“Lùm xùm” ở Ban quản lý KCN Thái Nguyên: “Nôn nóng” trong việc sắp xếp lại nhân sự?

(PLVN) - Ngoài dư luận về việc quy trình tái cử cấp ủy có dấu hiệu bất thường, từ khi được điều động về giữ chức Phó Trưởng Ban, sau đó là Trưởng Ban Quản lý Các KCN Thái Nguyên (BQLCKCN), ông Phan Đức Cường cũng được cho là để lại những điều tiếng không tốt trong điều hành hoạt động cơ quan.
Trụ Sở BQLCKCN Thái Nguyên
Trụ Sở BQLCKCN Thái Nguyên

Sau gần nửa năm mới có quyết định phân công công việc

Như Báo PLVN đã thông tin, trong lúc quy trình xem xét nhân sự tái cử cấp ủy tại Thành ủy Sông Công đối với ông Phan Đức Cường đang thực hiện dở dang thì ngày 1/ 6/2020, ông Cường được cho thôi tham gia Ban Thường vụ, thôi giữ chức Phó Bí thư Thành ủy Sông Công điều động ông sang giữ chức Phó Trưởng Ban phụ trách các Ban QLCKCN.

Theo Nghị định 157/2007/NĐ-CP ngày 27/10/2007 của Chính phủ, đáng lý sau khi được điều động về phụ trách BQLCKCN, để bảo đảm cán bộ, công chức, viên chức thuộc quyền thực hiện đúng chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao và đúng pháp luật, ông Cường cần căn cứ các quy định về phân công, phân cấp và nhiệm vụ, quyền hạn được giao, phải ban hành hành ngay văn bản quy định cụ thể chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm của các cấp phó, các cơ quan, tổ chức, đơn vị cấu thành hoặc từng cán bộ, công chức, viên chức thuộc quyền.  

Tuy nhiên, kể từ khi được điều về phụ trách BQLCKCN, ông Cường không đã không thực hiện đúng quy định. Theo tìm hiểu của PV, trong khoảng thời gian hơn 5 tháng (từ 1/6/2020 đến 11/11/2020), ông Cường đã không ban hành thực hiện phân công nhiệm vụ trong lãnh đạo Ban, không ban hành văn bản phân công nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm cho từng thành viên trong lãnh đạo Ban.  

Việc làm này không chỉ trái quy định của Chính phủ mà còn có dấu hiệu vi phạm quy định của Đảng. Tại khoản 1 Điều 8 hướng dẫn số 03-HD/UBKTTW ngày 15/3/2012 quy định một trong những điều đảng viên không được làm là “quan liêu: xa rời thực tế, không nắm chắc tình hình trong cơ quan, tổ chức, địa phương, đơn vị, không giao nhiệm vụ cho cấp dưới hoặc giao nhiệm vụ không rõ ràng…”

Cán bộ hoang mang?

Việc chậm trễ ban hành quy định phân công công việc, theo một số cán bộ BQLCKCN đã dẫn đến tình trạng chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ chồng chéo, trùng lắp, không phân định trách nhiệm rõ ràng khiến cho cán bộ, công chức trong cơ quan hoang mang khi thực hiện chức năng, nhiệm vụ được giao.

Trong khi rất chậm trễ trong việc ban hành văn bản điều hành hoạt động chung của BQLCKCN thì ngược lại ông Cường lại có vẻ “nôn nóng” trong việc sắp xếp lại bộ máy nhân sự trong cơ quan kể từ  khi được điều về phụ trách tại đây.

 Như đã phản ánh,  khi mới được điều động giữ chức Phó Trưởng ban, ông Cường đã vội vàng ký QĐ số 93/QĐ-BQL ngày 23/7/2020 ban hành quy chế bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, luân chuyển, từ chức, miễn nhiệm công chức, viên chức lãnh đạo quản lý của BQLCKCN Thái Nguyên với rất nhiều sai sót, vi phạm các quy định về công tác cán bộ, công chức đã được các cấp có thẩm quyền bổ nhiệm. Sau đó căn cứ vào quyết định sai sót này ông Cường đã tiến hành điều động, bổ nhiệm, luân chuyển, bổ nhiệm lại một loạt cán bộ tại BQLCKCN.

