Mua nhà đã được công chứng, sang tên sổ đỏ... vẫn bị kiện đòi lại nhà

(PLVN) - Mua nhà đã có hợp đồng công chứng, được sang tên sổ đỏ rõ ràng bỗng một ngày “đẹp trời” người mua bất ngờ nhận được giấy triệu tập của tòa án. Bên mua được Tòa xác định là bị đơn trong vụ án dân sự mà người bán yêu cầu tuyên hợp đồng hơn 1 năm trước là vô hiệu.
ảnh minh họa
ảnh minh họa

Bất ngờ bị kiện

Là bị đơn trong vụ án dân sự trên, anh Phạm Văn Cường (SN 1984, huyện Phú Xuyên, Hà Nội) trình bày: Vào tháng 5/2019, anh mua căn nhà được xây dựng trên hai mảnh đất tại xã Phú Yên (huyện Phú Xuyên, Hà Nội) của anh Nguyễn Đức Thịnh (xã Phú Yên, huyện Phú Xuyên).

Theo đó các hợp đồng mua bán đã được công chứng. Sau đó vợ chồng anh đã làm thủ tục sang tên sổ đỏ. Tuy nhiên do anh Đức chưa thu xếp được chỗ ở nên vợ chồng anh Cường cho họ thuê lại ngôi nhà. Song hết thời gian cho thuê nhà anh Thịn không chịu dời đi.

Ngày 15/7/2020, anh Phạm Văn Cường bất ngờ nhận được giấy triệu tập của TAND huyện Phú Xuyên (Hà Nội) với vai trò là bị đơn trong vụ án dân sự yêu cầu tuyên bố các hợp đồng mua bán trên là vô hiệu.

Trong đơn khởi kiện anh Thịnh cho rằng: Do có mối quan hệ với nhau từ trước, biết anh có nhu cầu cần thêm vốn để kinh doanh ngành nghề da giầy, tháng 6/2019 anh Phạm Văn Cường thỏa thuận với cho anh Thịnh vay tiền để trả nợ ngân hàng số tiền 8,5 tỷ đồng, còn lại anh Cường sẽ cho anh Thịnh vay thêm từ 2-4 tỷ đồng. Nhưng sau này anh Cường chỉ giao cho anh Thịnh thêm 900 triệu đồng tiền mặt và một số tiền nữa tại văn phòng công chứng tổng cộng khoảng dưới 2 tỷ đồng.

Các hợp đồng mua bán được lập ở văn phòng công chứng
Các hợp đồng mua bán được lập ở văn phòng công chứng 

Theo nguyên đơn trình bày, điều kiện để đảm bảo vay tiền là phải làm hợp đồng chuyển nhượng nhà. Anh Thịnh cho rằng các hợp đồng chuyển nhượng trên chỉ là hợp đồng đảm bảo việc vay nợ, thực chất không có việc mua bán chuyển nhượng đất và nhà. Từ đó, họ khởi kiện ra tòa đề nghị tòa tuyên các hợp đồng chuyển nhượng đất và nhà là vô hiệu.

Đã ý thức được việc mua bán hay chưa?

Trước sự việc trên, người mua nhà là anh Phạm Văn Cường đã gửi đơn “cầu cứu” đến báo Pháp luật Việt Nam, cho biết: Vào ngày 11/5/2019 vợ chồng anh Thịnh đã ký tên, lăn tay vào ba hợp đồng mua bán tại Văn phòng công chứng Nguyễn Niên (TT. Phú Xuyên) dưới sự chứng kiến của công chứng viên. Tổng giá trị 3 hợp đồng (2 mảnh đất và căn nhà) là 16 tỷ đồng.

Sau đó ngày 03/12/2019, Văn phòng đăng ký sử dụng đất huyện Phú Xuyên sang tên sổ đỏ cho vợ chồng anh Cường. Ngày 27/12, anh Cường đã thế chấp hai sổ đỏ nói trên tại Ngân hàng để vay số tiền 9 tỷ đồng.

Anh Cường băn khoăn: “Nếu người bán cho rằng hợp đồng mua bán mà hai vợ chồng họ đã ký tên và lăn tay ở phòng công chứng chỉ là hợp đồng giả tạo, vậy tại sao họ lại ký biên bản bàn giao nhà, sau đó lại ký hợp đồng thuê nhà?

Đồng thời mặc dù biết tôi đã thế chấp toàn bộ ngôi nhà trên để vay tiền ngân hàng suốt nhiều tháng qua họ không có ý kiến gì để ngăn chặn?”. Anh Cường lo lắng: “Tôi  mua nhà hợp đồng đã được công chứng, được nhà nước sang tên sổ đỏ, đồng thời đã được ngân hàng thẩm định giấy tờ để vay vốn bây giờ bất ngờ bị tòa triệu tập khiến tôi vô cùng bất ngờ và hoang mang”.

Cho ý kiến về vụ việc này, Luật sư Nguyễn Quốc Phong (Đoàn luật sư TP HCM) nhận định: Bản chất vụ việc đã nêu rõ về quá trình nhận thức và ý chí của người bán. Từ việc họ ký tên lăn tay trong hợp đồng mua bán, tiếp theo đó là ký biên bản bàn giao nhà và sau đó lại ký hợp đồng thuê lại căn nhà - chuyển từ chủ nhà thành người đi thuê. 

Nếu chỉ là hợp đồng giả tạo, tại sao lại giao nhà?  tại sao lại thuê lại chính ngôi nhà của mình? Tại sao không ngăn chặn khi người mua thế chấp tài sản để vay ngân hàng. “Cả một quá trình liên tục như vậy, theo tôi người bán nhà cho rằng họ không nhận thức đầy đủ được việc mua bán là lập luận chưa lo-gic và khách quan ”- Luật sư Phong đánh giá.

Vụ việc rất cần được các cơ quan chức năng của huyện Phú Xuyên, nhất là TAND huyện Phú Xuyên, giải quyết dứt điểm, bảo đảm quyền lợi chính đáng của những người liên quan.

Đọc thêm