1975 đến năm 1982, ông Thiện không hề sử dụng đất. Đất thuộc đồng bưng 500ha ở xã Đức Hoà Đông những năm 1980.

Vì vậy, khi giải quyết tranh chấp giữa bà Hường và ông Thiện cần căn cứ vào yếu tố đang sử dụng và thời gian đã sử dụng là yếu tố quyết định, chứ không phải là nguồn gốc đất thế nào.

Quyết định 319/QĐ-UB ngày 15/07/1994 của UBND huyện Đức Hoà và Quyết định 4345/QĐ-UB ngày 28/7/1995 của UBND tỉnh Long An với nội dung giữ nguyên canh cho bà Hường là phù hợp quy định pháp luật, thống nhất với chủ trương của Đảng và Nhà nước.

Tuy nhiên, năm 1996, UBND tỉnh Long An có Quyết định 1767/QĐ-UB công nhận QSDĐ cho ông Thiện là bất hợp lý. Cụ thể, quyết định này sai sự thật khi gọi bà Hường “lấn chiếm”. 

Tiếp đến, Quyết định 4227/QĐ-UB ngày 31/12/1998 của UBND tỉnh Long An có nội dung: “Do sâu trũng gia đình ông Thiện chưa khai thác được”. Đây dường như là lý do giải thích vì sao ông Thiện bỏ hoang đất. Tuy nhiên, nếu nói như vậy thì bà Hường có công rất lớn khi cải tạo vùng đất trũng và phải hưởng thành quả đó.

Cũng theo luật sư Đức Phượng, Báo cáo 1816/TTCP-V4 ngày 07/10/2005 của Thanh tra Chính phủ (TTCP) có nhiều nghịch lý, cụ thể là nói bà Hường “lấn chiếm” và “lấn chiếm khai hoang”, tức đưa hai khái niệm gần như mâu thuẫn để gọi tên một hành động. TTCP xác định đất khiếu nại là đất nông nghiệp, trong khi UBND tỉnh Long An xác định là đất lâm nghiệp. Xác định loại đất sai nên TTCP áp dụng sai pháp luật thu hồi đất của bà Hường với lý do hạn điền là không đúng.

Tiếp đến, Quyết định 2603/QĐ-UBND ngày 12/10/2007 cũng sai khi vừa thu hồi một quyết định trước đó, đồng thời vừa thu hồi đất, biến đất tư thành đất công. Chính quyền phải thực hiện việc thu hồi đất (nếu có) với căn cứ riêng, thủ tục và quyết định riêng chứ không phải theo kiểu dân càng khiếu nại thì càng thu hồi như một kiểu áp dụng trừng phạt.

Theo luật sư, bà Hường có thể khởi kiện Quyết định 1767/QĐ-UB, Quyết định 2603/QĐ-UBND ra Tòa án. Và Thông báo 238/TB-UBND ngày 06/6/2017 của UBND tỉnh Long An cũng thống nhất việc giải quyết tại Tòa án. 

Đọc thêm