Nghệ An: “Máu rừng” vẫn chảy ở đất Qùy Châu

(PLVN) - Sau khi Báo pháp luật Việt Nam đăng bài “Nghệ An: Nạn phá rừng ở huyện Qùy Châu đến mức báo động nhiều cánh rừng tan hoang”, chúng tôi liên tiếp nhận được nhiều phản ánh của người dân về nạn phá rừng. Bên cạnh đó, cũng nhận được phản hồi một cách khó hiểu của chính quyền huyện này. Để rộng đường dư luận, phóng viên đã tiếp tục lặn lội trên địa bàn các xã Qùy Châu để tìm hiểu thêm tình hình.
Nghệ An: “Máu rừng” vẫn chảy ở đất Qùy Châu

“Máu rừng” vẫn chảy, rừng kiệt quệ do đâu

Huyện Qùy Châu, tỉnh Nghệ An là một trong những địa phương mà trước đây rừng tự nhiên chiếm phần lớn diện tích, phong phú về chủng loại, nhiều cây gỗ quý hiếm như Lim, Pơ Mu, Sa Mu, Dổi. Nhưng chỉ trong vòng mươi năm trở lại đây rừng tự nhiên đã dần biến mất, thay vào đó là những vùng keo bạt ngàn hàng chục nghìn ha.

Qua quá trình thực tế tại địa phương, chúng tôi nhận thấy một điều, đường tới đâu là keo lan tới đó. Nhiều cánh rừng tự nhiên phong phú trước đây giờ được thay thế bằng chỉ một màu cây keo. Nó len lỏi, xen kẽ, “gặm nhấm” dần rừng tự nhiên như “tằm ăn lá”, từ những xã, bản ở gần trung tâm huyện cho tới những bản vùng sâu, vùng xa.

Hiện tượng phổ biến tại các cánh rừng tự nhiên, người dân được giao, tạm giao quản lý, bảo vệ thì họ cứ phát dần, khai thác hết các cây gỗ tự nhiên làm cho rừng kiệt quệ rồi phát và đốt, sau đó mua giống keo về trồng.

Những khoảnh rừng gục gã ở Quỳ Châu
Những khoảnh rừng gục gã ở Quỳ Châu

Một số hộ dân cho biết, do hàng năm chính sách của nhà nước tối đa cấp cho họ bốn trăm nghìn/1ha/1 năm. Trong khi đó nếu phát rừng trồng keo họ chỉ phải bỏ ra tối đa 5 – 6 triệu đồng/1 ha, gồm tiền thuê nhân công, tiền giống. Năm, sáu năm sau, thu hoạch mỗi héc ta keo mang lại cho họ 70 – 80 triệu đồng. Mặt khác, chăm sóc cây keo không vất vả như các loại cây khác, họ chỉ cần trồng lên rồi để đó tụ nó lớn lên. Chỗ nào rừng tự nhiên nhiều thì chất dinh dưỡng do thảm rừng tích tụ nhiều năm tạo nên càng khiến cây keo phát triển tốt.

Ngoài những cánh rừng được giao, tạm giao cho dân hay cộng đồng quản lý, bảo vệ bị phá hoại, nhiều nơi là rừng phòng hộ cũng bị xâm hại. Như tại khoảnh 5, tiểu khu 159, khu vực khe đầu chó, ông Lò Văn Chính, bố chồng của bà Lương Thị Hảo phó bí thư xã Châu Thuận, đã làm ruộng và trồng keo trên đất rừng phòng hộ với diện tích khoanh vùng và sử dụng trái phép 10.062 m2, mãi tới tận cuối năm 2018 mới bị phát hiện.

Trở lại xã này ngày 8/8/2019, chúng tôi được hai người địa phương dẫn đường vào lô 51, khoảnh 16, tiểu khu 164, thuộc Bản Chiềng. Lội dọc khe Phai gần 2 giờ đường rừng chúng tôi đến địa điểm trên. Đây là khoảnh rừng mà hộ ông Cầm Bá Thơm được giao quản lý. Đập trước mắt là một khoảng rừng rộng đã được phát quang với diện tích 14.390 m2, trên đó một chòi canh được làm tạm bợ bằng nứa, lá.

