Một vụ cố ý gây thương tích tại Hà Nội: Vì sao tòa không cho giám định lại dù tỷ lệ thương tật bất thường?

(PLVN) - Mặc dù CQĐT Công an quận Bắc Từ Liêm đã ban hành Quyết định trưng cầu giám định lại; luật sư của bị cáo chỉ ra hàng loạt những bất thường trong quá trình giám định tỉ lệ thương tật. Tuy nhiên HĐXX TAND quận vẫn nhất quyết không tiến hành giám định. 
Một vụ cố ý gây thương tích tại Hà Nội: Vì sao tòa không cho giám định lại dù tỷ lệ thương tật bất thường?

Nhiều thương tật không có khi thăm khám ban đầu

Ngày 25/05/2020, TAND Bắc Từ Liêm mở phiên xử sơ thẩm vụ Cố ý gây thương tích và tuyên phạt bị cáo Bùi Văn Nam 24 tháng tù giam vì có hành vi đánh một phụ nữ gây thương tích 33%. Dù Công an quận đã ra Quyết định trưng cầu giám định lại; bị cáo một mực đề nghị xem xét lại tỉ lệ thương tật của bị hại do có quá nhiều thứ bất thường, nhưng khi việc tổ chức giám định lại chưa được thực hiện thì Tòa sơ thẩm đã mở phiên xử và tuyên án tù.

Theo hồ sơ vụ án, ngày 15/12/2018, bị cáo Nam cùng một số người là bảo vệ của chung cư thuộc quận Bắc Từ Liêm ăn uống xem bóng đá có to tiếng gây ồn ào. Khoảng 22h, một phụ nữ sống trong chung cư đến nhắc nhở. Tại đây bị cáo Nam và người phụ nữ xảy ra mâu thuẫn to tiếng cãi nhau, bị cáo Nam đã dùng tay phải đấm vào mặt khiến người phụ nữ bị chảy máu ở vùng mặt. Nạn nhân đến BV Thu Cúc khám chụp chiếu, rồi khám tại BV Hòe Nhai.

Tại CQĐT, bị cáo Nam khai vợ chồng nạn nhân đã xúc phạm nên bị ức chế tinh thần, dùng tay phải đấm một nhát vào mặt nạn nhân gây thương tích, nhưng một mực cho rằng tỷ lệ tổn hại không đến 33% như kết quả giám định. 

Kết luận giám định thương tật lần đầu của Trung tâm pháp y thuộc Sở Y tế cho rằng nạn nhân bị gãy xương mũi, gãy xương sàng trái, chấn thương mắt trái, song thị. Tuy nhiên, theo LS của bị cáo Nam, nhiều tổn thương trong Kết luận giám định mâu thuẫn với kết quả chụp chiếu của bị hại tại BV.

Cụ thể, trước đó, bị hại sau khi bị đánh có đi khám thương tại BV Thu Cúc và BV Hòe Nhai. Tại đây, sau khi được thăm khám, chụp X quang sọ thẳng nghiêng, chụp cắt lớp hộp sọ, bị hại được xác định là có gãy xương chính mũi, ngoài ra không phát hiện tổn thương hộp sọ và tổn thương khác. Ba tháng sau, khi tiến hành trưng cầu giám định thương tật, bệnh nhân được xác định ngoài gãy xương mũi còn bị gãy xương sàng trái, song thị mắt… dẫn đến tỉ lệ thương tật là 33%. Đặc biệt, toàn bộ hồ sơ chụp chiếu, phim chụp, kết quả chụp chiếu, chẩn đoán tổn thương của bị hại tại các bệnh viện sau này (thời điểm tổ chức đi giám định) đều không có trong hồ sơ vụ án.

Vi phạm về thành viên tham gia giám định pháp y thương tích. 

Tại bản Kết luận giám định pháp y thương tích số 267 ngày 05/4/2019 (Bút lục số 49) có ghi thành viên tham gia tổ giám định gồm có: Thạc sĩ Nguyễn Thị Ngọc Yến – Giám định viên Trung tâm pháp y Hà Nội; BSCKI Nguyễn Ngọc Thanh – Giám định viên Trung tâm pháp y Hà Nội và các trợ lý giúp việc cho giám định viên. Trong thành phần tham gia giám định pháp y hoàn toàn không có tên PGS.TS Bùi Văn Giang (Giám định viên – Giám đốc Trung tâm chẩn đoán hình ảnh bệnh viện K). Kết luận giám định số 267 cũng không có chữ ký của ông Giang.

Thế nhưng, Kết luận giám định pháp y thương tích số 267 lại sử dụng (được cho là đã sử dụng) phần nhận định của ông Giang làm căn cứ xác định tỉ lệ thương tật cho người bị hại. 

LS Giang Văn Quyết (người bào chữa cho bị cáo Nam) cho rằng: “Việc đưa tên một người giám định không nằm trong thành phần tổ giám định vào trong Kết luận giám định là vi phạm khoản 2, Điều 100 BLTTHS. Mặt khác, toàn bộ hồ sơ vụ án không có một tài liệu nào có chữ ký, nhận định, đánh giá về mặt khoa học của ông Giang, như vậy ông Giang tham gia với tư cách gì? Những kết luận ông Giang đưa ra nằm ở đâu? Liệu có đảm bảo tính khách quan, trung thực của kết quả giám định?”. 

Đọc thêm