Một cán bộ của BQLCKCN (đề nghị dấu tên) nói với PV, trình tự, thủ tục điều động, luân chuyển tại cơ quan này từ ngày ông Cường về quản lý đã không được thực hiện theo quy định của pháp luật khiến nhiều người bức xúc. Cụ thể, khi họp bàn về công tác cán bộ đã không mời bộ phận tham mưu về công tác tổ chức cán bộ để cùng thảo luận (Chánh Văn phòng); một số trường hợp còn không tổ chức gặp gỡ, trao đổi về chủ trương đối với công chức dự kiến luân chuyển. Công chức dự kiến luân chuyển thậm chí còn không được trình bày nguyện vọng và đề xuất ý kiến cá nhân trước khi ban hành quyết định. 

“Việc điều động đã gây xáo trộn lớn về tâm lý cho các đối tượng bị điều động, luân chuyển làm mất ổn định, không đảm bảo phù hợp với vị trí việc làm, không mang tính kế thừa và phát triển của đội ngũ công chức viên chức để nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của cơ quan” – vị cán bộ này cho biết. 

Ngoài ra, Quyết định số 01/2015/QĐ-UBND ngày 07/01/2015 của UBND tỉnh Thái Nguyên quy định các chức danh phải thỏa thuận trước khi thực hiện quy trình công tác cán bộ, trong đó có cấp phó các cơ quan, đơn vị trực thuộc Sở có cấp trưởng thuộc thẩm quyền bổ nhiệm của UBND tỉnh phải thỏa thuận với Sở Nội vụ trước khi bổ nhiệm.

Tuy nhiên, theo tìm hiểu của PV, trong các trường hợp điều động, bổ nhiệm mới có những trường hợp không đủ điều kiện vẫn được ông Cường ra Quyết định bổ nhiệm. Ví dụ, trường hợp, điều động, bổ nhiệm ông N.Q.T - Trưởng phòng Thanh tra giữ chức vụ Phó Giám đốc Ban Quản lý các Dự án đầu tư xây dựng KCN.  

Theo quy định, đối với chức danh Phó Giám đốc Ban Quản lý các dự án thuộc chức danh phải thỏa thuận với Sở Nội vụ, nhưng khi ra Quyết định, Trưởng ban BQLCKCN  đã không báo cáo, xin ý kiến thỏa thuận trước khi thực hiện quy trình công tác cán bộ. Việc làm này dẫn đến vi phạm về độ tuổi, khi người được bổ nhiệm không còn đủ tuổi để đảm bảo thời gian bổ nhiệm là 5 năm. Ngoài ra, việc ông N.Q. T vừa bổ nhiệm chức vụ Trưởng phòng Thanh tra kể từ ngày 03/6/2019 (chưa đủ 24 tháng) nên việc ông Cường ra quyết định điều động, bổ nhiệm giữ chức vụ mới cũng được cho là không phù hợp với quy định.

Theo Ban Tổ chức Tỉnh ủy Thái Nguyên, ông Phan Đức Cường sinh năm 1974, có chuyên môn nghiệp vụ là Đại học Nông lâm. Tháng 10/2015, ông được điều động về giữ Phó Bí thư Thành ủy Sông Công; đến tháng 6/2020 được điều động làm Phó trưởng ban điều hành BQLCKCN. Từ tháng 7/2020, được bổ nhiệm giữ chức Trưởng Ban BQLCKCN. Thời điểm bổ nhiệm ông Cường về BQLCKCN thì lãnh đạo BQLCKCN chỉ có 3 Phó trưởng ban (chưa có trưởng ban).  Trước khi điều ông Cường ra BQLCKCN thì tỉnh Thái Nguyên đã điều chuyển ông Trần Văn Long, Phó Ban phụ trách trước đó, về làm Phó Giám đốc Sở GTVT. 

Đọc thêm