Những thân gỗ bị đốn hạ, cắt khúc
Những thân gỗ bị đốn hạ, cắt khúc

Trao đổi với phóng viên, bà Vi Thị Chiến, vợ ông Cầm Bá Thơm cho biết, gia đình bà mới phát khoảng rừng này vào tháng 3/2019. Không những gia đình bà mà trong xã nhiều hộ cũng phát, thậm chí phát nhiều hơn cả gia đình bà, kể cả cán bộ xã, nhưng hiện mới chỉ có một vài người bị xử lý. Chồng bà sáng nay được công an huyện Qùy Châu mời xuống làm việc, gọi điện cho chồng, bà được biết ông đã bị công an huyện bắt tạm giam, không về được nữa.

Bà nói thêm, “nếu gia đình tôi bị pháp luật xử lý, thì đề nghị các cơ quan chức năng cũng phải xử lý cho công bằng các hộ khác để đảm bảo tính nghiêm minh của pháp luật, bất kể người đó là ai”.

Trước đó, khi đi thực địa tại xã Châu Phong, Diễn Lãm, khi phóng viên đi sâu vào các khu rừng cũng bắt gặp cảnh người dân ngang nhiên khai thác gỗ một cách công khai. Từng khúc gỗ được sẻ vuông thành sắc cạnh dài 3 -4 m nằm dọc đường mòn.

Thậm chí, có nơi chỉ cách trụ sở ủy ban nhân dân xã khoảng 200 m, khi khai thác xong các đối tượng lợi dụng lúc chập tối vận chuyển gỗ ra khỏi rừng đổ xuống đường tỉnh lộ rồi vận chuyển về nhà như tại xã Diễn Lãm.

Ngày 09/08, theo phản ánh của người dân, chúng tôi tiếp tục về Bản Tằn 2, xã Châu Hội. Sau nhiều giờ lặn lội trong rừng sâu đến khu rừng thuộc thửa đất số 127, tờ bản đồ số 4, lô 39, khoảnh 8, tiểu khu 168. Thật kinh hoàng, tại đây cả khu rừng bị lâm tặc “hút máu”, hàng chục đống gỗ nằm ngổn ngang. Chúng ngang nhiên làm cả con đường dài hàng trăm mét, chiều rộng từ 3 – 4 m để cho xe lên chở gỗ khai thác trái phép.

Trong khoảng chục khối gỗ này có cả những cây gỗ quý hiếm như Lim, Sang Lẻ thuộc nhóm 2, nhóm 3. Ngoài ra còn có Dẻ gai, Ràng ràng, Vạng trứng, Dẻ bộp, Chân chim, Máu chó, Dẻ đỏ, Chẹo tía, thuộc từ nhóm 5 đến nhóm 8. Gỗ bị cắt thành từng khúc hơn mét một, đường kính từ 20 – 40 cm. Nhiều khúc dài 5 – 7 m, đường kính 50 – 70 cm. Các gốc cây còn nằm trơ trọi, nhiều gốc mới bị cưa còn tuôi rói.

Trao đổi với phóng viên, ông Lang Anh Tý, chủ tịch xã Châu Hội cho biết “do địa bàn xã rộng, nơi đây là bản ở xa, đường đi lại khó khăn, chỉ cần một trận mưa lớn là đường vào bản này bị chia cắt hoàn toàn không đi lại được vì nước qua đập tràn vào bản Tằn 2 dâng cao hàng mét. Khi phát hiện sự việc sau đó mấy ngày, xã đã chỉ đạo các lực lượng vào kiểm tra, lập biên bản xử lý. Khoảnh rừng này trước đây thuộc quản lý của gia đình ông Lữ Văn Thuận, nhưng ông này đã bán lại cho người khác, nay xã cũng không biết ai là người quản lý thật sự. Bên cạnh đó, lực lượng xã lại mỏng không quán xuyến nổi”.

Thực tế vấn nạn phá rừng tại huyện Qùy Châu là phổ biến, trên diện rộng tại nhiều xã ngành kiểm lâm, chính quyền, và các ngành khác ở đâu?

Chính quyền huyện báo cáo sai sự thật?

Sau khi Báo Pháp luật Việt Nam phản ánh về nạn phá rừng trên địa bàn, ngày 29/07/2019 Huyện ủy Qùy Châu gửi Báo cáo số 313-BC/HU do ông Vi Văn Hanh, Chánh văn phòng huyện ủy ký, gửi Ban tuyên giáo tỉnh ủy Nghệ An, Báo Nghệ An, Báo Pháp luật Việt Nam cũng như một số cấp chính quyền, ban ngành khác về việc “báo cáo kết quả kiểm tra xử lý các vụ việc báo nêu”.

Tại Báo cáo này có ghi rõ: “Ngày 12/07/2019 UBND huyện Qùy Châu ban hành Quyết định số 1536/QĐ-UBND về việc thành lập đoàn kiểm tra xác minh các nội dung Báo phản ánh. Ngày 16/07/2019 đoàn kiểm tra tại các xã Châu Thuận, Châu Hội, Châu Bính. Qua kiểm tra thấy rằng: Tổng diện tích rừng bị chặt phá trái phép là 8.361 m2, số diện tích mà dân chặt phá chue yếu là đất lâm nghiệp, đất trồng DT1, DT2, DT1D, DT2D. Các vụ phá rừng nhỏ lẻ. Hình ảnh 02 cây Đa ở bên đường quốc phòng 229 nối xã Châu Hội và Châu Thuận bị gãy do đợt bão năm 2018 chỉ còn phần thân cây đã được UBND xã Cxhâu Thuận tận dụng làm bàn, ghế phục vụ trong UBND xã”.

Trước ý kiến này, ngày 06/08 phóng viên quay lại UBND xã Châu Thuận để xác minh. Sau khi cùng đại diện UBND xã kiểm kê, kiểm tra và lập “Biên bản kiểm kê, kiểm tra thực tế tình trạng bàn, ghế, tủ tại UBND xã Châu Thuận, huyện Qùy Châu, tỉnh Nghệ An”. Quá trình xác minh tại ủy ban xã này, trong tổng số 50 chiếc bàn, 121 chiếc ghế, 34 chiếc tủ làm việc, đựng tài liệu, tiếp khách, hội họp, tiếp dân thì không có bất kì chiếc nào được làm bằng gỗ cây Đa.

Ông Cầm Bá Kính, chủ tịch xã cho biết: “Từ năm 2018 đến nay xã không đưa vào trang bị, đóng mới, mua sắm bất cứ một chiếc bàn, ghế, tủ nào cả. Tại các nhà sinh hoạt cộng đồng các bản cũng không. Với lại phong tục người Thái nơi đây rất kiêng cự sử dụng gỗ cây Đa.”

Ông Kình trao đổi thêm, “các vụ phá rừng trên địa bàn xã, kiểm lâm địa bàn là ông Mai Huy Hoàng cùng chính quyền đã làm Báo cáo số 74/BC-UBND ngày 01/07/2019 gửi UBND huyện Qùy Châu báo cáo về kết quả thực hiện công tác quản lý, bảo vệ rừng và phát triển rừng xã Châu Thuận 6 tháng đầu năm 2019 báo cáo huyện đầy đủ và chi tiết”.

Theo Báo cáo này cùng “Danh sách các hộ gia đình vi phạm phá rừng 6 tháng đầu năm 2019 xã Châu Thuận” kèm theo. Chỉ riêng 6 tháng đầu năm trên địa bàn đã xảy ra tất cả 27 vụ phá rừng với tổng diện tích là 99.989 m2, trạng thái rừng chủ yếu là rừng thường xanh tự nhiên (TXN) và rừng thường xanh phục hồi (TXP). Tuyệt đối không có đất trống DT1, DT2, DT1D, DT2D như Báo cáo số 313- BC/HU của Huyện ủy Qùy Châu.

Mặt khác, tại buổi đối thoại giữa Chủ tịch UBND huyện Qùy Châu, ông ngô Đức Thuận với nhân dân xã Châu Thuận ngày 18/07/2019, thực tế nạn phá rừng trên địa bàn xã này đã được cả chủ tịch huyện và nhân dân trên địa bàn thừa nhận sự thật.

Chỉ tính riêng đây, vấn nạn phá rừng có diện tích đã lớn như vậy, chưa kể tại xã Châu Bính và Châu Hội và các xã khác, tại sao huyện Qùy Châu lấy đâu ra con số 8.361 m2, trạng thái rừng là đất trống…? Phải chăng chỉ nhằm “đánh lạc hướng dư luận” và “bóp méo” sự thật?

Có lẽ, đã đến lúc chính quyền tỉnh Nghệ An cũng như các ngành chức năng cần vào cuộc làm rõ những sai phạm của chính quyền, các ngành và các cá nhân liên quan của huyện này để giữ, bảo vệ rừng, tránh tình trạng “máu rừng” vẫn chảy, rừng vẫn bị “tùng xẻo, vén váy, hút máu” một cách công khai để rộng đường dư luận.

Đọc thêm